Còn những giáo viên như thế này, đổi mới sẽ khó thành công

03/05/2017 09:09
Đỗ Quyên
(GDVN) - Đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những thầy cô ít chịu học hỏi, vươn lên đó là biểu hiện của căn “bệnh ì”.

LTS: Từ thực tiễn giảng dạy, cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo đang mắc "bệnh ì", ngại đổi mới và ít tâm huyết với nghề.

Theo cô Đỗ Quyên, đội ngũ giáo viên với những biểu hiện thiếu tích cực này sẽ khiến công cuộc đổi mới gặp nhiều khó khăn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Để chương trình tổng thể mới được áp dụng trong thực tế thành công như kì vọng thì đội ngũ giáo viên chiếm vai trò vô cùng quan trọng. 

Người thầy phải có được nhận thức đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm cao, có kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học, kĩ năng sư phạm vững vàng, có vốn sống phong phú và có sự quyết tâm muốn thay đổi. 

Thế nhưng trong thực tế, đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những thầy cô ít chịu học hỏi, vươn lên đó là biểu hiện của căn “bệnh ì”.

Những giáo viên này sẽ là vật cản trong công cuộc đổi mới của ngành giáo dục hiện nay.

Muôn kiểu ì

Hay than thở, ngại đổi mới, chậm trễ trong mọi công việc, thoái thác nhiệm vụ được giao… là biểu hiện rõ nhất của căn “bệnh ì” mà không ít giáo viên thời nay đang mắc phải.

Nói tới "bệnh ì" không ít người nghĩ ngay đến những giáo viên lớn tuổi nhưng "bệnh ì" lại chẳng chừa một ai. 

Những giáo viên mắc "bệnh ì" khiến công cuộc đổi mới giáo dục thêm khó khăn. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Những giáo viên mắc "bệnh ì" khiến công cuộc đổi mới giáo dục thêm khó khăn. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Có những thầy cô lớn tuổi sắp về hưu, nhưng cũng có không ít những giáo sinh vừa rời giảng đường bước lên bục giảng cũng mắc phải căn bệnh này. 

Để nhận biết những người mang "bệnh ì" chẳng khó tuy nó được biểu hiện dưới nhiều góc độ khác nhau.

Nhiều nhất vẫn là người hay than thở, bất cứ việc gì cũng thở than được, từ chuyện học sinh, chuyện trường lớp đến chuyện đổi mới phương pháp dạy học…

Trong dạy học, những giáo viên này thường sử dụng phương pháp dạy truyền thống “thầy đọc trò chép” mà ít vận dụng phương pháp dạy học mới. 

Giáo viên thường đứng hoặc ngồi tại bàn giáo viên dạy hết giờ là ra khỏi lớp mà không đến từng bàn hướng dẫn từng em theo phương pháp dạy học mới. 

Do không có sự đầu tư vào bài dạy nên giờ học thường nhạt nhẽo, thụ động. Kiến thức trong sách viết gì dạy cái đó mà không có sự mở rộng, nâng cao cho học sinh. 

Họ thường hay phản đối tất cả mọi việc liên quan đến vấn đề đổi mới trong giáo dục vì lười vận động, sợ bản thân phải nỗ lực. Thường xuyên chê bai hoặc bàn ra những kế hoạch mà nhà trường dự định triển khai vì sợ phải làm.

Bê trễ trong mọi hoạt động, không chịu học hỏi trong chuyên môn mà dậm chân tại chỗ. 

Còn những giáo viên như thế này, đổi mới sẽ khó thành công ảnh 2

Bồi dưỡng tốt cho đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình phổ thông mới

Có giáo viên dù mới ra trường cũng chẳng bao giờ tự soạn một thiết kế để lên lớp cho đàng hoàng mà xin đồng nghiệp đi trước chỉ việc về nhà chỉnh sửa ngày, tháng, họ tên để biến thành giáo án của mình cho đỡ mất công. 

Một số hồ sơ, biểu mẫu gì cũng thường đợi cho đồng nghiệp làm xong là mượn chép lại thành của mình như một số bản thu hoạch, bản cam kết, bài soạn bồi dưỡng thường xuyên…

Luôn sợ khó, sợ khổ, sợ đấu tranh, sợ mất lòng cấp trên nên họ thường sống ba phải, ai nói gì cũng mặc, đúng cũng được mà sai cũng chẳng hề hấn gì.

Nguyên nhân sinh ra bệnh ì

Một số Ban giám hiệu ít có sự kiểm tra, sâu sát thực tế. Việc xếp loại công chức hàng năm thực hiện chưa thật sự nghiêm túc. 

Giáo viên dù năng nổ hay chây lười thì cuối năm xếp loại phần lớn cũng được cào bằng như nhau. 

Điều này không chỉ gây nên sự bất mãn cho một số thầy cô giáo nhiệt tình với công việc giảng dạy “Làm cho lắm cũng chẳng hơn ai” mà không có tính cảnh báo, răn đe đối với những giáo viên còn làm việc nửa vời.

Chữa “bệnh ì” cho giáo viên bằng cách nào

Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những giáo viên chưa thật sự nỗ lực.

Cuối năm, việc xếp loại cũng cần thực hiện nghiêm túc, công minh, không được vị nể vì bất cứ một lý do nào khác. Chỉ khi người Hiệu trưởng làm việc đúng trách nhiệm, đánh giá giáo viên đúng năng lực mới có sự thay đổi. 

Cần có sự phân bố lực lượng giáo viên lâu năm với giáo viên trẻ ở các trường cho đồng đều. 

Còn những giáo viên như thế này, đổi mới sẽ khó thành công ảnh 3

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới

Hàng năm, việc luân phiên giáo viên cũng cần dựa vào thành tích đạt được của thầy cô giáo trong năm để ưu tiên việc chọn trường.

Có như thế mới tạo ra động lực để thầy cô giáo nỗ lực phấn đấu.

Khuyến khích những giáo viên lớn tuổi ít có tâm huyết với nghề về hưu trước tuổi và tuyển chọn những sinh viên khá giỏi vào ngành.  

Giáo dục đang đổi mới từng ngày, nếu sức ì của giáo viên quá lớn xem như công cuộc đổi mới hoàn toàn thất bại.

Vậy nên, muốn đổi mới giáo dục điều trước tiên phải đổi mới cách nghĩ, cách làm của những thầy cô giáo mang "căn bệnh ì".

Đỗ Quyên