Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy

13/05/2017 07:29
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Trong hoạt động định hướng phát triển sáng tạo, cha mẹ và người thầy, đặc biệt khi trẻ đã đến lớp học, thầy giáo đóng vai trò quan trọng nhất.

Tôi vừa đọc được thông tin trên các báo trong nước về những quan ngại chất lượng của giáo viên và chương trình cho Đề án cải cách giáo dục phổ thông [1].  

Theo đó, đại diện Vụ Trung Học – Bộ Giáo dục – Đào tạo đã nêu ý kiến rằng “Bộ đã có những bước đệm chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên như mô hình trường học mới VNEN, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, Thông tư 22, chương trình Trường học Kết nối, vì thế, về cơ bản, đội ngũ giáo viên không bỡ ngỡ với đổi mới lần này” [1]. 

Hơn nữa, theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “không phải tất cả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều do giáo viên đảm nhận” [1].

Ví dụ như khi tổ chức cho học sinh đi thăm bảo tàng, giáo viên chỉ là người lên kế hoạch, nội dung, còn nhân viên bảo tàng mới là người hướng dẫn!

Đọc xong, tôi lo vì chưa rõ khi người ta đưa ra khái niệm “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” trong chương trình giáo dục phổ thông, có ai đã tra cứu và tìm hiểu, thế nào là sáng tạo, thế nào là trải nghiệm sáng tạo, và trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục là thế nào chưa? 

Sáng tạo là trí tuệ có được trong niềm vui - Albert EinStein. (Ảnh: Happier.com)
Sáng tạo là trí tuệ có được trong niềm vui - Albert EinStein. (Ảnh: Happier.com)

Hơn nửa tháng trời sau khi đưa ra dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và bị truy vấn, có ai đó mới đặt ra một mệnh đề, “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” không phải là một môn học [2], đây là hoạt động sinh hoạt ngoại khóa hoặc được lồng ghép vào nhiều hoạt động khác nhau [1], mặc dù đây chưa là ý kiến của Ban Đề án…

Những trả lời và chia sẻ từ đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Đề án về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đặc biệt về vai trò của giáo viên trong việc phát triển, khuyến khích sáng tạo của học sinh, trong quá trình học tập tại trường lớp và thông qua các môn học hay lớp học, hình như đang chứng tỏ, có lẽ chúng ta hiểu chưa đủ, chưa đúng, về sáng tạo và vai trò của người thầy trong quá trình ươm mầm, thúc đẩy và khích lệ sáng tạo cho con trẻ? 

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy ảnh 2

Dạy sáng tạo, chuyện từ lớp chồi cho đến lớp 10

(GDVN) - Tôi chỉ muốn chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ, rất nhỏ, của 18 năm con tôi đi học, và tôi đã học được ở cháu về tư duy sáng tạo trong học tập như thế nào.

Thêm nữa, với tư cách là người thầy khi đọc phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi có cảm nhận việc không coi trọng vai trò của giáo viên Việt Nam với những giá trị mà họ có thể mang lại, bao gồm cả trải nghiệm sáng tạo, cho học sinh của mình.

Xin được có một số phân tích ngắn gọn về sáng tạo và người thầy về cái gọi là “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, cho một Đề án có giá 80 triệu đô la Mỹ, nhưng sẽ là vô giá với 20 triệu học sinh của Việt Nam trong tương lai gần.

1. Thế nào là sáng tạo, và sáng tạo trong giáo dục phổ thông?

Theo Einstein, “Sáng tạo là trí tuệ có được trong niềm vui”, như câu viết ở trên. Quá đơn giản đúng không ạ? Nhưng hãy thử tự mỗi người suy ngẫm và trả lời 2 câu hỏi sau:

(1) Thực trạng giáo dục phổ thông hiện nay của chúng ta có mang lại tri thức THẬT cho học sinh hay không? 

(2) Học sinh của chúng ta có VUI khi đi học hay không?


Nếu câu trả lời của đa số là không, có lẽ có thể hiểu được là quá trình học tập của con trẻ đã không hề có giá trị, vì không có trí tuệ lẫn niềm vui.  

Và thực tế đang chứng minh rõ điều đó, bất chấp những khẩu hiệu tô vẽ về “Trẻ em là tương lai của đất nước”, hay “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 

Thực trạng của giáo dục phổ thông là:

A. Học nhiều mà không sử dụng, học lý thuyết mà không có thực hành, học hàn lâm mà thiếu vắng những liên kết với thực tiễn cuộc sống.

B. Học nhiều về kiến thức, nhưng thiếu vắng các giá trị nhân bản của một con người tử tế, như yêu bố mẹ, gia đình - trung thực – biết giúp đỡ gia đình, người khác – biết sống dũng cảm, vì mình vì người – biết lắng nghe và học hỏi …

C. Những thực trạng xấu của xã hội Việt Nam đã len vào học đường, vào trường học và biến lớp và trường thành một “chợ” mua bán kiến thức, mua bán các sản phẩm có thể giúp giáo viên và trường sống được khi đồng lương quá thấp, và từ từ, mọi thứ đều có thể “mua được”, từ điểm số, giấy khen, các sinh hoạt trong và ngoài lớp…

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy ảnh 3

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó thực hiện với học sinh nông thôn

(GDVN) - Với học sinh thành phố nơi nhà trường, phụ huynh đều có điều kiện còn đỡ. Nơi vùng thôn quê, khó khăn hẻo lánh lại chẳng hề đơn giản chút nào.

Phải xin nói ngay là phản ảnh thực trạng trên, không có nghĩa là chúng ta không còn nhiều thầy cô và học sinh vẫn giữ được tâm thành và lòng ngay khi dạy và học.  

Chúng ta vẫn còn nhiều con người, nhiều gia đình vẫn trung thực với giáo dục và giá trị của nó, mặc dù cũng là đồ quý hiếm trong xã hội. 

Từ thực trạng này, Đề án đưa ra một khái niệm mới cho giáo dục Việt Nam là “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, nhưng không đưa ra thế nào là sáng tạo và trải nghiệm sáng tạo, ở từng cấp học và từng độ tuổi.  

Nếu nói như Eistein, vấn đề trải nghiệm sáng tạo trong dạy và học thật vô cùng đơn giản và dễ chịu! 

Hãy làm tất cả những gì cho con trẻ học trong niềm vui, trong khả năng được tự do là chính nó và phát huy được hết những tiềm năng của nó. 

Xét trên lịch sử của loài người, câu chuyện về trải nghiệm sáng tạo không có gì mới mẻ trên thế giới, và cũng không thể chỉ chờ vào các hoạt động đi thăm bảo tàng! 

Việc đưa ra ví dụ về giáo viên được chuyển vai từ người thầy tìm phương pháp phát huy năng lực của trẻ sang thành người lo tổ chức chuyến đi bảo tàng, còn nhân viên bảo tàng mới là người cung cấp thông tin tạo ra sáng tạo, như cách hình dung của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, e là có hơn 2/3 học sinh phổ thông Việt Nam biết tìm đâu ra bảo tàng để mà đi thăm? 

Khi nghĩ đến những ví dụ và giải thích của đại diện cơ quan soạn thảo Đề án về sáng tạo và cách làm ra “sáng tạo” cho con trẻ, tôi rất e ngại về cách tiếp cận hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Và xin nói thật, nó làm triệt tiêu tính sáng tạo, của cả thầy và học sinh, nếu chúng ta cứ tiếp tục tư duy về sáng tạo như vậy!

Để hiểu thêm về sáng tạo, hãy đọc lại Giáo dục và Kinh nghiệm của John Dewey, khi ông cho rằng nền tảng của giáo dục là phát triển tri thức có hệ thống thông qua trải nghiệm [3], và giáo dục chính là cuộc sống rồi [4]! 

Hãy đọc thêm về Người Thầy, về biết bao nhiêu cuốn sách và học thuyết khác, để tìm ra cách thức phát triển sáng tạo cho con trẻ theo độ tuổi, giới tính, nền tảng gia đình và xã hội, để tìm ra được con đường mà Người Thầy sẽ là một thiên thần để giúp con trẻ phát huy được những tiềm năng sáng tạo trong chính bản thân. 

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy ảnh 4

Chương trình mới cần phải bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng niềm vui cần là điều cơ bản đầu tiên khi trẻ em hay học sinh được tiếp cận với tri thức.  

Không tạo dựng được niềm vui trong môi trường học tập, không tạo được sự đam mê hay yêu thích tri thức, mà người thầy có trách nhiệm lớn lao trong việc truyền lửa này, sẽ không có gì nhiều để nói đến sáng tạo cả.

2. Vai trò của người thầy trong trải nghiệm sáng tạo

Giáo dục không chỉ trong lớp học, điều này đúng. Nhưng trong hoạt động định hướng phát triển sáng tạo, cha mẹ và người thầy, đặc biệt khi trẻ đã đến lớp học, thầy giáo đóng vai trò quan trọng nhất, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  

Chính vì vậy, khi nói đến trẻ sáng tạo, hãy đặt vai trò Người Thầy sáng tạo lên trước hết.  

Không có thầy không sáng tạo, mà tạo hứng khởi cho trò sáng tạo được… Ít nhất là cho số đông học sinh, và ngoài một số ít học sinh là thiên tài bẩm sinh.

Vậy, làm sao tạo ra được Người Thầy sáng tạo? 

Theo quan sát cá nhân tôi, với trải nghiệm là người đi học và người đi dạy, có con đi học, tôi nghĩ có 3 yếu tố cơ bản cấu thành nên Người Thầy sáng tạo.

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy ảnh 5

Thầy Lê Xuân Chiến mong Chương trình mới giải quyết các tồn tại lâu nay

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất: Thầy yêu thương trò

Yếu tố thứ 2: Thầy tận tâm mong mỏi trò học tốt, có tương lai tốt, thậm chí tốt hơn mình.

Yếu tố thứ 3: Thầy nắm chắc tri thức cơ bản để dạy và có đam mê cập nhật tri thức mới, có khả năng mở rộng tri thức cơ bản ra những lĩnh vực nằm ngoài phần mình dạy.  

Tức là Thầy cũng có đam mê học suốt đời và mở rộng tri thức của bản thân, thì mới mong dạy trò đi theo đam mê học tập suốt đời được.

Việc đại diện của Đề án chia sẻ về việc hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể thực hiện thế này hay thế khác, tất cả đều khó “định hình” được, vì đã là sáng tạo, thì làm sao bảo người này giống người kia, Thầy này dạy giống Thầy khác, nhất là mỗi Thầy lại ở trong một hoàn cảnh khác nhau, đối tượng học sinh khác nhau, cơ sở vật chất và môi trường học hoàn toàn khác nhau?  

Hãy để cho Người Thầy được tự do sáng tạo cách thức họ dạy, họ chia sẻ với học sinh của họ.

Điều quan trọng mà ban Đề án và Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm là hãy hỏi họ - những Người Thầy của chúng ta, xem họ cần hỗ trợ điều gì, để họ có thể tự do sáng tạo dạy học, và rồi, từ đó, mới hy vọng có trải nghiệm sáng tạo cho học sinh được.

Đây chính là nền tảng cho dân chủ trong lớp học, mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định là tiêu chuẩn để chúng ta đổi mới giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-gdpt-tong-the-da-co-buoc-dem-chuan-bi-doi-ngu-giao-vien-20170506170914324.htm

[2] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gsts-nguyen-van-minh-trai-nghiem-sang-tao-khong-phai-la-mot-mon-hoc-20170428163207484.htm

[3] http://nhanam.vn/sach/nguoi-thay

[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-duc-la-cuoc-song--Triet-ly-cua-John-Dewey-post175264.gd

Nguyễn Thị Lan Hương