Chọn tác phẩm văn học bắt buộc có tính nhân văn

16/05/2017 06:11
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Nếu chân rẽ bước vào con đường mới nhưng lý trí vẫn tơ vương đường lối cũ thì việc dạy văn học văn sẽ về đâu?

LTS: Đồng tình với những băn khoăn mà thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ trong bài viết "Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới", thầy giáo Nguyễn Văn Lự mong muốn những thay đổi, định hướng về môn Ngữ văn cần xem xét thận trọng hơn, nhân văn hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Môn Ngữ văn đã mới 

Vì sao không chọn những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại vừa hợp với đối tượng tiếp nhận (học trò) lại vừa đạt các tiêu chí nghe đọc, nói, viết, vừa giàu chất nhân văn mà lại chọn 5/6 tác phẩm thời phong kiến (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập)?

Đổi mới chương trình Ngữ văn toàn diện theo Dự thảo Chương trình tổng thể là điều tất yếu  cho sự phát triển người Việt Nam thế kỷ XXI.

Thoát khỏi những mù mờ về dạy văn, học văn theo hướng nghiên cứu lịch sử phát triển văn học với cách đọc hiểu theo loại thể văn bản rối bung rối bùng, chồng chéo đồng tâm trung học cơ sở và trung học phổ thông để áp đặt cách hiểu, cách viết, cách cảm thụ khuôn thầy thước thầy trong tiếp nhận văn chương và vận dụng tri thức ngôn ngữ vào đời sống. 

Từ năm thay sách Ngữ văn 2006, môn Ngữ văn hiện hành cũng góp phần quan trọng vào giáo dục con người Việt Nam nhưng không ai phủ nhận những hạn chế nguy hiểm của giáo dục văn chương chạy theo thành tích.

Không chỉ nhiều trí thức trẻ mà ngay cả giáo viên Ngữ văn cũng lúng túng hoặc không thể nói và viết được một văn bản hoàn chỉnh là điều tệ hại nhất của dạy văn học văn bây giờ! 

Thay đổi sâu sắc môn Ngữ văn (mục tiêu, quy trình xây dựng, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học và kiểm tra đánh giá) thành bại đều tùy thuộc vào đội ngũ nhà giáo, từ quản lý đến thầy cô trực tiếp thực hiện.

Học và dạy Ngữ văn, suy cho cùng, không chỉ dừng lại ở cách đọc và cảm nhận tác phẩm như thế nào mà là từ trang sách văn chương, người ta hiểu và vận dụng được gì để làm cho cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Tự chủ về chương trình, tự chọn đọc tác phẩm theo định hướng mở kiểm tra đánh giá sẽ khơi dậy niềm vui học văn, dạy văn! Học Ngữ văn bây giờ cần học và vận dụng cả tri thức về ngôn ngữ và văn chương.

Môn học này theo Dự thảo Chương trình tổng thể vẫn có tính kế thừa và việc chọn một văn bản văn học để đưa vào chương trình mà đảm bảo tính nhân văn, chất nghệ thuật;

Đảm bảo được tính vững bền và sự cập nhật, tính đổi mới của thời đại Việt Nam và thế giới;

Vừa cần đảm bảo tính ứng dụng thực tế vừa đảm bảo thuộc tính riêng của tác phẩm văn chương; phù hợp giảm tải chương trình và có tính bền vững, dùng được nhiều năm!

Rằng hay thì gọi là hay

Chọn tác phẩm văn học bắt buộc có tính nhân văn ảnh 1

Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Vì sao chọn 6 văn bản bắt buộc trong chương trình Ngữ văn mới?

Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, “sáu tác phẩm (nêu ở trên) là thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, văn học và văn hóa” và “luôn có mặt trong chương trình Ngữ văn” [1].

Đúng vậy, người Việt đi học từ sau 1945 đến 2017 đều được học và đến đâu cũng thấy nói đến tên 6 tác phẩm nổi tiếng gắn liền với truyền thống đấu tranh và tiêu biểu về văn học, văn hóa của nước ta tính đến năm 1945, nhà nước Việt Nam mới ra đời. 

Vì sao một nền văn học, văn hóa hiện đại và phát triển của 30 năm Dân chủ cộng hòa (1945-1975) và của hơn 30 năm hòa bình thống nhất (1975-2017) lại không chọn được tác phẩm văn học nào xứng đáng để học sinh phổ thông đọc bắt buộc? 

Nhưng hiểu 6 tác phẩm này thế nào cho đúng, có lẽ chỉ có các chuyên gia nghiên cứu văn học trung đại và văn thơ Hồ Chí Minh. Cho nên, bảo tác phẩm hay thì thầy cô Ngữ văn gọi là hay, học trò nói theo, viết theo là hay!

Xét về ngôn ngữ văn bản, văn bản Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, viết bằng chữ Hán, đều đạt đến mẫu mực về thể loại, ngôn ngữ và cách biểu đạt của kiểu văn bản của Trung Quốc.

Mỗi văn bản được dịch sang tiếng Việt theo nhiều cách và mỗi bản dịch lại hiểu không giống nhau [3].

Làm sao thầy cô Ngữ văn giỏi quốc ngữ lại dám bình rằng từ này hay, câu này đối chỉnh, ý này sâu xa?

Vốn Hán Nôm được trang bị trong trường sư phạm quá sơ sài và lơ mơ của đa số thầy cô dạy văn (trừ trường Sư phạm Hà Nội I và Thành phố Hồ Chí Minh) không thể giúp gì việc đọc hiểu 3 văn bản trên.

Thầy cô chưa hiểu hết hoặc hiểu chưa chắc đã đúng văn bản gốc chữ Hán nên việc giảng bình khen chê văn bản dịch chứ có phải là của tác giả đích thực, văn bản đích thực đâu!

Từ bao giờ, thầy cô Ngữ văn không muốn giảng phần văn học chữ Hán? Và hầu hết các thầy cô chỉ dạy dựa theo Sách giáo viên hay tài liệu của các chuyên gia, đọc theo, nói theo từ khi làm trò tới khi làm thầy dạy Ngữ văn. 

Tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, gồm 3254 câu thơ lục bát, viết bằng chữ Nôm dựa theo "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc.

"Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu viết bằng chữ Nôm, gồm 30 liên, tức 60 vế đối biền ngẫu, làm theo thể phú luật Đường luật, có vần, có đối, (theo Bách khoa toàn thư, Wikipedia).

Cho dù các bản dịch ghi bằng chữ quốc ngữ nhưng với dày đặc chú thích về chữ cổ, về điển tích, điển cố; cho dù các nhà giáo hiểu được sâu sắc, nhớ tốt, thuộc làu cả tác phẩm (điều không tưởng);

Cho dù chương trình có dành cho mỗi văn bản này hàng chục tiết thì cũng không dễ gì làm cho học trò nhận ra được vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ tinh diệu, lấp lánh của thể thơ dân tộc lục bát của truyện Kiều và vẻ đẹp hào sảng bi tráng của lời văn tế của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu!

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, viết bằng quốc ngữ nhưng hàm súc và chặt chẽ, có ý nghĩa văn kiện lịch sử và hành chính nhiều hơn ý nghĩa văn chương.

Khi đưa lại vào chương trình từ năm 2006, qua giảng dạy áng văn chính luận sắc bén và mẫu mực, cả thầy và trò còn lúng túng không biết phân tích bình luận giá trị văn chương, nghệ thuật hùng biện hay đặc điểm của loại văn bản chính luận. 

Chọn tác phẩm văn học bắt buộc có tính nhân văn ảnh 2

Bộ Giáo dục công bố 14 đề thi thử giống đề thi thật trong kỳ thi quốc gia 2017

Trong 6 tác phẩm sẽ chọn bắt buộc thì 3 tác phẩm được ví như bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt (Nam quốc sơn hà, Đại cáo bình Ngô, và Tuyên ngôn độc lập).

Có người cho rằng yếu tố văn chương ít hơn yếu tố chính trị thể hiện tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm.

Tính chính luận rõ ràng, khúc chiết từ lập luận đến cảm xúc trữ tình thể hiện quan điểm lập trường của không chỉ người viết mà của cả dân tộc.

Giả thử, muốn giáo dục học sinh về lòng tự hào chống giặc ngoại xâm, giáo dục truyền thống yêu nước thì dành cho môn Lịch sử tích hợp sẽ tốt hơn việc phân tích ngữ nghĩa  của văn bản văn học nghệ thuật.  

Môn Ngữ văn phổ thông hướng đến 4 mục tiêu nghe, đọc, nói, viết thành thục tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt lâu nay đã bỏ quên phần ngôn ngữ, chỉ chăm chắm phân tích văn bản văn học.

Cho đến 2017, nhiều thầy cô cũng chỉ dành tâm huyết phân tích chất Văn của một số tác phẩm văn học trong chương trình, dạy phần tiếng Việt qua loa mặc dù hai năm nay đề thi trung học phổ thông quốc gia có phần đọc hiểu 3 điểm (nhiều văn bản và nhà giáo vẫn gọi môn Văn chứ không dùng Ngữ văn, gồm phần Văn và ngôn ngữ). 

Có thể những người dự kiến chọn 6 tác phẩm bắt buộc vẫn chưa thoát khỏi lệ thuộc về tư tưởng chính thống, lệ thuộc quan điểm lập trường chính trị, nên chưa coi trọng chất nhân văn với các giá trị sống, giá trị ngôn ngữ và giá trị thẩm mĩ của văn bản văn học.

Văn học là nhân học (Mac-xim Gor-ki) và con người là đối tượng chính của văn học.

Thế hệ tương lai người Việt trong xu thế hội nhập và hòa nhập, với nhận thức mới và hiện đại sẽ quan tâm nhiều đến truyền thống đánh giặc hay quan tâm đến những giá trị nhân bản của con người? 

Các nước phát triển hàng năm chọn tác phẩm nào viết hay nhất, đúng nhất, thuyết phục nhất về con người để trao các giải thưởng văn chương cao quý.

Và tác phẩm văn học tồn tại dài lâu, qua nhiều hình thái ý thức vẫn là những tác phẩm ca ngợi con người trong cuộc kiếm tìm và chinh phục hạnh phúc.
Chẳng lẽ, văn học Việt Nam không có tác phẩm nào như thế?

Xét về tư tưởng tiếp nhận văn học, 6 văn bản này đều quá xa với thế hệ trẻ về thời đại, về thế giới quan, thái độ thẩm mĩ và quá xa với nhận thức của lứa tuổi và trình độ, tâm sinh lí và nhu cầu học hỏi của học trò thời @. 

Văn chương vốn không thể ép buộc về quan điểm đọc và thẩm định, bình giá, nhất là Chương trình mới đề cao tính chủ động và tự do, sáng tạo khi tiếp nhận văn bản văn học của người học.

Những năm chống Mĩ, dạy Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hay Tuyên ngôn độc lập mấy ai đi sâu vào giá trị ngôn ngữ và nhân văn mà chỉ nhằm phân tích tính giai cấp, tính chiến đấu, tính phản đế phản phong.

Học trò những năm 20 của thế kỷ XXI, còn đồng tình với ông cha quan điểm xả thân ái quốc? Một học sinh lớp 11, Nguyễn Phi Thanh rất yêu văn, học giỏi văn của thủ đô Hà Nội năm 2005 [2] đã từng chê bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; học sinh chán ghét nghe hát chèo, tuồng, dị ứng với sách báo, phim ảnh made in VietNam có lẽ cũng do lỗi của dạy văn học văn hiện nay. 

Giới phê bình và các chuyên gia mấy chục năm qua không tìm được tiếng nói chung khi thẩm định và chọn được tác phẩm văn học có tính nhân văn và tiêu biểu về nghệ thuật văn chương từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XX để chỉ chọn 6 văn bản đến năm 1945 hay còn vì lý do nào nữa?

Văn học Việt Nam sau 1945 đến hết thế kỷ XX, nhất là sau 1975, vẫn không đồng nhất được quan điểm đánh giá không phải không có những tác phẩm hay và tiêu biểu để đưa vào nhà trường phổ thông.

Sự bùng nhùng phe phái tư tưởng chỉ đạo đã làm rối trí giới nghiên cứu, phê bình và đội ngũ người đọc và dạy văn.

Nên chăng, thay sách 2018, cần đưa ra tiêu chí chung nhất, nhân văn nhất để chọn tác phẩm học trong nhà trường sống lâu nhất, tuyệt đối không lặp lại đưa vào, khen hay chán, rồi ông khác đưa ra, chê đủ điều như chương trình đã làm!

Những tập sách sẽ cuốn theo đổi mới. Ảnh Văn Lự
Những tập sách sẽ cuốn theo đổi mới. Ảnh Văn Lự

Vì sao không chọn các tác phẩm hiện đại mà chọn tác phẩm cổ điển bắt buộc trong nhà trường?

Vì sao không chọn tác phẩm bắt buộc dễ đọc hiểu, có tính nghệ thuật và nhân văn viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ?

Nếu chân rẽ bước vào con đường mới nhưng lý trí vẫn tơ vương đường lối cũ thì việc dạy văn học văn sẽ về đâu?

Bài viết là ý kiến của người đã trực tiếp dạy văn từ năm 1984 về dự kiến chọn 6 tác phẩm bắt buộc trong nhà trường phổ thông.

Tôi nhất trí với nhà giáo Nguyễn Cao về những băn khoăn và cả mong muốn những thay đổi, định hướng về môn Ngữ văn cần xem xét thận trọng hơn, nhân văn hơn [4]. 

Rất mong các thầy cô và độc giả trao đổi về vấn đề này.
                                                                                                                 
Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tong-chu-bien-chuong-trinh-mon-ngu-van-moi-doi-moi-nhung-khong-xa-la-370869.html

[2] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20050513/bai-thi-van-gay-chan-dong/78228.html

[3] http://infonet.vn/phu-huynh-soc-voi-ban-dich-moi-cua-bai-tho-song-nui-nuoc-nam-trong-sgk-lop-7-post181529.info

[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mot-so-ban-khoan-ve-noi-dung-chuong-trinh-Ngu-van-moi-post176453.gd

Nguyễn Văn Lự