Chương trình mới chưa thấy đề cập đến giáo dục cho người khuyết tật

18/05/2017 07:05
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo dục của chúng ta trên tinh thần bình đẳng nên vấn đề giáo dục cho người khuyết tật cần được đưa ra trong Luật Giáo dục và chương trình giáo dục tổng thể.

Tại buổi họp bàn ngày 16/5 góp ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tháng 4/2016, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam khẳng định, dự thảo đã quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. 

Bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển đánh giá, dự thảo lần này đã có nhiều tiến bộ so với trước tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, Ban soạn thảo cần xem xét. 

Thứ nhất
, năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai chương trình mới nhưng đến nay lộ trình thực hiện và áp dụng chương trình như thế nào vẫn chưa  được nêu rõ ràng. Điều này khiến cho phụ huynh và học sinh vô cùng hoang mang. 

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục cho rằng, chương trình mới nhưng điều kiện triển khai còn hạn chế, nào là kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện đổi mới chưa cụ thể, nào là điều kiện cơ sở vật chất cũng đòi hỏi từ sĩ số lớp, thiết bị giảng dạy… chưa được nêu ra. 

Thứ hai, mặc dù dự thảo đã đề cập đến giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) nhưng chỉ dưới dạng môn học Khoa học – Công nghệ. 

Điều này cho thấy, STEM được đưa vào chỉ mang tính chất khuyến khích chứ không phải ưu tiên trọng tâm, trong khi STEM liên quan đến việc thiết kế ý tưởng, sáng tạo, khả năng tư duy logic… nên cần thiết cho tất cả các môn học”, bà Liên nhấn mạnh. 

Thứ ba
, theo Phó giáo sư Nguyễn Xuân Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, trong các đối tượng tiếp cận chung của giáo dục thì có người khuyết tật nhưng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa đề cập đến giáo dục cho đối tượng này. 

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Phương chỉ rõ, tại Việt Nam, có 2 lực lượng khuyết tật liên quan đến giáo dục là người mù và người khiếm thỉnh mặc dù giáo dục người mù đã có hệ chữ cái Brille còn đối với người khiếm thỉnh thì dùng ngôn ngữ kí hiệu. 

Tuy nhiên, giáo dục của chúng ta trên tinh thần bình đẳng nên những vấn đề này cần sớm được nêu cụ thể trong Luật Giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để khi xây dựng chương trình, yêu cầu về đào tạo giáo viên, trang thiết bị… có căn cứ, cơ sở thực hiện. 

Ví dụ, đối với học sinh khuyết tật thì điều kiện cơ sở vật chất, cách kiểm tra, đánh giá… phải khác so với học sinh bình thường. 

Trải nghiệm sáng tạo không nên tách rời thành một môn học

Trong thiết kế hệ thống môn học ở Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trở thành một môn học độc lập trong nhóm các môn học bắt buộc, có phân hóa ở tất cả các cấp từ tiểu học đến Trung học phổ thông. 

Theo kế hoạch này, ngoại trừ lớp 10 trải nghiệm sáng tạo dự kiến 70 tiết/năm học, còn các lớp khác từ 1 đến 12 đều được phân bổ 105 tiết/năm học.

Về vấn đề này, trong bản góp ý của mình, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên chuyên gia giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo đưa vào chương trình với mục đích chính là chuyển hóa kiến thức, kỹ năng, thái độ thành năng lực. 

Chương trình mới chưa thấy đề cập đến giáo dục cho người khuyết tật  ảnh 2

Chọn tác phẩm văn học bắt buộc có tính nhân văn

Vì vậy, đó không thể là môn học riêng biệt mà phải gắn liền với từng môn học, là một phần của giáo dục môn học. 

Do đó, nếu tách hoạt động này riêng biệt trong hệ thống môn học của các bậc học là không hợp lý, mà nên đưa vào môn học với phân bổ thời lượng hợp lý làm cơ sở để thiết kế chương trình từng môn học theo yêu cầu riêng của từng môn.

Còn bà Tô Kim Liên thì nhận định: Thời lượng trong chương trình dành cho môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khá nhiều, nhưng lại được đề cập như một môn học tách rời với những môn học khác.
 
Thực chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính chất phối hợp liên môn và tích hợp vào từng môn học. Hơn nữa, hoạt động này, không chỉ học trong trường học mà cần phải mở rộng ra ngoài bên ngoài phạm vi nhà trường. 

Với tư cách là người đại diện cho một cơ sở giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định: “Trải nghiệm sáng tạo không phải là bộ môn học trong các trường mà là phương thức giáo dục. Nó tồn tại ở tất cả các bộ môn và các hoạt động giáo dục từ mầm non cho đến các cấp học”.  

Do vậy, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần phân bổ thời lượng trải nghiệm sáng tạo cho các môn học dạy trong nhà trường.

Cần làm rõ căn cứ xác định 6 phẩm chất, 10 năng lực học sinh


Nhiều chuyên gia đánh giá, việc chỉ rõ năng lực và phẩm chất người học là phần quan trọng và nét tiến bộ của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới tuy nhiên, Ban soạn thảo cần chỉ ra căn cứ xác định những phẩm chất, năng lực đó. 

Thầy Tùng Lâm nêu: “Dù Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã giải thích nhưng hầu hết dựa vào Nghị quyết nên nhiều giáo viên đang hết sức mơ hồ, khó hiểu”. 

Chương trình mới chưa thấy đề cập đến giáo dục cho người khuyết tật  ảnh 3

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy

Trong khi đó, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam băn khoăn, dự thảo có nêu 6 phẩm chất nhưng đó vẫn chưa phải những phẩm chất đầy đủ của 1 con người từ lúc sinh ra cho đến khi có ích cho xã hội. 

“Các phẩm chất được đưa ra rất chung chung, khó cho cả gia đình cùng góp sức giáo dục con em để ra được những phẩm chất ấy. 

Do đó, tôi đề xuất, nên bỏ phẩm chất “chăm học, chăm làm” vì đây như một khẩu hiệu, mang tính chính trị, chưa  đi vào thực chất và nên đổi thành “yêu học tập, yêu lao động” bởi khi yêu rồi thì tự khắc sẽ sản sinh sáng tạo, ham học hỏi chứ không phải chăm học kiểu chăm học vẹt như hiện nay”, vị Phó giáo sư này đề xuất. 

Bên cạnh xây dựng phẩm chất và năng lực, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một con người khi đã yêu Tổ quốc, yêu gia đình, yêu quê hương, yêu học tập, chăm lao động thì cần phải có sức khỏe. 

Ông Kỳ Anh chỉ rõ, sức khỏe là sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, chứ không phải chỉ là thể dục thể thao như nhiều người hiện nay hiểu.

Đặc biệt ngày nay, sức khỏe tinh thần rất quan trọng, bởi không có sức khỏe tinh thần thì tỉ lệ trẻ em tự tử, tham gia tệ nạn xã hội ngày càng tăng ...

Thùy Linh