Môn Văn ít điểm 10 là phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên

09/07/2017 07:20
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong viết văn, đạt ngưỡng tuyệt đối có lẽ chẳng bao giờ có được. Vì, ngoài một số yêu cầu chung đạt được, đơn giản văn còn là sự cảm thụ riêng của từng người.

LTS: Trong kì thi quốc gia năm nay, số lượng thí sinh đạt điểm 10 tăng mạnh ở nhiều môn thi nhưng hiếm có thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Văn.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ quan điểm của mình về việc đánh giá bài thi Văn. Theo đó, cô cho rằng môn Văn ít điểm 10 là phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm nào cũng vậy, học sinh có thể đạt điểm 10 rất nhiều ở các môn thi nhưng riêng môn Ngữ văn điểm 10 thật hiếm hoi.

Lý giải điều này nhiều giáo viên dạy Văn ở các trường trung học đã lên tiếng. Bài viết này, người viết chỉ đưa ra cảm nhận riêng của mình từ thực tế học và thi Văn của nhiều năm về trước.

Nhớ lại cách đây 30 năm, ngày ấy chúng tôi là học sinh lớp chọn Văn của Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 Thanh Hóa.

Giáo viên dạy Ngữ văn lớp chúng tôi năm ấy là cô giáo Đỗ Minh Nguyệt mà bất kì học sinh nào cũng thích được học với cô.

Cô là giáo viên dạy Văn mà khi nghe cô giảng bài dù học sinh ấy trước đây rất ghét môn Văn cũng cảm thấy đam mê.

Phổ điểm môn Ngữ văn trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Phổ điểm môn Ngữ văn trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thường thì điểm Văn của chúng tôi lúc ấy đạt được phần nhiều là điểm 7, 8. Trong lớp lúc bấy giờ, có hai bạn học khá nổi trội là H.T.C và bạn V.P nhưng chưa bao giờ cô cho ai điểm 10.

Mỗi khi có bài làm hay, cô đều cho cả lớp nghe lại để học tập, rút kinh nghiệm cho bài làm của mình lần sau.

Tuy thế, cô vẫn chỉ ra cho cả lớp biết câu văn nào hơi dài, ý nào chưa gọn hay còn mắc những lỗi chính tả nào… Có lẽ vì sự khắt khe ấy mà tất cả học sinh chúng tôi đều phải cố gắng luyện rèn.

Kì thi tốt nghiệp phổ thông năm ấy, cô thông báo toàn trường có một điểm 9 và một điểm 8 môn Văn. Tôi may mắn đạt được 8 điểm mà cứ ngỡ như trời đất đang sụp dưới chân.

Cậu học trò H.T.C đạt 9 điểm Văn nhưng bài của cậu phải đem ra chấm chung trong toàn ban giám khảo. Bởi lẽ, theo nhận xét của một số thầy cô giám khảo rằng bài viết quá hay, súc tích… nhưng để đạt điểm 10 phải ở mức tuyệt đối.

Trong viết văn, đạt ngưỡng tuyệt đối có lẽ chẳng bao giờ có được. Vì, ngoài một số yêu cầu chung đạt được, đơn giản văn còn là sự cảm thụ riêng của từng người.

Môn Văn ít điểm 10 là phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên ảnh 2

Tại sao lại hiếm có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn?

Sau thời gian tranh cãi, bàn luận và trao đổi, Hội đồng thi năm ấy đã quyết định ghi bài văn ấy 9 điểm, đó có lẽ cũng là một trong những điểm số hiếm hoi của môn Văn ở tỉnh Thanh Hóa thời điểm ấy.

Cũng cần nói thêm rằng H.T.C sau này đã trở thành nhà ngôn ngữ có những bài viết phê bình về một số quyển từ điển tiếng Việt gây dấu ấn riêng với tầng lớp trí thức bậc cao cả trong và ngoài nước.

Trở lại câu chuyện môn Ngữ văn vì sao ít điểm 10.

Những môn làm theo hình thức trắc nghiệm đã có đáp án đúng sai rõ ràng. Bởi thế, chuyện học sinh làm đúng theo đáp án và đạt điểm tuyệt đối không có gì để bàn cãi.

Riêng môn Ngữ văn, lại mang một đặc thù riêng. Bởi, ngoài một số phần thi có đáp án hẳn hoi thì phần văn học nghị luận không chỉ yêu cầu học sinh hiểu đúng mà còn phải biết cách trình bày bố cục rõ ràng, sạch đẹp, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả thông thường…

Với những yêu cầu khắt khe như thế thì việc học sinh không đạt điểm tối đa môn Ngữ văn không có gì là lạ. Nó đã phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên trong kì thi.

Người viết bài này rất đồng tình với trả lời của thầy Nguyễn Viết Hòa (48 tuổi) giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) trong bài viết “Tại sao lại hiếm có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn” của tác giả Đỗ Tấn Ngọc đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi thầy lý giải:

Là do bộ môn này có tính đặc thù cao. Trong hướng dẫn chấm, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rất cụ thể, chi tiết trên nhiều phương diện, từ chính tả, bố cục, trình bày, diễn đạt, lập luận, kiến thức đến khả năng, tư duy sáng tạo khi chấm, đánh giá đoạn văn, bài văn.

Thật khó có bài thi của thí sinh nào, với thời lượng 120 phút phải hoàn thành 3 câu, đáp ứng, đầy đủ, toàn diện được yêu cầu của đáp án và mong đợi sự toàn bích của các giám khảo chấm văn.”

Môn Văn ít điểm 10 là phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên ảnh 3

Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Đề quá dễ hay học trò quá giỏi? 

Nhưng lại không đồng tình với lý giải của Thầy Bùi Văn Thuận, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (tỉnh Gia Lai) cho rằng:

Văn là môn dạy-học có những nét đặc thù, riêng biệt so với các môn văn hóa khác thì đáp án phải đặc thù, riêng biệt. Tiếc là nét đặc thù của đáp án Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa làm được.

Quan trọng bậc nhất là tính chất mở của đáp án. Bên cạnh đó, có không ít giám khảo vẫn còn nặng tư duy đếm ý. Mà cứ chăm chăm vào việc đếm ý thì làm sao bài thi của các em đạt được trọn vẹn, tìm đâu ra điểm 10 bây giờ.”

Cũng như không cùng quan điểm với thầy Đỗ Tấn Ngọc khi cho rằng “Gặp những bài làm tốt, đáp ứng gần hết yêu cầu của đáp án, lại nổi trội ở tính sáng tạo, chất cảm xúc, các thầy cô giáo nên mạnh dạn ghi nhận, đánh giá cao và thống nhất cho điểm tối đa.

Giáo viên cần thay đổi tư duy, cách chấm văn lâu nay, có thể góp phần tạo ra một động lực, “cú hích” mới  cho chất lượng dạy-học Văn khá hơn, thêm nhiều em yêu Văn, chăm học Văn từ bây giờ”.

Phan Tuyết