LTS: Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề sử dụng đòn roi với học trò, cô giáo Phan Tuyết gửi thư đến những đồng nghiệp với sự cảm thông với những nỗi khổ tâm của các thầy cô giáo.
Cô Phan Tuyết cũng cho rằng nên nói không với roi vọt bởi lòng yêu thương học trò và cũng là bởi giáo viên cần phải biết tự bảo vệ mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hàng ngày, mở trang báo ra thấy những bài viết, những hình ảnh giáo viên bạo hành học sinh cùng với hàng trăm lời sỉ vả, mắng nhiếc của bạn đọc thấy thật đau lòng và xót xa.
Là giáo viên nên tôi hiểu chẳng thầy cô giáo nào lại thù ghét học sinh, chẳng ai lại muốn dùng đòn roi để phạt nếu không muốn nói là bất đắc dĩ.
Học trò bị phạt thường có nhiều nguyên nhân như lười học, không chịu nghe lời, quậy phá trong giờ học, thường xuyên đánh bạn, vô lễ với thầy cô…
Lỗi của các em không phải là lần đầu tiên mà bao giờ cũng có tính hệ thống. Dù thầy cô liên tục nhắc nhở nhưng những học sinh ưa phạm lỗi này vẫn chứng nào tật ấy.
Thầy cô giáo phải chịu nhiều áp lực trong việc dạy dỗ học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Nhiều em, giáo viên buộc phải mời phụ huynh thì nhận được câu trả lời “Cô dạy nó được gì thì dạy, gia đình tôi cũng bất lực rồi”.
Không có sự giúp đỡ từ phía gia đình, giáo viên còn bị gánh nặng chất lượng học tập, chất lượng nề nếp đè chặt lên vai.
Thế rồi, trong nôn nóng muốn trò thay đổi, muốn các em mau tiến bộ nên thầy cô đã tỏ ra nghiêm khắc.
Một cây thước bé tí quất vài roi vào mông (có em do né nên trúng vào tay cũng là điều dễ hiểu) giống như kiểu ba mẹ răn dạy con khi không nghe lời nhưng dư luận vẫn không cho phép.
Có thể nhiều người không hiểu nên mới nặng lời bình phẩm như thế.
Riêng tôi cũng thấu hiểu và thông cảm với đồng nghiệp của mình bởi chính những thầy cô tôi gặp hàng ngày trên lớp cũng đang phải gồng mình gắng sức, tự nhủ, tự an ủi để kìm chế cơn giận trước những học sinh không nghe lời.
Mọi người thử đặt mình vào tình huống sau để tự mình đưa ra cách giải quyết thế nào cho phù hợp?
Trong giờ học, thầy đang say sưa giảng bài, dưới cuối lớp, cậu học sinh lớp 7 tên Dũng cứ ngồi chọc ghẹo cô bạn gái bên cạnh không cho cô bé học.
Nhiều lần thầy phải ngừng bài giảng giữa chừng để nhắc nhở nhưng Dũng không nghe. Thầy đã phải cắn răng làm lơ để dạy cho xong tiết học.
Đến khi thấy phía dưới lớp nhốn nháo khác thường, bạn nữ co rúm người khóc tức tưởi còn Dũng cười nhăn nhở.
Đi xuống phía dưới, thầy nhặt được mảnh giấy ghi với dòng chữ “Nếu mày cho tao bóp… một cái, tao sẽ tha cho. Còn không thì cứ liệu hồn đấy!”.
Thầy Khánh nói: “Tôi phải kìm mình lắm để không tạt tai em ấy vài cái. Nhưng lần sau còn thế nữa, tôi không chắc mình có ghìm nổi không?”
Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện thường xuyên xảy ra trong giờ học. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?
Gọi lên phòng giám thị làm kiểm điểm ư? Bản kiểm điểm của học trò này được lưu cả sấp, kỉ luật hạ hạnh kiểm cũng bằng thừa, viết bản cam kết cũng chẳng tác dụng gì, hay cho nghỉ học một tuần?
Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (GDVN) - Thay mặt cho nhiều đồng nghiệp có tâm huyết với nghề, tôi xin gửi tới Bộ trưởng những lời thỉnh cầu như sau... |
Hình thức kỉ luật này giống như món quà tặng cho những học sinh lười, học sinh mắc lỗi. Bởi các em sẽ được nghỉ học một cách hợp pháp.
Đã có một số đồng nghiệp chọn cho mình giải pháp an toàn nhất “Cứ tảng lờ như không có chuyện gì, dạy hết tiết rồi ra khỏi lớp”.
Nhưng nhà giáo có lương tâm ai lại làm thế bao giờ?
Nhắc nhở, nói ngọt ngào, học trò nhiều khi cũng nhờn mặt. Nhưng bị thầy cô nổi cáu, quất cho vài roi lại có biến chuyển rõ ràng.
Thế rồi, rắc rối bủa vây khi chiếc roi vung xuống. Và đã có biết bao người bị đình chỉ dạy, nặng hơn là bị buộc thôi việc. Lúc này người khổ nhất chính là con cái của chúng ta các đồng nghiệp ạ.
Đã đến lúc phải biết nói không với đòn roi nơi học đường. Dạy dỗ hết mình nhưng cũng phải biết cách tự bảo vệ lấy mình, bảo vệ cho con cái chúng ta đồng nghiệp ạ.