Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới

16/04/2017 06:47
Thùy Linh
(GDVN) - Các chuyên gia giáo dục, đại diện một số trường phổ thông đang còn nhiều băn khoăn về những điểm mới trong chương trình tổng thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với rất nhiều điểm mới. Các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường phổ thông đều mong đợi nhiều ở chương trình mới lần này tuy nhiên nhiều thầy cô vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của chương trình.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến của các nhà giáo, chuyên giáo dục về những điểm trong dự thảo này.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). 

Theo tôi, ban soạn thảo cần tập trung làm rõ: 

Thứ nhất, cần đưa ra nguyên tắc hoặc quyền của các bên tham gia đánh giá kết quả giáo dục trong từng học kỳ, năm học, cấp học. 

Quyền của học sinh và cha mẹ học sinh được tham gia như thế nào? Khi có thắc mắc, khiếu nại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết. Để tránh tình trạng tiêu cực làm sai lệch kết quả đánh giá. 

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có quyền từ quyết, độc lập trong đánh giá học sinh như thế nào? Tự chịu trách nhiệm khi đánh giá sai lệch kết quả phấn đấu của học sinh. 

Quyền của Hiệu trưởng, Ban giám hiệu được can thiệp như thế nào đối với đánh giá kết quả của từng học sinh?

Trăn trở của nhiều giáo viên về dự thảo chương trình tổng thể (Ảnh: Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh)
Trăn trở của nhiều giáo viên về dự thảo chương trình tổng thể (Ảnh: Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh)

Thứ hai, chúng ta đã xác định phẩm chất năng lực học sinh, vậy kết quả đánh giá học sinh trong từng học kỳ, từng năng học cũng phải thay đổi. 

Chúng tôi đề nghị bỏ cách đánh giá đạo đức học sinh hiện nay theo thang bậc: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu kém. 

Cách phê học bạ cho học sinh của từng cấp học phải thay đổi theo yêu cầu xác nhận nỗ lực của học sinh trong việc rèn luyện phẩm chất, năng lực, không để giáo viên phê chung chung, đại khái như hiện nay. 

Thứ ba
, chúng tôi đề nghị xem xét lại cách đánh giá học sinh hết trung học cơ sở (lớp 9) có nên để tình trạng học sinh chỉ tập trung vào học 2 môn: Văn, Toán để thi trung học phổ thông như hiện nay không?

Quan điểm của chúng tôi là nên tổ chức cho học sinh thi hết trung học cơ sở theo môn học bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên do các tỉnh thành chỉ đạo, một cách nhẹ nhàng không gây áp lực nhưng đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Lấy kết quả thi hết cấp thay cho thi vào trung học phổ thông. 

Về biểu hiện phẩm chất của học sinh Việt Nam:

Chúng tôi cho rằng, Ban soạn thảo trước khi đưa ra những phẩm chất cụ thể thì nên thống nhất các nguyên tắc xét chọn và đặc biệt có lẽ không nên lệ thuộc vào số lượng phẩm chất để phải lồng ghép một cách khiên cưỡng giữa các phẩm chất. 

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới ảnh 2

Chuyên gia kiến nghị đưa thêm 2 môn học vào chương trình phổ thông mới

Mỗi phẩm chất cần giáo dục cho học sinh phổ thông chỉ cần làm rõ những nội dung giáo dục cơ bản cần đạt rồi mới tiến lên thiết kế cụ thể cho từng cấp học, nhiều phẩm chất phải được rèn luyện lâu dài ở các cấp học, còn nội dung giáo dục sao cho phù hợp với lứa tuổi từng cấp học đến các bộ môn, các chương trình giáo dục từng cấp học lựa chọn theo chúng tôi phần này không cần phải thiết kế chi tiết. 

Thí dụ trong phần phẩm chất yêu đất nước, dự thảo ghi: 

Cấp tiểu học cần: Yêu thiên nhiên; Yêu quê hương, tự hào về quê hương; Kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với đất nước”. 

Những phẩm chất này không có ở tiểu học mà các cấp đều phải thực hiện. Vì thế khi thiết kế cần làm rõ những đặc điểm cốt lõi của phẩm chất đó, còn vận dụng nó ở từng cấp học để các chương trình môn học các cấp lồng ghép thể hiện. 

Phẩm chất yêu nước cần làm rõ những nội dung cơ bản phải có ở mỗi học sinh phổ thông là: 

-Yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường. 

-Tự hào và biết phát huy, bảo vệ truyền thống yêu nước, truyền thống di sản văn hóa dân tộc. 

-Kính trọng, biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp cho công cuộc dựng nước, giữ nước qua các thời kỳ lịch sử. 

-Có ý thức cống hiến và sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước. 

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới ảnh 3

Tổng số tiết học của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Phần “yêu con người”, Ban dự thảo chỉ ra 2 nội dung: Yêu quý mọi người và tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người là chưa đủ.

Phẩm chất yêu thương là truyền thống tốt đẹp người Việt Nam luôn “Thương người như thể thương thân” luôn quan tâm, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp nghịch cảnh, khó khăn…

Về phẩm chất “chăm làm chăm học”, chúng tôi cho rằng các tác giả chưa đặt phẩm chất này ở tầm khái quát, chăm học mới chỉ là một khía cạnh của phẩm chất “cần cù” của ông cha ta. 

Do đó, chúng tôi cho rằng có thể thay phẩm chất này bằng phẩm chất “cần kiệm” vừa khái quát hơn vừa phát huy truyền thống của người Việt Nam. 

Hơn nữa, chăm học sẽ để giải quyết ở phần năng lực “tự học”. 

Tiết kiệm, thời gian, tiền bạc, của cải, sức lực của mỗi người cũng cần đi rèn luyện thường xuyên trong các cấp học phổ thông. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam cần được rèn luyện cho học sinh phổ thông. 

Còn nhiều phẩm chất tốt đẹp khác của người Việt Nam chưa được các tác giả quan tâm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như: đoàn kết, khoan dung, tôn trọng, khiêm tốn…

Tiến sĩ Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Thực nghiệm (Hà Nội): 


Tôi lo ngại về tính khả thi ở một số điểm của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bởi yêu cầu đặt ra so với thực tế còn nhiều điểm vướng. 

Ví dụ, liên quan về tính mở và cách thức được vận dụng chương trình của các cơ sở đào tạo thì liệu rằng các trường có được vận dụng linh hoạt giảm thời lượng môn này, tăng thời lượng môn kia so với phân phối chương trình của Bộ không? 

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới ảnh 4

Tổng Chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nêu 3 điểm mới trong dự thảo chương trình 2017

Mặt khác theo chương trình mới, lớp 10 học tới 15 môn, nhiều hơn hiện nay.

Ở các lớp 8-9-10 học sinh phải học 5 tiết/tuần, mỗi tuần học 6 ngày đã đủ 30 tiết theo chương trình, như vậy, giờ chào cờ và giờ sinh hoạt lớp hiện nay đưa vào đâu?

Hai là, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình là điều cần bàn đến. 

Cụ thể, theo chương trình mới thì ở cấp Trung học phổ thông sẽ có thêm môn Mỹ thuật, Âm nhạc với thời lượng 3 tiết tuần mà từ trước tới nay các trường không dạy môn này vậy giáo viên sẽ lấy ở đâu? 

Không thể cấp tập tuyển một lứa giáo viên tốt nghiệp trường nghệ thuật nào đó mà không có khả năng sư phạm để giảng dạy. 

Điểm thứ ba mà tôi băn khoăn là việc cho phép học sinh lựa chọn môn học sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị nhân sự khi chương trình đi vào thực tế.

Bởi vì, mỗi năm học sinh sẽ đăng ký khác nhau. Năm nay học sinh sẽ đăng ký nhiều môn Sử - Địa nhưng năm sau đăng ký nhiều Lý-Hóa-Sinh.

Vậy năm trước vừa tuyển thêm giáo viên các môn Sử - Địa, đến năm sau học sinh không đăng ký nữa thì trường sẽ phải xử trí ra sao. Tôi thực sự băn khoăn về tính thực tế của chương trình khi áp dụng.

Thầy Nguyễn Thành Công – giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Đại học sư phạm và là giáo viên luyện thi môn Sinh học tại hệ thống giáo dục Học mãi: 

Tôi thấy có một số vấn đề cần làm rõ thêm trong dự thảo lần này, chẳng hạn: Trong dự thảo không thấy đề cập đến giờ chào cờ và giờ sinh hoạt lớp dành cho học sinh, không biết hai giờ học này nằm ở vị trí nào? 

Để làm được điều này cần có sự đồng hành của các trường sư phạm trong công tác đào tạo giáo viên mới và đào tạo lại các giáo viên hiện có để đáp ứng chương trình. 

Và cần làm rõ về việc hệ thống cơ sở vật chất của các nhà trường đã đủ để đưa chương trình vào thực tế hay chưa? 

Bởi lẽ, sự phân hoá chương trình sẽ khiến hầu hết các trường đặc biệt các trường ở nông thôn không đủ điều kiện để đáp ứng cho chương trình. 

Thùy Linh