“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động

08/08/2017 14:04
Thùy Linh
(GDVN) - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bố trí kế hoạch dạy học cho mỗi môn học là do giáo viên và nhà trường chủ động.

LTS: Xung quanh một số câu hỏi, vấn đề mà chuyên gia, thầy cô băn khoăn từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban soạn thảo, đặc biệt là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên đã giải thích kịp thời một số thắc mắc về tích hợp trong 2 môn “Khoa học tự nhiên”, “Lịch sử và Địa lý” trong chương trình, sách giáo khoa mới qua bài viết “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy”” mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 4/8/2017. 

Ngay sau khi đăng tải, Tòa soạn tiếp tục nhận được câu hỏi từ các thầy cô xung quanh chương trình, sách giáo khoa mới đặc biệt là chuyện tích hợp “1 sách 3 thầy”. 

Phóng viên đã chuyển những thắc mắc đó của thầy cô và bạn đọc đến Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và được ông phân công Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Điều phối viên chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên phụ trách trả lời. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn. 
 
Phóng viên: Trong phần trả lời về “tích hợp” môn Sử với môn Địa trong môn “Lịch sử và Địa lý”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã lấy ví dụ: “Khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng dạy về địa lý châu Mỹ”. 

Có thầy cô đặt vấn đề, thực chất là 2 môn dạy cùng 1 chủ đề, cùng 1 thời điểm thì có thể bố trí thời khóa biểu cũng như cấu trúc nội dung sách giáo khoa, cần gì phải tích hợp? Và ở ví dụ mà giáo sư nêu, “tích hợp” thể hiện ở chỗ nào?

Mặt khác, môn Lịch sử và Địa lí có 3 tiết/tuần thì học môn nào trước?

Thưa Ban xây dựng chương trình, nếu học hết Lịch sử rồi mới đến Địa lí hoặc ngược lại thì học sinh thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào, vì các kì thi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 2, ngoài ra còn môn “Khoa học tự nhiên” nữa?

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Trước hết phải nói rằng, dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. 

Dạy học tích hợp có nhiều hình thức khác nhau như tích hợp không tạo nên môn học mới và tích hợp tạo nên môn học mới; tích hợp xuyên môn, đa môn, liên môn và nội môn.   

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, các nhà giáo dục đã nhấn mạnh tới hình thức dạy học tích hợp là hoàn toàn khách quan và phù hợp thực tiễn, không chỉ với định hướng giáo dục phát triển năng lực người học mà còn là cơ sở thuận lợi cho việc lồng ghép các môn học với nhiều nội dung giáo dục khác như giáo dục công dân, sức khỏe, môi trường, biến đổi khí hậu.... 

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Điều phối viên chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới trả lời về môn tích hợp "3 thầy 1 sách" (Ảnh: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cung cấp)
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Điều phối viên chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới trả lời về môn tích hợp "3 thầy 1 sách" (Ảnh: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cung cấp)

Giáo dục tích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện tri thức và nhân cách của học sinh. 

Tích hợp là yêu cầu của chương trình phát triển năng lực khi mà các kiến thức được liên kết với nhau giúp cho học sinh có thể phát huy tổng hợp kiến thức và kỹ năng nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. 

Ví dụ như những kỹ năng so sánh, liên hệ, phân tích, giải thích, trình bày,…nhất là kỹ năng tiến trình trong tìm hiểu và nghiên cứu khoa học, nhờ đó học sinh sẽ phát triển năng lực tốt hơn. 

Riêng với môn Địa lý và Lịch sử thì có thể thấy rằng:  Mọi sự kiện lịch sử đều diễn ra trong một thời gian và không gian nhất định (không gian địa lý). Do vậy khi đặt các kiến thức lịch sử và địa lý gần nhau, lồng vào nhau thì học sinh sẽ nhìn nhận vấn đề một cách tự nhiên và thực tiễn. 

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bố trí kế hoạch dạy học cho mỗi môn học là do giáo viên và nhà trường chủ động (theo kế hoạch/ chương trình dạy học nhà trường), miễn sao hết thời gian (học kỳ hoặc năm học) là học sinh được học hết nội dung chương trình. 

Tương tự, cùng một nội dung có trường chỉ dạy 01 tiết nhưng có trường có thể dạy 02 tiết học – tuỳ vào khả năng học của học sinh trường đó. 

Theo Ban xây dựng chương trình, môn Lịch sử và Địa lý bố trí 3 tiết/tuần, việc dạy học theo thứ tự trước sau, hoặc dạy song song là do nhà trường tuỳ thuộc vào điều kiện giáo viên, phòng học,…. mà bố trí. 

Nhìn chung dạy học tích hợp làm giảm số môn. Hiện nay chưa có kế hoạch cụ thể về thi học sinh giỏi, nhưng nguyên tắc của thi (thi học kỳ,... chứ không phải chỉ thi học sinh giỏi) là học môn nào thì thi môn đó. 

Theo Ban xây dựng chương trình, đây không phải là 2 môn nên không cần thi tách rời.

Phóng viên: Ví dụ thứ 2 mà Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nêu ra là, "chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý", có quan điểm cho rằng đó là một chủ đề, và lượng kiến thức cho dù "đa môn" đi nữa trong 1 chủ đề giới hạn không phải chuyện khó, nhưng tìm được chủ đề thể hiện đầy đủ cả 3 mảng kiến thức Lý - Hóa - Sinh một cách khoa học, hệ thống như các môn đơn lập hiện nay không hề đơn giản. 

Ban xây dựng chương trình có thể nêu một ví dụ về "tích hợp" trong môn Khoa học tự nhiên?

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Trên thế giới có nhiều nước dạy môn “Khoa học tự nhiên - Science” thay cho dạy học 3 môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học. 

Cơ sở khoa học của tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên là: Trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật và hiện tượng tuy khác nhau nhưng mang những tích chất/ nguyên lý chung.

Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở một khía cạnh nhất định.

Khi giải quyết một vấn đề của tự nhiên thì không chỉ cần tới một khía cạnh nào mà cần kiến thức tổng hợp, cần sự tích hợp của nhiều kiến thức khác nhau. 

“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động ảnh 2

Đôi điều trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về chuyện 3 giáo viên dạy 1 môn

Những tính chất chung của sự vật trong tự nhiên (như tính chất về cấu trúc - sự vật nào cũng có cấu trúc, tính chất về sự đa dạng, tính hệ thống, sự vận động và phát triển, tính tương tác) được ví như chất “keo” kết nối các nội dung của sự vật với nhau – cho dù nó là nội dung kiến thức vật lý, hoá học hay sinh học, tạo thành một thể thống nhất. 

Khi chúng ta dạy về một đối tượng nào đó trong tự nhiên mà hướng tới giải quyết những tính chất /nguyên lý chung đó thì những nguyên lý đó trở thành chất “keo” kết dính các phần của môn học.

Bên cạnh đó, chương trình tích hợp còn thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp như:

Chủ đề năng lượng (năng lượng vật lý, năng lượng hoá học, năng lượng sinh học);

Chủ đề âm thanh (vật lý, sinh học – sinh học cơ quan thính giác);

Chủ đề ánh sáng, thấu kính (vật lý, sinh học – mắt);

Chủ đề ô nhiễm môi trường (vật lý, hoá học, sinh học);

Chủ đề vật chất (vật lý, hoá học, sinh học);

Chủ đề bảo vệ môi trường (vật lý, hoá học, sinh học);

Chủ đề sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (vật lý, hoá học, sinh học),

Biến đổi khí hậu (vật lý, hoá học, sinh học);... và còn nhiều chủ đề nữa....

Phóng viên: Kinh nghiệm khi thực hiện Thông tư 30 cho thấy, giáo viên có thể trở thành “nạn nhân” của rất nhiều sổ sách khác nhau. 

Do đó, nhìn vào chương trình mới, nhiều thầy cô thắc mắc, nếu một môn học mà đến 2, 3 người dạy thì cách cho điểm học sinh sẽ như thế nào? Cách ghi học bạ ra sao? Cách tính điểm cho môn học đó sẽ thế nào? 

Ai sẽ làm việc này trong số 3 thầy của môn “Khoa học tự nhiên”, 2 thầy của môn “Lịch sử và Địa lý”? Và Nhà trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên ra sao? 

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Điều này đã được trả lời ở câu thứ 2: tuỳ thuộc vào Chương trình nhà trường – và nhà trường chủ động lên kế hoạch vào đầu năm học.

Công tác hoàn thiện sổ sách đang được cải tiến theo hướng giảm nhẹ công việc cho giáo viên.

Trong dạy học môn tích hợp, giáo viên nào sẽ vào điểm là do hiệu trưởng nhà trường phân công – điều này không quy định trong Chương trình giáo dục tổng thể hay Chương trình môn học. 

Phóng viên: Nhìn vào nội dung chương trình tổng thể mới lần này, môn Nghệ thuật được miêu tả trong chương trình tổng thể: “gồm các phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật…”

Thưa Ban xây dựng chương trình, tại sao chương trình tổng thể lại mô tả về môn Nghệ thuật gồm Âm nhạc, Mỹ thuật và bỏ lửng dấu ....? Dấu ... này có hàm ý để bổ sung sau, hay đơn giản là Nghệ thuật = Âm nhạc + Mỹ thuật? 

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Đây là nội dung mở, tuỳ theo khả năng của nhà trường mà có thể dạy vẽ hay dạy thiết kế thời trang, dạy múa, dạy nặn tượng hay làm đồ thủ công mỹ thuật,....

Phóng viên: Các thầy cô dạy VNEN phản ánh, hiện môn Nghệ thuật = Âm nhạc + Mỹ thuật, nhưng vẫn 2 thầy dạy và 2 sách giáo khoa. 

Nếu vậy thì việc cộng dồn cơ học hai môn này làm một trong chương trình mới có thể gọi là tích hợp hay không, và để giải quyết vấn đề gì, thưa Ban xây dựng chương trình?

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Đúng vậy, lĩnh vực Nghệ thuật nhưng có nhiều phân môn, không cần thiết phải nhập thành 01 môn như môn tích hợp. 

Hiện nay đội ngũ giáo viên Nghệ thuật chưa đủ nên thiết kế nội dung mở và linh hoạt sẽ tận dụng được lực lượng sẵn có của xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh, ở các vùng khác nhau.

“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy”

Hơn nữa, trong nhà trường hiện nay, ngoài hệ thống môn học, hoạt động giáo dục còn có các phân môn và các chuyên đề (chuyên đề nâng cao cho môn học ở Trung học phổ thông),.... do vậy sẽ đa dạng và linh hoạt. 

Ở nước ngoài, các phân môn nghệ thuật, các chuyên đề thường được thuê các nhà chuyên môn đến giảng dạy. Ở ta chưa làm được thì cũng cần nghĩ đến để có tiến tới hội nhập. 

Phóng viên: Có phụ huynh, giáo viên thắc mắc về Hoạt động trải nghiệm như một “môn” trong chương trình mới, rằng khi học sinh phải đi thực tế để trải nghiệm, vậy phụ huynh có phải đóng tiền để tham gia hay không?

Hoạt động trải nghiệm này có gì khác so với hoạt động ngoại khóa hiện nay, thưa Ban xây dựng chương trình?

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục (không gọi là môn học).

Trong chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực thì hoạt động giáo dục hay môn học, học trong lớp hay ngoài lớp, học trong trường hay học ngoài thiên nhiên, ngoài xã hội,... đều cần thiết và quan trọng, đều được thiết kế trong Chương trình giáo dục của nhà trường và hoạt động theo kế hoạch. 

Không có quan niệm đâu là hoạt động chính/ đâu là hoạt động phụ; đâu là hoạt động trong giờ / đâu là hoạt động ngoài giờ. Trải nghiệm là một phương cách để rèn luyện kỹ năng và từ đó hình thành và phát triển năng lực học sinh. 

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn! 

Thùy Linh