LTS: Sau bài trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tích hợp “1 sách 3 thầy”, ngày 7/8, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục có bài trả lời rất kịp thời xung quanh vấn đề được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, do nhận thấy những thắc mắc của các giáo viên đưa ra vẫn chưa được giải thích một cách thấu đáo. Trong bài viết này, tác giả Phan Tuyết đã tiếp tục làm rõ một số vấn đề, đặt thêm các câu hỏi và rất mong nhận được sự chia sẻ của quý thầy về những vấn đề đặt ra.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau bài trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xoay quanh việc tích hợp “1 sách 3 thầy” của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ngày 7/8 Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục có bài trả lời rất kịp thời xung quanh vấn đề được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn là Điều phối viên Chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên, đã được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời các câu hỏi liên quan đến môn Khoa học tự nhiên, đúng lĩnh vực ông phụ trách.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp và cũng là một trong nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi về chương trình, sách giáo khoa mới, chúng tôi rất hoan nghênh và cảm ơn quý vị đã lắng nghe và lên tiếng kịp thời. Điều đó cho thấy tinh thần cầu thị và tác phong làm việc rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, đọc phần trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, chúng tôi nhận thấy những thắc mắc mà giáo viên chúng tôi đưa ra vẫn chưa được giải thích thấu đáo.
Những câu hỏi người viết tưởng rằng rất cụ thể và rõ ràng, nhưng câu trả lời vẫn chưa đúng trọng tâm, mà thay bằng một nội dung khác không liên quan nhiều đến vấn đề được hỏi.
Ở bài viết này, chúng tôi xin phép tiếp tục làm rõ một số vấn đề, đặt thêm một số câu hỏi với ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới, rất mong quý Giáo sư, Phó giáo sư giải đáp rõ hơn những thắc mắc mà trước đó vẫn chưa được giải đáp.
Vấn đề dạy tích hợp "1 sách 3 thầy" đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được giải đáp (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Phải chăng Ban xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới đang đá quả bóng trách nhiệm xuống các trường?
Trả lời câu hỏi “1 sách 3 thầy trong môn Khoa học tự nhiên, thì phân công chuyên môn như thế nào”, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn khẳng định:
“Tùy thuộc vào Chương trình nhà trường – và nhà trường chủ động lên kế hoạch vào đầu năm học”.
Chúng tôi thực sự băn khoăn, “tùy nhà trường” hay “nhà trường chủ động lên kế hoạch” ở đây phải chăng là Ban phát triển chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang “đá quả bóng” trách nhiệm xuống cơ sở, để mai này nếu chương trình có thất bại thì do các trường phân công không đúng, giống như những gì các chuyên gia và nhà quản lý Dự án VNEN vẫn đổ thừa cho giáo viên?
Nếu “tùy các trường” và “các trường chủ động” trong khi vẫn 1 sách 3 thầy, thì các trường giữ nguyên cách phân công xếp lịch, cách thi kiểm tra, cách vào sổ sách như 3 môn độc lập hiện nay thì có trái với chương trình mới hay không?
Nếu quý Giáo sư, Phó giáo sư xây dựng chương trình bắt buộc các trường phải gò 3 môn vào 1, thì đề nghị quý vị cần lường trước các tình huống và xây dựng phương án phân công cụ thể, thuyết phục để đảm bảo mục tiêu “tích hợp” quý vị đề ra, đồng thời giảm tải sổ sách cho giáo viên như Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn đã nói.
Bởi, khi quý vị giữ quyền gò 3 môn vào 1 sách, 3 thầy vào 1 môn, còn trách nhiệm thực hiện dạy “môn mới” ra sao do các trường, các thầy tự lo, chúng tôi dám chắc sẽ dẫn đến hỗn loạn.
Trường muốn gọn gàng sẽ phân giáo viên dạy Lý dạy hết 18 tiết rồi đến giáo viên dạy Hóa dạy 35 tiết và cuối cùng là giáo viên dạy Sinh 35 tiết còn lại.
Nếu thế, điểm miệng có thể ai dạy người ấy cho điểm nhưng làm bài kiểm tra 1 tiết sẽ thế nào? Chẳng lẽ lại dạy hết phân môn Lý làm bài kiểm tra về Lý rồi đến Hóa đến Sinh? Nó chẳng khác gì với khi chưa gộp môn nhưng lại khiến cả thầy cả trò lao đao khốn đốn hơn.
“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động |
Có trường sẽ phân dạy đan xen mỗi tuần 1 tiết Lý, 2 tiết sinh và 2 tiết Hóa. Nếu gặp bài 2 tiết đang dạy dở dang học trò cũng phải xếp đó đợi cho tiết học sau cũng khá lâu.
Còn chuyện vào điểm, học bạ, sổ báo giảng, phiếu liên lạc… Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn khẳng định:
“Trong dạy học môn tích hợp, giáo viên nào sẽ vào điểm là do hiệu trưởng nhà trường phân công – điều này không quy định trong Chương trình giáo dục tổng thể hay Chương trình môn học”.
Lẽ ra, người xây dựng chương trình phải tính đến điều này bởi việc phân công công việc cho các giáo viên đảm nhận nó sẽ liên quan đến số tiết giảm trừ hàng tuần của mỗi thầy cô.
Chẳng hạn, bậc Trung học cơ sở giáo viên phải dạy 17 tiết chuẩn/tuần. Nếu thầy cô dạy vượt số tiết này sẽ được hưởng tăng giờ làm việc.
Nay Hiệu trưởng giao việc thêm cho giáo viên vào điểm, ghi học bạ, số báo giảng, phiếu liên lạc… sẽ phải tính với giáo viên ấy thế nào?
Phân công thế nào để giữa ba giáo viên dạy ba phân môn (Lý, Hóa, Sinh) hay hai giáo viên dạy (Sử, Địa) cho có sự công bằng?
Rồi những công việc làm ấy được quy đổi ra số tiết thế nào để tránh tình trạng người dạy và làm nhiều còn người kia lại dạy và làm ít?
Vì việc quy đổi không quy định trong Chương trình giáo dục tổng thể hay Chương trình môn học, cho nên sẽ không có chế độ cho những việc làm này.
Vậy khi phân công giáo viên làm những công việc ấy Hiệu trưởng sẽ lấy kinh phí ở đâu để trả cho giáo viên?
Trường dăm bảy lớp thì việc phân công chuyên môn, việc tính toán sao cho cân đối giữa các giáo viên còn đỡ. Với những trường có nhiều lớp học thì gánh nặng đè lên vai Ban giám hiệu không phải là chuyện nhỏ.
Nếu người thiết kế chưa hình dung được sản phẩm của mình vận hành ra sao, xin hãy vui lòng nghiên cứu thêm. Chúng tôi nghĩ rằng giáo viên sẵn sàng chờ, còn hơn là lại phải phiêu lưu vào một cuộc thí điểm mới.
Vẫn chưa làm rõ được việc tích hợp “3 thầy 1 sách, 1 sách 3 môn”
Đọc câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về tích hợp trong 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở, không riêng gì người viết, chắc hẳn ai cũng thấy sự vòng vo, quanh quẩn với vài lập luận lý thuyết.
Thậm chí, việc các thầy trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi sẽ khiến người ta không thể không đặt câu hỏi rằng, phải chăng quý thầy vẫn chưa chắc chắn bản chất thực sự của tích hợp, ngoài mấy câu cửa miệng gần như thuộc lòng?
Bởi, nếu đã nắm chắc như lòng bàn tay, thì việc đưa ra một vài thí dụ để phân tích cho giáo viên, học sinh và phụ huynh thấy rõ cái hay, cách làm và cách đánh giá hiệu quả của “sách giáo khoa tích hợp” 2 trong 1 hay 3 trong 1 đâu khó khăn gì?
Tại sao quý thầy lại né tránh điều tưởng chừng như đơn giản nhất với một chuyên gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa?
Chúng tôi thấy rằng kiểu giải thích của các thầy soạn chương trình, sách giáo khoa về “tích hợp tạo ra môn mới” thực chất chỉ là cách gộp môn một cách cơ học, lấy nội dung của 3 cuốn sách in chung vào 1 cuốn.
Còn cái tên Khoa học tự nhiên chẳng qua chỉ là sự vay mượn, gán ghép tùy tiện kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt”, bởi chúng chẳng ăn nhập với nhau.
Chúng tôi chỉ hy vọng rằng mình sai, và mong nhận được trả lời phản biện lại một cách khoa học, khách quan, cầu thị và thuyết phục từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn để không ai bắt bẻ được.
Chúng tôi sai thì may mắn cho giáo dục nước nhà, may mắn cho thầy trò cả nước. May lắm thay!
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn nói rằng: “Dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. Dạy học tích hợp có nhiều hình thức khác nhau như tích hợp không tạo nên môn học mới và tích hợp tạo nên môn học mới; tích hợp xuyên môn, đa môn, liên môn và nội môn.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, các nhà giáo dục đã nhấn mạnh tới hình thức dạy học tích hợp là hoàn toàn khách quan và phù hợp thực tiễn, không chỉ với định hướng giáo dục phát triển năng lực người học mà còn là cơ sở thuận lợi cho việc lồng ghép các môn học với nhiều nội dung giáo dục khác như giáo dục công dân, sức khỏe, môi trường, biến đổi khí hậu....”.
Đề nghị Giáo sư - Tổng chủ biên giải thích thêm về tích hợp 1 sách 3 thày |
Chúng tôi chỉ thấy ông đang nhắc lại lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Một số chuyên gia khác của Bộ cũng nói y chang thầy.
Điều này bạn đọc có thể kiểm chứng qua Google bằng từ khóa “dạy học tích hợp”, một xu hướng thời thượng của các nhà hoạch định chính sách giáo dục nước ta hiện nay.
Nhưng cứ hỏi đến ví dụ cụ thể với môn Khoa học tự nhiên, hay Lịch sử và Địa lý, chúng tôi lại thấy ngõ cụt, bế tắc.
Nhìn vào 8 chủ đề “tích hợp” trong môn Khoa học tự nhiên mà Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn đưa ra, chúng tôi thực sự không hiểu. Ví dụ như chủ đề năng lượng (năng lượng vật lý, năng lượng hóa học, năng lượng sinh học).
Vậy trong chủ đề này, phần năng lượng vật lý thì giáo viên dạy nội dung gì? Năng lượng hóa học thì giáo viên dạy nội dung gì và năng lượng sinh học thì giáo viên dạy nội dung gì?
Mối quan hệ giữa 3 nội dung này là gì để chứng minh giá trị “tích hợp” của nó? Chủ đề này sẽ hướng tới giải quyết vấn đề gì?
Một chủ đề tích hợp như 8 ví dụ Phó Giáo sư nêu ra trong bài trước, sẽ được dạy trong mấy tiết? Ai sẽ dạy chủ đề này?
Ban Xây phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã có bài mẫu nào về chủ đề “tích hợp” như vậy chưa? Nếu có, xin Phó Giáo sư vui lòng cung cấp, giới thiệu kỹ hơn về 1 chủ đề để giúp giáo viên, phụ huynh và học sinh dễ hình dung.
Quý thầy soạn chương trình, sách giáo khoa có thể tìm hiểu từ chính những phản hồi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của các thầy cô đang đứng lớp.
Ví dụ như thắc mắc của thầy giáo Sơn Nguyễn mà người viết cho là rất cụ thể, chi tiết và hoàn toàn đúng với thực tế:
“Tôi là một cán bộ có 35 năm giảng dạy, tôi chẳng thấy có mối quan hệ nào giữa Lý với Sinh.
Lý là quang, là điện, là động lực, là tương tác. Còn sinh là AND, là gen và cấu trúc tế bào, là trao đổi chất, là quy luật phát triển và sinh tồn của sinh giới. Vậy mà tích hợp thì giao thoa chỗ nào?”.
Hoạt động trải nghiệm ai trả tiền, học sinh sẽ trải nghiệm những gì?
Ở bài viết trước, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn chưa trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về Hoạt động trải nghiệm, mà chỉ đi giải thích khái niệm vốn có sẵn trong chương trình tổng thể, nhưng không ai hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào.
Trong bài viết này, chúng tôi xin phép được nhắc lại câu hỏi này với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Có lẽ là người cầm trịch, Giáo sư sẽ đưa ra câu trả lời và ví dụ thuyết phục hơn chăng?
Một là, “trải nghiệm” trong trường hay trải nghiệm ngoài trường? Trong trường thì học sinh sẽ “trải nghiệm” những gì? Ngoài trường thì học sinh sẽ trải nghiệm những gì?
Hai là, nếu học sinh phải đi thực tế để trải nghiệm ngoài phạm vi trường học mà cần kinh phí tổ chức, vậy phụ huynh có phải đóng tiền để tham gia hay không?
Ba là, hoạt động trải nghiệm này được thiết kế 105 tiết/năm, tương đương 3 tiết/tuần ở cả cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, có bao gồm tiết sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động đoàn đội hay không?
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn và hy vọng nhận được chia sẻ của quý thầy về những vấn đề đặt ra trên đây, bởi đó là những băn khoăn, thắc mắc có thực và sẽ gặp khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trong thực tiễn.