Sau khi 63 tỉnh, thành công bố điểm thi quốc gia của các thí sinh, theo số liệu thống kê cho thấy, kỳ thi quốc gia năm 2017, cả nước có hơn 4.235 điểm 10 ở tất cả các bài thi, gấp 60 lần số điểm 10 của năm 2016 (có 69 bài thi đạt điểm tuyệt đối).
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm từng khối thi (A, B, C, D, A1), nhìn vào phổ điểm đó, một số chuyên gia nhận định, đề thi năm nay chưa chuẩn.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, chuyện thí sinh được nhiều điểm 10 không phải là hiện tượng bất thường bởi lẽ đề thi năm ngoái thi theo một kiểu còn đề thi năm nay thi theo một kiểu.
Nhìn vào phổ điểm năm 2017, Bộ cần rút kinh nghiệm gì? (Ảnh: Thùy Linh) |
Đề thi năm nay thi kiểu trắc nghiệm thì điểm 10 cao sẽ nhiều. Hơn nữa điểm 10 phần lớn rơi vào một số khu vực thì các cháu được luyện thi nhiều thì điểm cao, điều này không đáng lo ngại.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng, khi thi theo hình thức tự luận, thí sinh sẽ rất khó đạt điểm tuyệt đối và thậm chí cán bộ chấm thi cũng rất “ngại” chấm điểm cao nhất.
Nhưng khi thi trắc nghiệm thì thí sinh chỉ cần làm đủ số câu và tất cả các câu đều đúng là đạt được điểm 10 nên chuyện nhiều thí sinh đạt điểm 10 là điều dễ hiểu.
Đề thi chưa đạt chuẩn
Nhận xét về phổ điểm năm nay, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Qua phổ điểm tôi thấy không ưng lắm bởi các phổ điểm đó cho thấy, đề thi không chuẩn, căn cứ vào đường phổ cho thấy, hầu hết đề thi thực sự chưa mang tính chất chuẩn mực.
Nó thể hiện ở phân bố điểm thi, năm nay, phổ điểm nhiều môn phân bố khác với kiểu hình chuông úp xuống vì vẫn còn tình trạng lệch phải, lệch trái hoặc méo mó, đỉnh nó không hài hòa, ví dụ như môn Toán, môn Hóa đỉnh rất rộng”.
Không nên quá mừng, hay quá lo lắng với hiện tượng gọi là “mưa" điểm 10 |
Trong khi đó, theo như Giáo sư Thiệp giải thích, phổ điểm lý tưởng mà chúng ta mong muốn là hình chuông úp xuống, cực đại đạt ở giá trị trung bình là điểm 5, giá trị trung bình và trung vị phải trùng nhau để hình chuông không lệch.
“Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm năm nay, giá trị trung bình của phổ điểm môn Giáo dục công dân nằm ở điểm 8 còn môn Tiếng Anh lại lệch về điểm 4.
Điều này chứng tỏ, đề thi môn Giáo dục công dân quá dễ còn đề môn tiếng Anh thì hơi khó so với thực lực của thí sinh”, ông Thiệp nhận định.
Phân tích nguyên nhân khiến phổ điểm chưa chuẩn, cả 2 vị chuyên gia này đều đưa ra lý do rằng:
Thứ nhất do đề thi được làm vội vàng, chưa hoàn thiện, chưa được thử nghiệm một cách rộng rãi nên đề thi vẫn mang tính chất chủ quan của người ra đề hơn là đảm bảo tính chất khách quan;
Thứ hai, chuẩn kiến thức đặt ra với môn thi trong chương trình ôn thi cao quá so với trình độ thí sinh, không có lí gì 70% thí sinh có điểm thi môn Ngoại ngữ dưới mức trung bình thì như vậy.
Nếu lấy chuẩn của môn học làm thước đo thì rõ ràng đề thi chuẩn cao hơn so với thực lực của thí sinh học.
Phổ điểm khối thi A, B, C, D, A1 năm 2017 khác gì so với năm 2016? |
Tuy nhiên theo quan điểm của mình, ông Khuyến thẳng thắn cho rằng:
“Phổ điểm năm nay có thể tạm chấp nhận vì đây là lần đầu tiên Việt Nam thi dạng đề kiểu này nhưng tôi lo thí sinh ảo sẽ nhiều.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các trường đại học top trên và top dưới phải tuyển sinh nhiều lần.
Vì vậy, Bộ nên lưu ý hoàn thiện hơn khâu ra đề thì khi đó mới kỳ vọng được kỳ thi mang tính chất tiêu chuẩn”.
Và muốn có được bộ đề đạt chuẩn thì theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, Bộ nên thử nghiệm với số lượng thí sinh nhiều hơn nữa (năm 2017 thử nghiệm ở hơn 20.000 thí sinh) và mẫu thử nghiệm nên chọn mẫu đại diện không phải toàn bộ là thí sinh giỏi hoặc kém hết.