LTS: Sau bài viết “Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 03/08, là một giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục - cô giáo Phan Tuyết đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trước những giải đáp thắc mắc của ông về việc "Dạy học tích hợp".
Bên cạnh đó, để giúp các giáo viên - những người trực tiếp thực thi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiểu hơn về chương trình, sách giáo khoa mới, tác giả vẫn còn rất nhiều câu hỏi và vấn đề khác cần được Giáo sư giải đáp một cách thấu đáo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau bài viết “Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 03/08, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã lên tiếng.
Ông trả lời Báo xung quanh những thắc mắc về việc “tích hợp” 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành môn Khoa học tự nhiên và 2 môn Sử, Địa thành môn Lịch sử và Địa lý mà người viết đặt ra trong bài viết trước.
Là một giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, người viết trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Chúng tôi cho rằng, tinh thần cầu thị, cởi mở và trao đổi thẳng thắn của Giáo sư rất trân trọng, qua đó giúp giáo viên chúng tôi hiểu hơn về chương trình, sách giáo khoa mới.
Về câu hỏi mà rất nhiều giáo viên băn khoăn việc tích hợp môn Khoa học tự nhiên là “1 sách 3 thày dạy hay 1 thày dạy 3 môn?” Giáo sư Thuyết cho biết:
“Giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó, còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy”.
Tuy nhiên, là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy như chúng tôi vẫn thấy còn rất nhiều vấn đề khác cũng cần được giải đáp một cách thấu đáo.
Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu tiếp một số câu hỏi và vấn đề với các nhà làm chương trình, sách giáo khoa mới để giúp những người thực thi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới đây có hiểu biết đầy đủ, chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt nhất.
1 sách 3 thày thì sẽ phân công chuyên môn ra sao?
Theo lời của Giáo sư Thuyết tích hợp 3 môn (Lý, Hóa, Sinh) thành môn Khoa học tự nhiên sẽ có một cuốn sách giáo khoa, nhưng vẫn có 3 giáo viên dạy cho ba nội dung liên quan.
Câu hỏi đặt ra là: phân công giáo viên dạy ba phân môn ấy như thế nào cho liền mạch kiến thức? Điều này làm không khéo kiến thức của học sinh sẽ bị xé lẻ, rời rạc.
Chẳng hạn, trong chương trình lớp 8, tổng số tiết học cả năm của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh là 105 tiết, trong đó Lý 35 tiết, hai môn còn lại 70 tiết.
Chuyên môn nhà trường sẽ phân thế nào cho hợp lý? Chẳng hạn, một tuần có 5 tiết Khoa học tự nhiên, nếu phân tiết 1 dạy Lý; tiết 2, 3 dạy Hóa; tiết 4, 5 dạy Sinh… điều này sẽ vô cùng rối rắm.
Nó làm cho mạch kiến thức từng môn của học sinh bị gián đoạn vì có nhiều bài phải học đến 2 tiết mới hết nội dung. Nếu học dang dở để đó, sau tiết học môn khác học sinh sẽ quên ngay những kiến thức mình đã học trước đó.
Còn phân 18 tiết Lý thầy lý dạy xong đến 35 tiết Hóa và cuối cùng 35 tiết Sinh lại rất khó khăn cho học sinh trong việc ôn tập kiến thức để thi cuối học kì vì có môn học từ đầu năm.
Việc ra đề kiểm tra, đề thi cũng chẳng hề đơn giản. Theo chia sẻ của một giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn, môn Khoa học tự nhiên ở chương trình VNEN bậc trung học cơ sở cho biết:
“Để chuẩn bị cho đề kiểm tra, đề thi, 3 giáo viên phụ trách 3 môn học đấy phải ngồi lại thống kê xem học sinh đã học bao nhiêu tiết Lý, tiết Hóa và Sinh.
Từ đó, tính ra phần trăm kiến thức đã học và thống nhất ma trận đề sẽ ra cho phù hợp. Ví dụ: sẽ có 4 câu hỏi về môn Lý, 16 câu cho môn Hóa và môn Sinh. Sau đó, giáo viên sẽ gộp các câu hỏi của 3 giáo viên để tập hợp thành đề kiểm tra, đề thi”.
Thầy giáo hoang mang về chủ trương tích hợp |
Việc phân công dạy đã bộc lộ nhiều bất cập đến việc cho điểm cũng rắc rối không kém. Không ít thầy cô trăn trở: giáo viên sẽ cho điểm thế nào? Cách tính điểm bình quân của 3 môn gộp lại ra sao?
Trong khi theo chương trình hiện hành, ở lớp 8 môn Lý có 35 tiết/năm, môn Hóa, Sinh mỗi môn có 70 tiết/năm nên số bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết cũng sẽ khác nhau.
Nay gộp lại thành 1 môn nhưng vẫn 3 người dạy thì việc tính toán phân chia bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết sao cho phù hợp? Việc vào điểm thi học kì và điểm tổng kết ai sẽ chịu trách nhiệm để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc?”.
3 thày dạy 1 môn, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm ghi học bạ và nhận xét học sinh cuối mỗi kì? Giao cho một người thì thày Lý có nhận xét về khả năng học Hóa hay Sinh của các em chính xác? hay chỉ nhìn vào con điểm để ghi những dòng nhận xét cứng nhắc, rập khuôn cho xong việc?
Một trường không chỉ có chục lớp, có trường vài ba chục lớp trở lên nên việc phân công chuyên môn, theo dõi giáo viên thực hiện cũng chẳng đơn giản chút nào.
Theo một số giáo viên đã dạy theo kiểu “tích hợp cơ học” này cho biết: “Công việc giảng dạy đã áp lực, mệt mỏi. Nay thêm việc giáo viên phải ngồi lại họp bàn với nhau cách ra đề, tính điểm, chấm điểm vào học bạ vô cùng mệt mỏi”.
Từ thực tế giảng dạy và phân công chuyên môn như phân tích ở trên đây, có thể thấy rằng điều quan trọng nhất là không đạt được mục đích "tích hợp" như Giáo sư Thuyết chia sẻ trong bài trước:
"Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau".
Ngược lại, "tích hợp" kiểu này còn xé vụn các phân môn riêng, có thể tạo ra hàng đống hồ sơ sổ sách mới và những bất cập trong phân công thời khóa biểu.
Đây là những băn khoăn xuất phát từ thực tế giảng dạy. Ai dạy phần tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên “tích hợp” ở chỗ nào?
Theo Giáo sư Thuyết giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó, còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm.
Điều này sẽ nảy sinh vấn đề khi nào thì giáo viên biết mình sẽ đảm nhận việc tích hợp nội dung liên quan? Sách giáo khoa có nói rõ điều đó để tránh tình trạng giáo viên dạy Sử nghĩ giáo viên dạy Địa đã giảng rồi?
Quan trọng hơn nữa, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ có bao nhiêu “chủ đề tích hợp” để dạy cho học sinh cấp 2, khi mà thời lượng tiết học bình quân mỗi tuần chỉ khoảng 5 tiết cho môn Khoa học tự nhiên, khoảng 2 tiết cho môn Lịch sử và Địa lý?
Bởi, nếu chỉ có “một vài” chủ đề như “Biển đảo Việt Nam” mà Giáo sư ví dụ, thì chúng tôi tin một giáo viên vẫn có thể đảm nhiệm, chỉ cần chịu khó bổ sung thông tin từ mạng internet và tài liệu hướng dẫn, mà không cần và không nên gộp 3 môn vào 1 sách như chương trình.
GS.Đào Trọng Thi: "Dạy tích hợp, nhưng không thể mù quáng" |
Ví dụ khác được Giáo sư đưa ra là: "Hay khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ". Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ ý nghĩa nào của “tích hợp” qua ví dụ này của Giáo sư.
Vẫn 2 thầy dạy 2 môn, thì chỉ sách giáo khoa Địa lý, Lịch sử hiện nay bố trí các nội dung về cùng một đối tượng (ví dụ như châu Mỹ) là được.
Tốt hơn nữa thì có thể bố trí thời khóa biểu 2 môn, 2 nội dung này gần nhau là xong, cần gì phải gộp môn? Có giáo viên thắc mắc, phải chăng gộp môn chỉ là hình thức để Bộ chứng minh là mình đang “đổi mới”, “sáng tạo”?
Phần trước Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mới chỉ lấy 2 ví dụ về môn Lịch sử và Địa lý qua chủ đề tích hợp "Biển đảo Việt Nam", lịch sử và địa lý châu Mỹ mà chúng tôi vẫn còn mông lung về “tích hợp”.
Các giáo viên trung học cơ sở đang dạy Lý, Hóa, Sinh càng không thể hình dung nổi Bộ sẽ “tích hợp” 3 môn này như thế nào?
Không biết Tổng chủ biên và các nhà làm chương trình có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể về "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh thành môn "Khoa học tự nhiên" để các giáo viên dạy Lý, dạy Hóa, dạy Sinh ở trung học cơ sở thấy rõ, đó là một lựa chọn đúng đắn?
Bài trước, Giáo sư mới chỉ nói về nguyên tắc rằng: "Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau".
Xin Giáo sư vui lòng làm rõ, "tổ chức lại một cách thống nhất để các kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau" như thế nào với 3 môn Lý, Hóa, Sinh?
Trong chương trình VNEN tiểu học hiện nay, có môn Nghệ thuật đó là tên gọi chung của 3 môn học Thủ công, Mĩ thuật và Âm nhạc.
Chỉ có cuốn sách giáo viên (sách hướng dẫn dạy học) là ghi môn Nghệ thuật còn học sinh vẫn có 3 cuốn sách của 3 môn học và do 3 giáo viên dạy. Như thế có nhất thiết gọi là môn Nghệ thuật hay không?
Tích hợp hay gộp môn?
Nói về việc gộp môn, Giáo sư Thuyết cho rằng, giáo dục phổ thông là bậc học trang bị tri thức nền tảng và kỹ năng cơ bản cho người học càng phải thực hiện dạy học tích hợp.
Dạy học tích hợp không chỉ giúp cho người học có hiểu biết tổng hợp hơn, từ đó, vận dụng kiến thức vào thực tiễn có hiệu quả hơn, mà còn giúp người học tiết kiệm thời gian học tập, nhất là khi kiến thức nhân loại tích lũy được ngày càng nhiều mà thời gian học phổ thông không thay đổi.
Việc tích hợp kiến thức liên môn vẫn đang được các trường học thực hiện bấy lâu nay. Còn kiểu gộp nhiều môn thành môn có tên gọi mới như Chương trình phổ thông mới có phải là tích hợp không?
Một độc giả có bình luận thế này: “Tích hợp là vấn đề giao điểm giữa các môn học chứ không phải từng môn học riêng rẽ gộp vào một sách giáo khoa. Kiểu anh địa dạy địa, anh sử dạy sử thì tích hợp cái nỗi gì?”. Nếu chỉ gộp ba sách ba môn thành một sách một môn nhưng vẫn ba giáo viên dạy thì lý do nào phải làm việc này?
Tích hợp theo môn như thế giải quyết được vấn đề gì trong thực tiễn dạy học? Cơ sở khoa học nào cho rằng làm như vậy sẽ hiệu quả hơn việc vẫn để từng môn độc lập và tích hợp liên môn như hiện nay?
Người viết rất hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới và Giáo sư - Tổng chủ biên để tháo gỡ những thắc mắc nghiệp vụ cho mình và đồng nghiệp trên cả nước.
Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư!