Giáo sư Tổng Chủ biên hiến kế cứu vãn chất lượng ngành sư phạm

20/08/2017 07:11
Thùy Linh
(GDVN) - Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ cần một điều kiện, đó là sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ngành đến ngoài ngành.

LTS: Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm năm nay quá thấp. 

Xung quanh câu chuyện này, những ngày qua đã có nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới về mối quan hệ giữa đào tạo sư phạm với thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này và trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. 


Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm những năm gần đây, đặc biệt là trong kỳ tuyển sinh năm 2017 vừa qua?


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mặc dù không phải trường sư phạm nào và ngành nào trong các trường sư phạm cũng có điểm chuẩn tuyển sinh thấp, nhưng nhìn chung, sư phạm vẫn rơi vào nhóm có điểm chuẩn thấp nhất. 

Để đánh giá đúng nguyên nhân và tìm ra giải pháp cho vấn đề này, trước hết, cần xem năm 2017 những trường nào có điểm chuẩn tuyển sinh đại học cao nhất. 

Kết quả cho thấy, năm nay hai trường có điểm trúng tuyển cao nhất là Học viện An ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy. Thí sinh đạt 30 điểm/3 môn cũng chưa trúng tuyển vào các trường này. 

Vì sao Học viện An ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy lại hấp dẫn thí sinh như vậy?

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “hiến kế” cứu vãn chất lượng ngành sư phạm (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp)
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “hiến kế” cứu vãn chất lượng ngành sư phạm (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp)

Nguyên do là sinh viên những trường này khi tốt nghiệp chắc chắn được bố trí việc làm, có thu nhập cao (gấp gần 2 lần so với mức thu nhập của công chức, viên chức ngành khác). 

Bên cạnh đó, sinh viên còn được hưởng chế độ như quân nhân trong suốt thời gian học tập tại trường. Đây là những ưu thế khiến cho mức điểm trúng tuyển của các trường này cao hơn cả những trường vốn có điểm trúng tuyển rất cao như Y, Dược. 

So với sinh viên các ngành nói trên, sinh viên sư phạm ra trường không được bảo đảm về việc làm. Không ít trường hợp phải “chạy” tiền mới có việc làm. 

Đó là chưa kể ở một số địa phương còn có tình trạng vị chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện này nhậm chức thì ký hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên, đến khi vị khác lên lại cắt các hợp đồng trước đó và tuyển hàng trăm giáo viên hợp đồng mới. 

Bấp bênh như vậy thì mấy ai còn dám vào sư phạm?

Giáo sư Tổng Chủ biên hiến kế cứu vãn chất lượng ngành sư phạm ảnh 2

Theo cô Phan Tuyết, đây là những giải pháp để thu hút nhân tài vào sư phạm

Lâu nay, Nhà nước vẫn miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Chính sách này trong những năm đầu đã thu hút nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm, nhưng rồi nhanh chóng mất tác dụng. 

Bởi vì số học phí được miễn trong 4 năm học chỉ vào khoảng 6-8 triệu đồng/sinh viên, chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà họ sẽ phải bỏ ra để “chạy” việc.  

Tất cả những thực tế đó khiến thí sinh không còn thiết tha với ngành sư phạm nữa. 

Theo Giáo sư, thời gian tới, ngành giáo dục cần làm gì để cứu vãn chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
: Trong cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thông tin, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ sang năm, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Theo tôi, đây là một giải pháp cần áp dụng bởi lẽ đào tạo sư phạm ra để dạy người nên sinh viên sư phạm phải có chất lượng tốt. 

Đồng thời, Bộ cũng đã tính đến việc giao nhiệm vụ cho các trường sư phạm bồi dưỡng, tập huấn, tái đào tạo giáo viên, thay vì chỉ đơn thuần đào tạo sinh viên mới như hiện nay.  

Giáo sư đánh giá như thế nào về phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh vấn đề quy hoạch sư phạm?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
: Từ năm 2006 đến năm 2010, chúng ta mở ra quá nhiều trường đại học, nâng cấp quá nhiều trường cao đẳng lên đại học và nâng cấp quá nhiều trường trung cấp lên cao đẳng, khiến cung vượt quá cầu nên mới xảy ra việc nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp. 

Do đó, quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm là hoàn toàn đúng đắn.

Giáo sư Tổng Chủ biên hiến kế cứu vãn chất lượng ngành sư phạm ảnh 3

Đào tạo giáo viên kiểu ... Mỹ!

Tôi được biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao nhiệm vụ cho các chuyên gia nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên trong 10, 15 năm tới và quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học nói chung, đại học sư phạm nói riêng để giải quyết vấn đề này. 

Một số ý kiến trên mạng kiến nghị giải thể những trường hoạt động không hiệu quả. Nói thì dễ nhưng làm thì phải tính toán nhiều bề. Bởi vì mỗi trường đều gắn với hàng trăm con người. 

Giải pháp tốt phải là giải pháp phát huy được khả năng cống hiến của hàng trăm con người này, chứ không phải đưa họ ra ngoài sự nghiệp mà họ đã đóng góp xây dựng nhiều năm. 

Theo tôi, có thể tính đến giải pháp sát nhập các trường này vào những trung tâm đào tạo lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả trung tâm, nâng cao chất lượng đào tạo. 

Với vai trò là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư có kiến nghị và giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, bởi đội ngũ giáo viên sẽ là những người sẽ trực tiếp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Trước mắt, ngành giáo dục cần làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, tái đào tạo giáo viên. 

Được biết, hiện Bộ đã giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở chuẩn bị việc này. 

Nói riêng về việc tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới, bên cạnh hình thức truyền thống là tập huấn qua đội ngũ giáo viên cốt cán, sẽ có thêm hình thức tập huấn qua mạng (trực tuyến), nhờ đó giáo viên ở bất kỳ nơi nào cũng được nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia ở trung ương.

Giáo sư Tổng Chủ biên hiến kế cứu vãn chất lượng ngành sư phạm ảnh 4

Bảo đảm đầu ra là yếu tố quyết định cho ngành sư phạm

 
Còn nói về những kiến nghị thì tôi xin khẳng định: Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ cần một điều kiện thôi.

Đó là phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ngành đến ngoài ngành. 

Trước hết, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và thực sự coi việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình mới là trách nhiệm của mình, đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể có cho giáo dục, thực hiện nghiêm chỉnh mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở. 

Thứ hai, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở phải tâm huyết với sự nghiệp đổi mới. 

Kinh nghiệm của nước ta trong những năm khó khăn gian khổ nhất cho thấy: Nếu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thì sự nghiệp đó sẽ thành công; còn ngược lại, nếu giáo viên, cán bộ quản lý ngại đổi mới, không vượt được sức ì của chính mình thì làm việc gì cũng thấy khó và như vậy chương trình mới khó thành công. 

Thứ ba, dư luận xã hội phải hỗ trợ cho đổi mới giáo dục trên tinh thần xây dựng.

Về điều kiện cơ sở vật chất, tôi chỉ mong:

Thứ nhất, các cháu tiểu học được học ít nhất 6 buổi/tuần nếu không thể học 9 - 10 buổi/tuần (2 buổi/ ngày). 

Thứ hai, sĩ số lớp học đảm bảo theo đúng quy định của Bộ. Nếu sĩ số các lớp chỉ dừng lại ở 15-20 cháu/lớp như ở nhiều trường tư thục thì quá tốt.

Thứ ba, lớp học phải đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Thùy Linh