Tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm, vẫn cứ thất nghiệp

07/12/2012 06:50
Hữu Trung
(GDVN) - Tháng sáu vừa rồi, em ra trường với tấm bằng loại giỏi, nhưng rơi đúng năm tỉnh không tuyển giáo viên. Lòng dạ như lửa đốt. Cả nhà chỉ trông vào dăm sào ruộng, Nụ dù muốn cũng chẳng có việc làm. Em và vài bạn mấy tháng nay bám ở Thành phố Thanh Hóa, dạy kèm, sống qua ngày, chờ cơ hội.
Mấy năm nay sinh viên các trường đại học ra trường không tìm được việc làm ngày càng nhiều. Đứng đầu bảng là ngành sư phạm. Năm 2012 này nhiều tỉnh đã không tuyển thêm giáo viên, khiến cho nỗi lo thất nghiệp của người học ngành này càng nan giải. Ai cũng thấy chọn sư phạm chủ yếu là con nhà nông, người nghèo; đối tượng “chuột chạy cùng sào…”. Không có việc làm, kéo theo sẽ khó trả nợ cho ngân hàng vay để đi học, khiến đôi bên cùng thiệt hại. Câu chuyện của một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp khoa toán, Đại học Hồng Đức giúp bạn đọc rõ hơn nỗi khắc khoải này…

Nhà Nụ có bốn anh em. Bố mất sớm, người mẹ vất vả nuôi bầy con đang tuổi ăn tuổi học. Ở cái làng của Nụ, dân chỉ làm ruộng và ít đồi hoang trồng keo. Cuộc sống khó khăn nên bao nhiêu năm qua, số đi học ở cấp ba ở trong làng chỉ lác đác.
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Ba anh chị của Nụ cố lắm mới hết cấp II, đến em, mẹ và các anh chị quyết tâm cho ra huyện học. Nụ học sáng nhất nhà nên ai cũng hi vọng, đời em rồi sẽ thoát khỏi cảnh bám đuôi trâu.

Tôi là giáo viên chủ nhịêm của em. Suốt ba năm, Nụ thuộc số học khá trong lớp. Ngày làm hồ sơ thi đại học, tôi và đồng nghiệp tư vấn cho em thi kinh tế, tài chính. Thực lòng em rất thích ngành kinh tế nhưng nghĩ đến khi ra trường, lại phải tìm cách lo lót, họ mạc thì không có ai để nhờ, đành thôi. Khi em quyết đi sư phạm, tôi lại khuyên nên chọn Hà Nội hay Vinh để khi ra trường dễ tìm việc ở xa. Nhưng em đi Hồng Đức. Lí do để đỡ tốn tiền đi về. Rồi nữa, học sư phạm đỡ khoản học phí, giúp cho mẹ ít nhiều. Với em, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ nhìn vào mẹ. Mà mẹ chỉ làm ruộng, lại đã già.

Tháng sáu vừa rồi, em ra trường với tấm bằng loại giỏi, nhưng rơi đúng năm tỉnh không tuyển giáo viên. Lòng dạ như lửa đốt. Cả nhà chỉ dăm sào ruộng, Nụ dù muốn cũng chẳng có việc làm. Em và vài bạn mấy tháng nay bám ở Thành phố Thanh Hóa, dạy kèm, sống qua ngày, chờ cơ hội.

Thời buổi “ra ngõ gặp giáo viên”, các nhà trường, mỗi cấp học đều thừa người vì học sinh co nhanh quá. Xã cạnh nhà em, trường cấp II thừa tám giáo viên! Nụ và các bạn thêm sốt vó khi nắm được thông tin, các trường sư phạm vẫn đang đào tạo nhiều dù điểm đầu vào ngày một thấp. Báo chí đăng tải: Năm 2012, dù tỉnh không tuyển mới giáo viên nhưng đại học Hà Tĩnh vẫn cho ra lò một nghìn cử nhân sư phạm! Một ví dụ nghẹt thở về việc đào tạo vênh xa so với nhu cầu thực tế.

Gặp thầy giáo cũ, em cố nén thở dài. Giờ thì Nụ biết mình chọn sai rồi. Có lẽ tấm bằng sư phạm sẽ không còn cơ hội dùng đến. Về quê tìm đâu ra chỗ, dù chỉ dạy hợp đồng? Ở thành phố thì lay lắt chỗ trọ, dạy dỗ phập phù. Con gái có thì. Bao nhiêu là sức ép!

Các bạn của em đánh liều lên tận Lai Châu, vào tít Tây Nguyên, vòng xuống An Giang tìm cơ may nhưng đều hỏng! Đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu: “Không cần!”, “Không có chỉ tiêu!” Đã vài bạn nản chí xin vào Đà Nẵng làm công nhân, chờ phép màu cổ tích!

Làng của em cũng đã có vài người có bằng đại học, nhưng không phải sư phạm. Họ cũng chỉ học trường thường thường nhưng rồi vẫn xoay ổn, tự lo được cuộc sống. Nụ thì có lẽ xôi hỏng bỏng không! Tiền vay ngân hàng hồi đi học, phải gác lại. Em và các bạn mình càng hoang mang: Tưởng chỉ Hồng Đức, hóa ra, các trường khác, bằng giỏi cũng rất nhiều! Mấy năm nay, đầu vào sư phạm chủ yếu bám sàn nhưng điểm số của sinh viên vẫn chót vót. Nói thế để thấy điểm chác bây giờ ở khối sư phạm dễ dãi làm sao!

Người dì họ của em ở Đăk Nông ra chơi, bảo với mẹ: Chuẩn bị dăm chục triệu, chồng dì lo chỗ làm cho. Nhưng phải dạy ở vùng biên giới, ở Tuy Đức hay Đăk Min gì đấy. Dì về rồi, mẹ thần mặt. Dăm triệu thì được, to rứa, đào chỗ mô! Khổ, cả đời chỉ quẩn quanh trong làng, mẹ tưởng xin việc chỉ cần đôi gà trống, ống gạo nếp!

Giọng cô học trò buồn khôn tả rót vào tai tôi. Trời dần nhá nhem, dãy núi Nưa trước mặt đang bị chìm lấp bởi mây chiều. Nụ khẽ thở dài và cho biết: Sẵn sàng đi cả Mường Lát nơi trập trùng đồi núi, heo hút cồn mây, cách nhà ba trăm cây số. “Em lấy anh người Mông cũng được, miễn là có đồng lương!”. Mấy đứa bạn nhắn về: Đi làm công ty cho rồi, chỉ trình mỗi tấm bằng tốt nghiệp THPT, chẳng mất xu nào! Làm công nhân, Nụ chẳng ngại, nhưng lỡ may có cơ hội xin việc, bù đầu trong nhà máy, thì…

Sinh viên thất nghiệp đang là chuyện thường ngày ở huyện. Số đông con nhà không có điều kiện. Buồn thay! Vài năm nay, báo chí, dư luận dội lên rất nhiều về cử nhân ra trường rất khó tìm việc. Riêng thị trấn phố núi nhỏ bé của tôi cũng đã thấy nhiều người tốt nghiệp các trường, bao năm rồi, ứ lại. Đã quá nhiều số dư, cấp có thẩm quyền cần siết mạnh việc đào tạo sư phạm. Học ngành khác, số đông hầu như nghĩ đến làm giàu, tiến thân, sống ở phố. Còn sư phạm, chỉ mơ có lương để sống dù dạy ở nơi khỉ ho cò gáy, cũng không ổn thì có đáng để đau không?

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Hữu Trung