Thời gian vừa qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết về vụ việc bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam) bị bắt tạm giam vì những chứng cứ ngụy tạo, chứng cứ giả dối của Cơ quan điều tra và VKS.
Người góp phần tích cực trong vụ việc bà Tuyết bị bắt tạm giam chính là ông Dương Ngọc Hải – hiện giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (khi ký lệnh bắt tạm giam và cáo trạng truy tố bà Tuyết, ông Dương Ngọc Hải giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).
Phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Hủy án, phải khởi tố chủ mưu Yee Lip Chee |
Trong các bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều đưa ra những lời lẽ, lập luận (thiếu căn cứ, giả dối) để buộc tội bằng được bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết lừa đảo, chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng và Yee Lip Chee (Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam) là người không liên quan; là bị hại trong vụ án.
Tuy nhiên, trên thực tế thì Yee Lip Chee lại là kẻ chủ mưu, cũng là kẻ đứng đơn tố cáo sai sự thật nhằm đổ tội cho bà Tuyết.
Bằng chứng rõ nhất là tại phiên tòa xét xử vào tháng 3/2016, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đủ căn cứ khởi tố Yee Lip Chee.
Tới phiên tòa ngày 19/1/2017, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao cũng nhận định "chưa có căn cứ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Và như vậy, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tiếp tục bị tạm giam và không biết sẽ phải chờ đợi đến bao giờ công lý mới được trả lại cho mình.
Cần phải làm rõ trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải khi ký lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết. ảnh: quochoi.vn |
Sở dĩ bà Tuyết bị tạm giam tới 42 tháng (hơn 1.230 ngày) là bởi sự nhanh nhảu của ông Dương Ngọc Hải khi ký lệnh bắt tạm giam và truy tố khi không có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật. Minh chứng cho chuyện này là Tòa án đã rất nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì không đủ căn cứ buộc tội bà Tuyết.
Trong khi đó sau khi Tòa án khẳng định có đủ căn cứ khởi tố thì Yee Lip Chee đã biến mất khỏi Việt Nam, đến nay cơ quan điều tra không thể tìm được đối tượng này đang ở đâu.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về sự việc này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị: “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phải lập tức yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ án này, tạm giam phụ nữ tới 42 tháng mà không kết tội là không thể chấp nhận được”.
Giật mình thon thót với phát biểu của "ông nghị" Dương Ngọc Hải |
Bà An cũng nói rằng, nếu như Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao không có ý kiến gì thì các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Tư pháp, hay Ủy ban Pháp luật cần vào cuộc để giám sát ngay vụ việc này.
Cá nhân các Đại biểu Quốc hội cũng có quyền giám sát và yêu cầu nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc.
“Một người bị như thế không những bản thân chị ấy chịu ảnh hưởng mà cả gia đình, dòng họ cũng bị ảnh hưởng. Họ phải chịu đựng rất nhiều chuyện.
Những người làm công tác điều tra, kiểm sát, tòa án phải đặt mình vào vị trí của người đang bị tạm giam thì mới hiểu được những khổ sở, mất mát rất lớn ấy.
Tôi mong rằng đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phải ngay lập tức chỉ đạo xử lý triệt để những khuất tất trong vụ án này.
Tôi cũng mong rằng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao khi đã nắm được thông tin thì sẽ quan tâm tới vụ án này để có những chỉ đạo kịp thời xử lý đúng pháp luật, không làm oan người vô tội”, bà An nói.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều bài viết chỉ ra trách nhiệm cá nhân của ông Dương Ngọc Hải khi phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, với nhiều chứng cứ suy diễn.
Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bất kỳ chỉ đạo nào từ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hay các cơ quan chức năng khác, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải.
Trong khi đó, tại buổi thảo luận sửa đổi một số điều Bộ Luật hình sự tại Quốc hội vào ngày 24/5, ông Dương Ngọc Hải nói như sau: “Trước tiên, tôi xin phát biểu về Điều 377.
Tôi đề nghị giữ nguyên Điểm b và Điểm d Khoản 1, Điều 377, vì nếu như bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỉ luật về một trong các quy định tại điều này mà còn vi phạm thì tôi cho rằng phạm vi hình sự hóa quá rộng và tràn lan, không phản ánh được ý thức chủ quan của những người tiến hành tố tụng.
Nếu quy định như vậy thì những người ra lệnh bắt giữ, giam không có căn cứ hoặc không ra lệnh quyết định tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn thì những trường hợp này sẽ bị khởi tố.
Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng Bộ luật tố tụng Hình sự quy định đối với những trường hợp này, những trường hợp ra lệnh tạm giữ tạm giam mà không có căn cứ thì Viện kiểm sát có quyền hủy các quyết định này.
Nếu như Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định thì Viện kiểm sát cấp trên có quyền hủy. Quy định như vậy thì vô tình, đối với các trường hợp mà Viện kiểm sát hủy các quyết định giam, giữ không có căn cứ hoặc vì một lý do nào đó mà việc ra lệnh tạm giữ, tạm giam bị chậm trễ dẫn đến quá hạn thì tất cả các trường hợp này bị xử lý hình sự.
Chúng tôi cho rằng quá nặng nề, quá khắt khe và ảnh hưởng đến tâm lý của những người tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong lúc chúng ta chuẩn bị thực hiện Bộ luật hình sự mới cũng như là Bộ luật tố tụng hình sự chuẩn bị sẽ có hiệu lực.
Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm”.
Phát biểu này của ông Dương Ngọc Hải ngay lập tức gây ra những phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội. Nhiều Đại biểu Quốc hội khác cũng có quan điểm hoàn toàn ngược lại, không đồng tình với phát biểu của ông Hải.
Từ đó đặt ra câu hỏi: Có phải ông Dương Ngọc Hải đang lợi dụng vai trò làm Đại biểu Quốc hội để phát biểu đề nghị những điều có lợi, nhằm thoát trách nhiệm cho chính mình?
Đề cập tới nội dung này, Phó Giáo sư Bùi Thị An thẳng thắn phản đối ý kiến của ông Dương Ngọc Hải.
“Anh là cán bộ kiểm sát mà phát biểu như vậy thì không ai chấp nhận được. Anh cứ làm đúng chức trách nhiệm vụ, đúng lương tâm con người trong mọi việc, thận trọng trong mọi việc trước danh dự, sức khỏe và tính mạng của người dân thì không lo sợ gì cả.
Tôi đồng tình với tư tưởng mới mà ban soạn thảo đã lý giải, đó là phải kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, chống lạm quyền, phòng chống gây oan sai. Tôi nghĩ rằng nếu không xử lý trách nhiệm ở mức cao như thế thì sẽ còn gây ra hậu họa khôn lường.
Tôi cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội cần phải được coi trọng trong xã hội văn minh, nhất là khi chúng ta luôn mong muốn xây dựng nhà nước pháp quyền và luôn nói rằng mọi việc là vì dân”.