Đừng nói thầy cô biết lương thấp vẫn lao vào mà phải tội!

23/08/2017 07:18
Tùng Sơn
(GDVN) - Phần nhiều các thầy cô đến với nghề xuất phát từ mơ ước tuổi ấu thơ được làm cô giáo, thầy giáo

LTS: Trong các cuộc tranh luận về nghề giáo mấy hôm nay, trước quan điểm cho rằng: “Biết lương thấp mà vẫn lao vào”, tác giả Tùng Sơn đã gửi đến Báo Điện tử Việt Nam Nam bài viết nhằm đưa ra những phân tích và phản biện về vấn đề này.

Theo đó, tác giả cho rằng, phải chăng người nói câu này là nói lấy được hay họ không có con em học sư phạm ra trường. Vậy nên xin đừng ai nói “Biết lương thấp mà cứ lao vào…” mà phải tội!

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện suy nghĩ, góc nhìn, quan điểm cá nhân của tác giả.

Có tấm bằng sư phạm trên tay là cả một ước mơ cao đẹp trong tâm hồn
    
Trong số các thầy cô giáo đứng lớp ngày nay, nhất là các thầy cô cao tuổi, đầu vào có xuất xứ muôn hình muôn vẻ. 

Phần nhiều các thầy cô đến với nghề xuất phát từ mơ ước tuổi ấu thơ được làm cô giáo, thầy giáo. Nhưng cũng nhiều thầy cô là bộ đội xuất ngũ, công nhân yếu sức khỏe. Có thầy cô học kế toán, trung cấp y ra trường không xin được việc làm lại đi sư phạm. 
    
Ngày nay tình hình khác, đa số các em vào sư phạm từ ước mơ cao đẹp trong tâm hồn. Nhiều em từ bé đã hình dung và tưởng tượng mình là cô giáo tay cầm thước giảng bài trước bao cặp mắt ngây thơ, trong sáng. 
   
Được rèn luyện và học tập trong môi trường sư phạm còn là mơ ước của những người làm cha làm mẹ. Các bậc phụ huynh cũng mong muốn con mình vào sư phạm để trở thành những người có cách sống cao đẹp trong xã hội.

Được làm giáo viên là ước mơ của nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa: Baomoi.com)
Được làm giáo viên là ước mơ của nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa: Baomoi.com)

Có tấm bằng sư phạm trên tay, bố mẹ đầu tư cả nửa cơ nghiệp

Nói nửa cơ nghiệp là cách nói tượng trưng nhưng quả đúng là nuôi con thành một cô giáo, chỉ tính 3 năm học cao đẳng sư phạm trường tỉnh thôi cũng mất ngót 2 trăm triệu. Nếu học đại học 4 năm thì mất nhiều hơn nữa. 
    
2 đến 3 trăm triệu đối với cuộc sống nông thôn hoặc gia đình viên chức thì chả là nửa cơ nghiệp ư. Mỗi tháng phải gửi cho con từ 3 đến 5 triệu là cả một gánh nặng với phần lớn các gia đình trên đất nước ta.
    
Thế nên người ta thường nói, cố gắng lúc con còn nhỏ thì xây nhà đi. Đến lúc con vào cấp 3 rồi đại học thì đừng tính chuyện xây được nhà nữa. 

Nói vậy, có ý ngầm bảo rằng nuôi một sinh viên ra trường bằng xây cả tòa nhà đấy. Vậy nên con có tấm bằng sư phạm trên tay thì bố mẹ đổi bằng nửa cơ nghiệp là đúng rồi.

Khi ra trường tình hình thật u ám
    
Lễ tốt nghiệp cho sinh viên được nhà trường tổ chức thật hoành tráng. Thầy trò bịn rịn, xúc động và tự hào trong áo thụng mũ cân đai. Nhưng, niềm vui lễ tốt nghiệp chưa kịp tiêu tan thì nỗi lo việc làm đã ập đến. 

Công việc đầu tiên và phải thật nhanh chóng là làm hồ sơ gửi mỗi nơi một bộ. Khi nộp hồ sơ ai cũng được hẹn “Nếu có nhu cầu tuyển giáo viên thì nhà trường/phòng/sở sẽ gọi đến cháu”.

Đừng nói thầy cô biết lương thấp vẫn lao vào mà phải tội! ảnh 2

Rơi nước mắt khi đọc "Ba không trách khi con vào sư phạm"

Lần lượt từng từ “Nếu-có-nhu-cầu” được người nhận hồ sơ nói chậm, nói rõ. Những từ ngữ đó như từng giọt mưa to đùng lần lượt rơi xuống mái tôn dội vào tai cô giáo trẻ đầy sức sống và mơ ước. Cô biết, để được “sẽ gọi đến cháu” là cả một con dốc lớn phải vượt qua.

Không lẽ… xếp bằng xuống đáy hòm!
   
Không nuôi con sao hiểu lòng cha mẹ. Ngày con khoác ba lô về hai tay đưa bố tấm bằng cử nhân sư phạm cũng là ngày bố bắt đầu những đêm khó ngủ. Đi đâu bố cũng chỉ có cái suy nghĩ duy nhất là quen một ai đó để xin việc cho con.
    
Những ngày tiếp theo là biết bao cuộc điện thoại được gọi đi. Bạn bè thân bằng cố hữu, họ hàng nội ngoại,… hễ có manh mối là bố lại gọi. Hàng đêm, ông bố tự nhủ: “Bố sẽ cố gắng xin việc cho con bằng mọi giá…”.
    
Có lẽ tất cả chúng ta đều như vậy. Bao hi sinh, vất vả để có được tấm bằng cử nhân sư phạm không lẽ giờ đây xếp bằng xuống đáy hòm.

Đừng nói như vậy mà phải tội!
    
Bố xin việc cho con bằng mọi giá không phải vì bố hi vọng sau này con “kéo lại” và “lời ra” về kinh tế. Vấn đề là bố muốn tròn trách nhiệm làm cha. Hơn nữa, bố cũng mong con trở thành cô giáo để kiếm tấm chồng cho tử tế.
    
Nhưng rồi, một năm học qua đi, một năm học nữa qua đi. Một số giáo sinh may mắn kí được hợp đồng. Còn số đông… vẫn ở nhà và hồ sơ xin việc lại phải ghi thêm dòng lí lịch bản thân: “Từ năm 201… đến nay: Ra trường, ở nhà sản xuất tại địa phương.”
    
Có một số xin đi làm công nhân, nhưng cũng chỉ là tạm thời vì các giáo sinh đầy nhựa sống ấy vẫn còn bao hi vọng. Và… các ông bố vẫn miệt mài kẹp túi hồ sơ của con vào gói quà đeo lên xe máy, chọn giờ đẹp lên đường… Tất cả vì một lẽ rất đơn giản: “Không lẽ bằng cử nhân sư phạm vứt bỏ đáy hòm!”.

Vậy nên, xin đừng ai nói “Biết lương thấp mà cứ lao vào…” mà phải tội!

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

Tùng Sơn