LTS: Là người đang ngày ngày tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục đào tạo, tác giả Nguyễn Cao đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm bày tỏ nỗi niềm hy vọng, cũng như những trăn trở của mình về các vấn đề của ngành giáo dục hiện nay.
Cũng theo tác giả, tương lai của đất nước đang chờ vào sự khởi sắc của ngành giáo dục ngay từ hôm nay, do vậy những người đang thực hiện chương trình, nhất là trên vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng cần dám làm, dám nhận trách nhiệm về việc làm và lời nói của mình trước Đảng, trước nhân dân…
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngành giáo dục hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên và hơn 22 triệu học sinh, sinh viên ở tất cả các cấp học. Vì thế, vai trò, vị thế của Bộ trưởng giáo dục là vô cùng lớn, mỗi phát ngôn, mỗi việc làm của Bộ trưởng có thể ảnh hưởng tới hàng triệu con người.
Hình ảnh Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh nguồn: giaoduc.net.vn) |
Từ tháng 4/2016 tới nay, khi ông vừa lên nắm cương vị đứng đầu ngành Giáo dục đã có nhiều người kì vọng về một sự thay đổi, hy vọng ông sẽ đem đến làn gió mới cho ngành.
Nếu như người tiền nhiệm của ông đã từng xem giáo dục là “một trận đánh lớn” thì khi mới bắt đầu đảm nhận công việc Bộ trưởng ông đã trả lời báo chí: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua”.
Những lời trao đổi chí tình của tân Bộ trưởng lúc đó đã nhận được không ít lời khen ngợi. Ông còn chia sẻ thêm: “Tôi thật vui mừng và vinh dự được Quốc hội tín nhiệm, phê chuẩn giữ một chức vụ quan trọng trong Chính phủ, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì thấy trách nhiệm quá lớn lao.
Với tư cách là một Bộ trưởng mới, tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình".
Và, những lời phát ngôn, tâm sự đầy trách nhiệm của Bộ trưởng đã khiến cho chúng ta liên tưởng, hi vọng về một vị “Tư lệnh ngành” đầy trăn trở, trách nhiệm và cầu thị trong tương lai.
Đến nay, sau 16 tháng trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục, ông đã cùng các đồng sự của mình với hàng triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước đang thực hiện các mục tiêu của giáo dục nước nhà.
Với vai trò là người đứng đầu, bên cạnh những việc đã làm được, dư luận vẫn thấy băn khoăn, trăn trở trước những phát ngôn, những lời tâm sự của vị “Tư lệnh ngành” trong thời gian qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực |
Chiều 6/6, làm việc với Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ lo ngại về số lượng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay:
"Tôi thấy nhiều trường đang say sưa với việc đào tạo thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. Trong khi đó, nhiệm vụ của chúng ta là đào tạo đại học cho ra đại học. Cử nhân mà có kiến thức sâu, tin học giỏi, tiếng Anh tốt còn hơn thạc sĩ mà chẳng giống ai".
Thế nhưng, với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục cả nước, Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ cũng thừa hiểu rằng việc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ chính là "nồi cơm" của các trường.
Trong lúc nhiều trường đang không tuyển sinh được sinh viên đại học thì việc đào tạo các Thạc sĩ hay Tiến sĩ sẽ là “cái phao” cứu cánh của họ.
Cuối năm ngoái, sau sự việc một số quan chức ở thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên đi tiếp rượu đã làm cho dư luận nổi sóng thì bên hành lang Quốc hội sáng nay 14/11/2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói:
“Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm.
Khi đã giữ nguyên tắc, phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô phải nghiêm túc đã”.
Khi được các đại biểu Quốc hội chất vấn, ông đã nói: “Nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo”.
Cách trả lời của Bộ trưởng lúc đó đã khiến các đại biểu Quốc hội và cả xã hội không đồng tình. Nên sau đó, ông phải đính chính lại phát biểu của mình là “diễn đạt chưa được rõ ý, mong các đại biểu thông cảm”.
Ngày 16/5/2017, khi Bộ trưởng tiếp xúc với cử tri tỉnh Bình Định đã nói về việc “sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên”.
Bởi theo ông: "Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng”.
Mặc dù chỉ là ý kiến chủ quan của người đứng đầu ngành giáo dục và ý định đó chưa hình thành đề án chi tiết, cụ thể nhưng đã khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, dư luận dậy sóng.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải đính chính, giải thích vấn đề này là “Việc bỏ biên chế mới chỉ là đề xuất của bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Cũng trong dịp tiếp xúc với cử tri ở Bình Định, Bộ trưởng nói về việc “bỏ tiêu chí thi đua sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên” đã khiến hàng triệu giáo viên vui mừng.
Quan điểm mới nhất của Bộ trưởng Nhạ trước quốc hội về xóa biên chế giáo viên |
Và, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Nghị định 88 thì chỉ những người xếp loại xuất sắc cuối năm mới phải thực hiện sáng kiến kinh nghiệm.
Tuy nhiên, sau lời phát biểu của Bộ trưởng, sau Nghị định sửa đổi của Chính phủ thì Bộ Giáo dục vẫn chưa có một văn bản hay hướng dẫn nào của ngành về tiêu chí “bỏ sáng kiến kinh nghiệm” trong việc xét thi đua. Bởi, Thông tư 35 của Bộ giáo dục vẫn đang còn hiệu lực, năm học mới thì cận kề….
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm với sự tham gia của hơn 1200 đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu:
“Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”. Không biết khi Bộ trưởng phát biểu như thế là như thế nào?
Hiện nay, cả nước có 155 trường, cơ sở đào tạo sư phạm, mấy năm gần đây mỗi năm ra trường trên dưới 100.000 sinh viên.
Năm nay, dù siết lại cũng tuyển mới 52.000 thí sinh vào sư phạm mà “học tập kinh nghiệm từ ngành quân đội, công an” thì chỉ mấy năm nữa ngân sách nào kham nổi?
Cái cần “học tập” nhất của ngành giáo dục, nhất là trên cương vị người đứng đầu, Bộ trưởng có thể tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới các trường sư phạm.
Hạn chế sự tuyển sinh, tuyển dụng một cách “mạnh ai nấy làm” của các trường, các địa phương hiện nay để siết chặt đầu vào, hạn chế tiêu cực trong tuyển dụng.
Học sinh giỏi tốt nghiệp cấp 3 chưa hẳn đã muốn vào sư phạm, mà sự “không muốn” của các em là ra trường không xin được việc, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, áp lực công việc thì nhiều…
Người xưa có câu: “Nhân vô thập toàn” nên con người ta dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể nào hoàn hảo được. Vì thế, với vai trò là một “Tư lệnh ngành” của ngành giáo dục thì áp lực công việc, trách nhiệm càng lớn.
Nên, người dân, nhất là đội ngũ giáo viên chúng tôi dưới cơ sở hi vọng trong những năm còn lại của nhiệm kì này (và có thể nhiệm kì nữa) Bộ trưởng hãy biến những lời nói vào thành những hành động cụ thể. Đặc biệt, Bộ trưởng dám làm, dám nhận trách nhiệm về việc làm và lời nói của mình trước Đảng, trước nhân dân…