Đại diện Quốc hội biết rõ những “cái khó” của ngành giáo dục

22/08/2017 06:53
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục…

Thời gian gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh việc đào tạo sư phạm, dư luận quan tâm tới các vấn đề cơ bản như:

Tình trạng tuyển sinh đầu vào thấp và mong muốn có nhiều học sinh giỏi sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm; tình trạng “chạy việc”, “chạy biên chế”, lương giáo viên thấp…

Nhìn nhận vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang “ở thế khó”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là tư lệnh Ngành, nhưng với luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền các địa phương, Bộ trưởng chỉ quản lý kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải quản lý 20% ngân sách dành cho giáo dục.

Giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này gây ra tình trạng khó điều hành trong công tác quản lý. 

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cần điều chỉnh và có những kiến nghị hợp lý, để tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý của mình
” - ông Phan Thanh Bình chia sẻ.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang “ở thế khó” (Ảnh: Qúy Trung)
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang “ở thế khó” (Ảnh: Qúy Trung)

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng:

Câu chuyện tuyển sinh sư phạm gây "nóng" dư luận vừa qua đã đặt ra câu hỏi mà ngành giáo dục cần xem xét kỹ lưỡng là "ngành sư phạm của chúng ta hiện tại như thế nào"?”. 

Từ đó, ông Bình cho rằng, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên.

Trong đó, ngoài đào tạo, cần có chính sách đúng cho thầy cô về vị trí, chất lượng, không nên phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục, mà là vị thế, đóng góp của họ cho xã hội.

Đồng thời, Bộ cần phải xác định đâu là vấn đề “chốt”: phổ thông hay đại học, chương trình hay phương pháp, thầy cô hay điều kiện cơ sở vật chất, quản lý hay con người...

Một số cơ sở cố tuyển sinh bằng mọi giá


Trong khi đó, với tư cách là người đứng đầu cơ sở đào tạo, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, dư luận bàn nhiều đến những vấn đề đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục.

Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay vấn đề tập trung nâng cao chất lượng của người thầy trong ngành giáo dục là hết sức quan trọng. 

Ông Minh đánh giá, việc thừa và thiếu giáo viên cục bộ cũng như việc đầu vào thấp diễn ra ở một số trường Cao đẳng và một số trường đại học ở các địa phương.

Song tại các trường sư phạm truyền thống vẫn giữ được điểm đầu vào khá cao. Điểm đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là những tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. 

Mặt khác nói một cách đúng mức, do sự tồn tại của mình không loại trừ một số cơ sở cố tuyển sinh bằng mọi giá. Nếu thế đây chính là hệ lụy cho việc thiếu kiểm soát của các cơ sở đào tạo sư phạm.

Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng nhận định, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh những năm qua chưa được thực hiện một cách rốt ráo. 

Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, tác động không nhỏ tới tâm tư của học sinh giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm.Bởi nghề dạy học không chỉ đòi hỏi về chuyên môn mà cần có sự tận tâm về công việc. 

Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội nhận định, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm những năm qua chưa được thực hiện một cách rốt ráo. (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội nhận định, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm những năm qua chưa được thực hiện một cách rốt ráo. (Ảnh: Thùy Linh)

Theo đó, ông Minh có đề xuất một số giải pháp. Đó là: 

Một là, sớm quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm. Ở đây chúng ta quan niệm quy hoạch để phát triển: Đó là các trường đầu tầu, các trường trung tâm, các phân hiệu và các cơ sở vệ tinh. 

Các phân khúc nối các trường đại học, cao đẳng trong giáo dục đào tạo, thực hiện đào tạo lại, bồi dưỡng có cơ sở đầu tầu và có cơ sở để chúng ta đầu tư phù hợp. Sở dĩ các trường đại học cao đẳng tại các địa phương cố tuyển sinh cũng là vì sự tồn tại của họ.

Đại diện Quốc hội biết rõ những “cái khó” của ngành giáo dục ảnh 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn vì học sinh nghỉ hè 3 tháng

Hai là, trên cơ điều tra về quy mô học sinh, sự thay đổi về số lượng đội ngũ, phân bố địa lý dân cư... chúng ta sẽ có các cơ sở đào tạo tốt hơn và lúc đó chúng ta nắm được chỉ tiêu.

Đây là cơ sở quan trọng để xác định được việc làm, sinh viên sẽ yên tâm khi vào học ở các trường sư phạm.

Ba là, sớm kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo sư phạm, công khai tình trạng sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng.

Từ đây cho phép học sinh có quyền đăng ký để theo học, trường nào có điều kiện tốt thì sẽ được ưu tiên.

Bốn là, sớm cải thiện phương án phụ cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng. Bởi vì các trường sư phạm của nhà nước đầu tư thì nhà nước có quyền đặt hàng.

Năm là, đối với các trường sư phạm đây là thời cơ để các trường chủ động cải tổ, để thay đổi lại chương trình, xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng tự cải tổ và đề xuất phương án liên thông giữa các hệ thống.

Các cơ sở sư phạm trên cơ sở đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có thay đổi quyết liệt trong nội tại các trường sư phạm. 

Làm được những điều này chúng ta sớm sẽ có những cơ sở đào tạo để đáp ứng đội ngũ giáo viên trong tương lai”, ông Minh tin tưởng. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến chỉ đạo, đóng góp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sẽ quyết tâm đẩy nhanh quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Đây được coi là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017-2018 sắp tới. 

Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Năm học 2017- 2018, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản với phương hướng chung.

Đặc biệt, năm học này, ngành Giáo dục lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện, đó là: 

Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên.

Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Thùy Linh