Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề giáo dục đặc biệt khi dư luận đang quan tâm đến việc xóa biên chế.
Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu, giải trình làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Về vấn đề cải cách giáo dục, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện về Giáo dục và Đào tạo và chủ trương chuyển đổi từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý nhà giáo hết sức quan trọng.
Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều.
Thứ hai, về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao”.
Bộ Giáo dục chưa thí điểm bỏ biên chế giáo viên mầm non, tiểu học, trung học |
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu: “Đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiện nhân rộng.
Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình từng bước thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đề xuất làm từng bước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và quản lý nhà giáo, qua đó thực hiên hành công đổi mới Nghị quyết 29 đưa ra".
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Bộ đã tổ chức trao đổi với một số đơn vị, các sở về chủ trương này và nhận được sự nhất trí. Dư luận xã hội cũng rất quan tâm và đồng hành.
"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện tại các cơ sở và ổn định tâm lý của giáo viên" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.