Giam giữ quá thời hạn là xâm phạm quyền con người

26/05/2017 13:43
Bạch Đằng
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn nêu quan điểm này và nhấn mạnh “điều này không thể chấp nhận được”.

Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Một ý kiến gây chú ý của dư luận đó là việc Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải góp ý về  Điều 377.

Vị Đại biểu Quốc hội này có ý kiến: "Tôi đề nghị giữ nguyên Điểm b và Điểm d Khoản 1, Điều 377, vì nếu như bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỉ luật về một trong các quy định tại điều này mà còn vi phạm thì tôi cho rằng phạm vi hình sự hóa quá rộng và tràn lan, không phản ánh được ý thức chủ quan của những người tiến hành tố tụng.

Nếu quy định như vậy thì những người ra lệnh bắt giữ, giam không có căn cứ hoặc không ra lệnh quyết định tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn thì những trường hợp này sẽ bị khởi tố.

Giam giữ quá thời hạn là xâm phạm quyền con người ảnh 1Giật mình thon thót với phát biểu của "ông nghị" Dương Ngọc Hải

Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với những trường hợp này, những trường hợp ra lệnh tạm giữ tạm giam mà không có căn cứ thì Viện kiểm sát có quyền hủy các quyết định này.

Nếu như Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định thì Viện kiểm sát cấp trên có quyền hủy.

Quy định như vậy thì vô tình, đối với các trường hợp mà Viện kiểm sát hủy các quyết định giam, giữ không có căn cứ hoặc vì một lý do nào đó mà việc ra lệnh tạm giữ, tạm giam bị chậm trễ dẫn đến quá hạn thì tất cả các trường hợp này bị xử lý hình sự.

Chúng tôi cho rằng quá nặng nề, quá khắt khe và ảnh hưởng đến tâm lý của những người tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong lúc chúng ta chuẩn bị thực hiện Bộ luật hình sự mới cũng như là Bộ luật tố tụng hình sự chuẩn bị sẽ có hiệu lực.

Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm”.

Sau khi phát biểu của ông Dương Ngọc Hải được truyền tải trên báo chí, không ít người bất ngờ.

Bởi quyền bất khả xâm phạm của người dân là quyền hết sức hệ trọng cần được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối.

Nếu quan điểm của ông Hải trở thành nội dung của Điều 377 thì đó là một nguy cơ đối với mọi người dân. Bất cứ người nào đều có thể bị bắt giam giữ quá thời hạn, trái pháp luật mà người ra lệnh lại “trong sạch”.

Thực tế, không ít trường hợp bị bắt giam, giữ kéo dài nhiều năm gây bức xúc dư luận, nhiều người bị tạm giam đến gần 5 năm trời – một thời gian không tưởng trong xã hội văn minh ngày nay.

Để hạn chế tình trạng đó, nhiều người hy vọng trong Bộ luật Hình sự  2015 sửa đổi sẽ có một điều khoản để phòng ngừa, răn đe tình trạng bắt, giam giữ người không đúng quy định, việc lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Bàn về Điều 377, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Quan điểm của tôi, quyền bất khả xâm phạm của cá nhân là một trong những quyền công dân, quyền con người hết sức hệ trọng đối với từng người.

Ở đây chúng ta hiểu rằng, ngay cả khi bắt người thì đó đã là một cái hạn chế mặt pháp lý tức là đã tước đi những quyền cơ bản của người bị bắt.

Do vậy, quy định, điều kiện quy định xử lý ở Điều 377 cần tiếp tục nghiên cứu cân nhắc.

Trong đó chúng ta phải hết sức tôn trọng những quyền cơ bản của con người và công dân trong đó có quyền bất khả xâm phạm.

Ý kiến của tôi nếu bắt giam người quá thời hạn là bị xử lý luôn!”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh nguồn quochoi,vn).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh nguồn quochoi,vn).

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Chúng ta hình dung, khi anh bắt giữ người có nghĩa là anh đã đụng đến quyền con người.

Việc bắt giữ, giam giữ người quá thời hạn là không thể chấp nhận.

Tôi cho rằng,  riêng bắt giữ người đã là vấn đề rồi. Nay bắt giữ người quá thời hạn như vậy là nghiêm trọng rồi vì đã xâm phạm quyền con người rồi.

Như vậy, việc đòi hỏi thêm xảy ra hậu quả nghiêm trọng nữa có nghĩa là anh đã đòi gấp đôi sự nghiêm trọng.

Giam giữ quá thời hạn là xâm phạm quyền con người ảnh 4Phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự

Tôi cho rằng, đòi hỏi như vậy là không thể chấp nhận được.

Bây giờ, cứ có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người dân đã bị cơ quan chức năng xử lý rồi.

Trong khi người tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng nhưng phải đợi đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng nữa có nghĩa là việc xử lý hơi muộn, không công bằng với công dân bình thường.

Tại sao những người hiểu biết pháp luật hơn anh lại đi làm sai? Trên thực tế sẽ có những hành vi cố tình bắt giữ người trái pháp luật vì mục đích nào đó. Vậy căn cứ vào đâu để xử lý những người này?

Bản thân cơ quan tố tụng là người đi bảo vệ quyền con người, chống tội phạm nhưng anh lại là người vi phạm thì tại sao anh lại muốn gấp đôi sự nghiêm trọng của mình mới bị xử lý.

Cái đó là không công bằng, trong khi Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Do đó, yêu cầu về việc bắt giữ, giam giữ người trái pháp luật đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý tôi cho là không đúng với quyền con người và công bằng xã hội.

Cần thiết phải nghiên cứu kỹ điều luật này để làm sao đảm bảo được sự hợp lý, đặc biệt phải đề cao quyền bất khả xâm phạm của công dân”.

Phải làm rõ trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải

Sau những phát biểu của ông Dương Ngọc Hải, hàng nghìn độc giả đã gửi ý kiến về Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập trực tiếp đến trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải khi ở vị trí Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam), dù chưa đủ căn cứ buộc tội.

Phải chăng ông Hải phát biểu như vậy cũng là để né trách nhiệm cho chính mình, khi mà bà Tuyết đã bị tạm giam hơn 41 tháng (khoảng 1.230 ngày) nhưng tới nay vẫn phải điều tra bổ sung?

Trên thực tế ngay từ giai đoạn đầu của vụ án này, Tòa án đã rất nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì không đủ căn cứ buộc tội bà Tuyết.

Vậy nhưng cho tới nay bà Tuyết đã bị tạm giam hơn 41 tháng (khoảng 1.230 ngày) – một con số có thể nói vào loại kỷ lục ở Việt Nam.

Vậy trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải ra sao khi ký lệnh bắt tạm giam bà Tuyết? Đây là vấn đề rất cần được các lãnh đạo, những cơ quan cấp trên quản lý ông Dương Ngọc Hải phải làm rõ.

Đấy là còn chưa kể, ngay ở giai đoạn đầu của vụ án, luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nhiều lần đề nghị khởi tố Yee Lip Chee (Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam, kẻ chủ mưu và cũng chính là kẻ làm đơn tố cáo bà Tuyết sai sự thật), nhưng ông Dương Ngọc Hải không xem xét nghiêm túc vấn đề này.

Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 3/2016, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam.

Đến phiên tòa ngày 19/1/2017, Tòa án cấp cao Thàn phố Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định phải khởi tố Yee Lip Chee  và nhận định "chưa có căn cứ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tòa án cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Những diễn biến này một lần nữa cho thấy sự tắc trách của ông Dương Ngọc Hải. Rõ ràng nhất là ông này ký lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết khi chưa có đủ căn cứ buộc tội .

Cho tới nay bà Tuyết đã bị tạm giam hơn 41 tháng, còn kẻ chủ mưu (tố cáo sai sự thật) là Yee Lip Chee thì đã biến mất. 

Bạch Đằng