Đừng mất công đi tìm bố của "ông quan trẻ" là ai?

13/12/2016 06:50
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Ở độ tuổi 26, ông Vũ Minh Hoàng đã trở thành Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Việc bổ nhiệm này đang khiến dư luận xôn xao bàn tán.

LTS: Chuyện một cán bộ 9x được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong khi còn đang đi học ở nước ngoài đang làm nóng dư luận.

Tác giả Trương Khắc Trà cho rằng không nên bàn nhiều đến chuyện "ông quan trẻ" này có phải là "con ông cháu cha" hay không.

Mà vấn đề là nếu cán bộ có tài thật, tại sao lại bổ nhiệm một cách gấp gáp đến vậy?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Lại là câu chuyện những ông quan trẻ, một lần nữa làm nóng dư luận, ở độ tuổi 26 – ông Vũ Minh Hoàng đã trở thành Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chức vụ mà Hoàng sở hữu khiến tất thảy mọi người phải ước mơ, khao khát xen lẫn ngạc nhiên, có người công tác phấn đấu đến bạc tóc chắc gì được!

Ấy vậy nên cũng không có gì lạ khi dư luận xì xèo, xoi mói, đã có nhiều câu hỏi và cả những cái tặc lưỡi coi như chuyện thường ngày ở phố huyện, và một trong những câu hỏi ấy đã được giải đáp: ông Vũ Minh Hoàng có phải “con ông cháu cha"?

Đúng như vậy, thân nhân của vị quan trẻ này đều là những người có địa vị lớn.

Tạm gác lại chuyện nhân thân lý lịch mà hãy nghe ông Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận xét về cấp dưới của mình:

Lúc đó ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ không ai giỏi ngoại ngữ như Hoàng. Sau một thời gian mời Hoàng hợp tác làm việc, các đoàn nước ngoài đến Tây Nam Bộ thích cách làm việc của cán bộ trẻ này” [1].

Ông Vũ Minh Hoàng (phải) thời điểm được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ. (Ảnh: baodatviet.vn)
Ông Vũ Minh Hoàng (phải) thời điểm được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ. (Ảnh: baodatviet.vn)

Theo lời ông Phó ban, ở đây có mấy câu hỏi: Chẳng lẽ trong hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ ở Việt Nam không ai giỏi ngoại ngữ hơn ông Hoàng?

Trong khi ông Hoàng dành hầu hết thời gian để đi học làm sao giải quyết hết công việc của một Vụ phó mà thời gian công tác chỉ tính bằng ngày!?

Vấn đề ở đây chưa phải là con ông nào cháu bà nào nhưng việc tuyển dụng và bổ nhiệm “thần tốc” một chức vụ to như núi khiến dư luận hồ nghi là hoàn toàn có cơ sở. 

Nếu giỏi thực sự thì thiếu gì cơ hội và thời gian để thử thách mà phải vội vàng như vậy để vấp phải đá, quàng phải dây? 

Chưa kể hàm Vụ phó phải đi kèm các điều kiện như thâm niên công tác, trình độ lý luận chính trị, thành tích công tác…

Đừng mất công đi tìm bố của "ông quan trẻ" là ai? ảnh 2

Biết thế, xưa học tại chức còn hơn

Tuy nhiên, một mớ bằng cấp toàn loại Giỏi và Xuất sắc như vậy thì chí ít cũng chứng minh ông Hoàng là người có chữ nghĩa, thời gian công tác còn lại gần 35 năm để chứng minh năng lực, trình độ, vì cớ gì phải làm cấp tốc như vậy!

Thời gian qua, dư luận chỉ trích gay gắt cách tuyển dụng, bố trí cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Điều này chẳng phải hàm oan cho ai, nhất là trong bối cảnh hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ lao đao kiếm việc làm và “dư chấn” của những vấn đề lùm xùm liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Đình Duy

Tuy nhiên, luồng ý kiến bất bình với chức Vụ phó liệu rằng có oan?

Chắc chắn, sự việc bung bét như thế này không phải lỗi của ông Hoàng, vì nếu không có những điều kiện “abc” thì có ba đầu sáu tay cũng không thể ngồi vào vị trí đó ở cái tuổi mà hầu hết bạn đồng trang lứa đang bôn ba kiếm việc làm!

Điểm sáng duy nhất ở đây là ông Hoàng không phải leo lên cái ghế to bự từ lái xe, tạp vụ… mà sở hữu một loạt bằng cấp quốc tế có uy tín, nên có thể hy vọng vào những cống hiến trong tương lai, dĩ nhiên dư luận vẫn khó nuốt trôi quy trình bổ nhiệm quá “thần tốc” này!

Từ câu chuyện của Vụ phó Vũ Minh Hoàng nói rộng ra là một điển hình nóng vội (có chủ ý?) của việc tuyển dụng, thu hút cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, nên hệ quả là không thể vượt qua cái “dớp” như những vụ trước đây và bị hồ nghi là có “bệ phóng” nâng đỡ.

Chắc chúng ta còn nhớ vụ lùm xùm giữa quán quân Olympia Doãn Minh Đăng và Trường đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ; vụ nhân tài Đà Nẵng bị kiện và câu chuyện 13 quán quân Olympia ra nước ngoài chỉ có 1 người trở về quê hương…

Đừng mất công đi tìm bố của "ông quan trẻ" là ai? ảnh 3

“Hoang tin - cùi bắp” và công cuộc xóa nạn “mù họ”

Những sự việc này cho thấy cách sử dụng nhân tài ở Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc. Có phải vì vấn nạn “con ông cháu cha”? 

Nếu có “con ông cháu cha” thật, nhưng đi lên bằng năng lực thực sự, đủ trình độ, mang lại cái mới, tiến bộ hơn thì sao?

Chẳng lẽ cứ phủ nhận hết sạch trơn vì “đồng chí này là con đồng chí kia”?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “tìm người tài chứ không tìm người nhà” nên hãy để cho người trẻ có cơ hội làm việc bất kể đó là ai.

Để làm được điều đó, công tác tuyển dụng, đánh giá, bố trí phải thực sự công bằng, minh bạch, dư luận hãy bớt thành kiến về con ông này, cháu bà kia mà hãy nhìn vào chất lượng công việc và sự tiến bộ xã hội cũng như sức mạnh nền kinh tế.

Nội các Hoa Kỳ, khi Tổng thống trúng cử có quyền chỉ định tất cả thành viên trong Chính phủ, thậm chí đưa người thân hoặc ekip đã ủng hộ trong quá trình bầu cử nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành trơn tru và chẳng ai gọi đó là lợi ích nhóm hay thân hữu.

Vì đơn giản, những ai không làm được việc sẽ bị loại ngay tức khắc, bất kể đó là con cái của Tổng thống!

Nói vậy để thấy rằng, vấn đề không phải nằm ở “con ông cháu cha” mà vướng mắc ở cơ chế, thói quen, tập tục sử dụng con người của chúng ta.

Và cũng là bài học xương máu cho những cú bổ nhiệm “cấp tốc” gây choáng dư luận. Giả sử Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm qua thời gian công tác độ năm năm nữa thì tình hình không phải nghiêm trọng như bây giờ.

Công tác tổ chức cán bộ luôn là vấn đề nhạy cảm, không thể ngày một ngày hai kiện toàn cho một chức vụ quan trọng như vậy mà phải có tầm nhìn dài hơi.

Chúng ta đang cần người tài nhưng không phải vì thế mà làm hỏng quy trình bất chấp luật pháp kỷ cương, đánh mất lòng tin ở người dân.

Vấn nạn “con ông cháu cha” là vấn đề của nhiều quốc gia đang phát triển và thiếu minh bạch. Nhưng xã hội nào cũng cần người làm việc thật.

Làm gì có xã hội nào, quốc gia nào có thể hưng thịnh nếu chỉ dựa vào nhóm con ông cháu cha không dám nghĩ, không dám làm, cái gì cũng phải nhờ người khác nghĩ hộ, làm hộ.

Trên thế giới, đã có những gia đình cha làm Tổng thống, rồi đến con cũng làm Tổng thống mà dân chúng ai cũng tâm phục khẩu phục ủng hộ đó sao.

Điều quan trọng là hãy học cách sống tự thân, thích nghi với thời cuộc. Hãy chứng minh mình là ai, chứ đừng tìm cách chứng minh mình là con ai.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thua-nhan-ly-lich-vu-pho-26-tuoi-vu-minh-hoang-3324686/

Trương Khắc Trà