70% doanh nghiệp thừa nhận phải hối lộ
Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành đã chỉ ra những tồn tại kéo lùi sự phát triển của khu vực kinh tế Việt Nam.
Hội thảo mở đầu với tổng hợp những phản ánh của các doanh nghiệp về tình trạng một số địa phương cán bộ lấy cớ “chưa nắm được”, hoặc “chưa được hướng dẫn” để buộc doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu không hợp lý.
Có doanh nghiệp lại phản ánh, mới xin giấy phép mở thêm chi nhánh ở một tỉnh miền Trung và bị yêu cầu có hợp đồng thuê mặt bằng mới được đáp ứng.
Khi doanh nghiệp thắc mắc tại sao Luật không quy định loại giấy này, cán bộ địa phương lý giải là do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp bỏ trốn nên phải… linh động.
Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”/Ảnh Sài Gòn Giảo phóng. |
Tương tự một doanh nghiệp khác cho hay, cách đây không lâu có tiến hành thủ tục xin phép thành lập chi nhánh cũng ở một tỉnh miền Trung. Đến cơ quan chức năng địa phương, họ đòi phải có biên bản họp cổ đông mới được cấp phép. Khi doanh nghiệp phản ứng là Luật đã bỏ quy định này thì được cán bộ lấy cho xem một bộ “thủ tục” của tỉnh ban hành, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục vừa nêu.
Dù bị đòi hỏi những thủ tục giấy tờ oan ức nhưng doanh nghiệp vẫn miễn cưỡng để tránh ảnh hưởng đến làm ăn về sau.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay kết quả mang lại không như kỳ vọng. Nguyên nhân là những tồn tại chưa được giải quyết.
Ông Thành chỉ rõ, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn, lãi suất ở Việt Nam luôn cao hơn các nước, vượt quá khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển cũng cao hơn các nước, lên đến 22%. Một khi thủ tục thông quan mất nhiều thời gian thì giá thành sản phẩm không thể rẻ được.
Đã vậy, doanh nghiệp còn phải chịu thuế cao và “gánh” quá nhiều chi phí chính thức lẫn không chính thức.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thêm, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải nộp đến 39% lợi nhuận cho thuế, phí. Đó là chưa kể chi phí… tiêu cực.
Theo khảo sát của VCCI thì có 70% doanh nghiệp thừa nhận phải hối lộ. Còn theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB), đến 91% doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí không chính thức - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chính các khoản chi không chính thức đã cản trở con đường hội nhập của Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, muốn nền kinh tế phát triển thì phải tập trung hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Trong đó, năng suất lao động là yếu tố lâu dài giúp tăng trưởng ổn định, nhưng hiện nay năng suất lao động của Việt Nam phát triển giảm, thời gian qua có nhiều ngành tăng trưởng năng suất lao động âm.
Doanh nghiệp Việt gửi 2 đề nghị đến Thủ tướng tại "Hội nghị Diên Hồng”(GDVN) - Tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, Chủ tịch VCCI đưa ra 2 đề nghị chính của cộng đồng doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ PGS.TS Ngô Trí Long: Doanh nghiệp lớn được ưu tiên vì phí “bôi trơn” nhiều(GDVN) - Qua khảo sát của VCCI, doanh nghiệp cho rằng ở nhiều địa phương vẫn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp 1-3 đoàn thanh kiểm tra mỗi năm, doanh nghiệp "gánh nặng"(GDVN) - VCCI cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp đón 1-2 đoàn thanh, kiểm tra/năm. Doanh nghiệp quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. |
Bà Lan cũng phân tích rõ, năng suất thấp là do đầu tư của Nhà nước kém hiệu quả; năng suất khu vực FDI cao nhưng lại không có sức lan tỏa; còn trong doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đến 30%.
Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao nhận định hiện nay, vấn đề doanh nghiệp đặc biệt lo lắng không phải là thiếu vốn mà họ lo không biết lúc nào sẽ bị xử phạt.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn.
Bà Vũ Kim Hạnh dẫn lại một trường hợp doanh nghiệp trên đường Kinh Dương Vương (quận Tân Phú, TPHCM). Tuyến đường này vừa được Thành phố nâng cao hơn nhà dân đến 1,5 mét khiến nước tràn vào cơ sở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đáng nói là trong khi doanh nghiệp còn đang loay hoay không biết phải kiến nghị với đơn vị nào thì nhận được thông báo xử phạt vì… gây ô nhiễm.
Gỡ bỏ rào cản khu vực kinh tế tư nhân
Theo TS. Trần Du Lịch, nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ yêu cầu “hàng tá” thủ tục đối với doanh nghiệp nhưng bộ máy vẫn luôn vận hành thông suốt bởi họ làm việc công tâm, minh bạch. Từ đó có thể thấy, vấn đề cốt lõi chỉ một phần xuất phát từ thể chế, còn lại chủ yếu vẫn đến từ yếu tố “con người”.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, hiện có nhiều văn bản quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã được ban hành, tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Song song với nỗ lực của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục năng động, tập trung sản xuất, kinh doanh và nhất là phải làm ăn chân chính, không dựa vào “quan hệ”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thanh Liêm nói rằng, TP.HCM đã tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp; đã và đang tập trung xây dựng hạ tầng, cải cách hành chính, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế để tập trung cho phát triển kinh tế.
Thế nhưng, phía doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải gánh nặng rủi ro về chính sách, nặng thủ tục xin cho, phiền hà. Các doanh nghiệp nước ngoài ngại nhất ở Việt Nam là thủ tục hành chính. Mỗi bộ, ngành áp dụng luật mỗi kiểu nên nảy sinh… phong bì. Do vậy, cải cách hành chính, giảm thủ tục, bớt phiền hà, giảm “chi phí ngoài” sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp khối doanh nghiệp tư nhân gỡ bỏ “rào cản”, phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập sắp tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết phải tăng cường tính thực thi của pháp luật, chấm dứt tình trạng cán bộ “cố tình” không hiểu quy định, lợi dụng cơ chế để nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các cơ quan Nhà nước cần thay đổi nhận thức từ vai trò quản lý sang đối tượng phục vụ. Cán bộ công chức, viên chức phải được giáo dục, đào tạo để thay đổi cách tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp. Đội ngũ công chức tốt, thể chế tốt thì bản thân doanh nghiệp chắc chắn sẽ có điều kiện cạnh tranh công bằng và phát huy năng lực.
Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra: Tăng cường các thể chế thị trường bảo đảm cạnh tranh tự do và công bằng; thực hiện cải cách kinh tế sâu rộng; phát triển các ngành dịch vụ hiện đại: tài chính, bảo hiểm, logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp…; phát triển các doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo, cạnh tranh…