LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Cao, ở bài viết này tác giả đã thẳng thắn chia sẻ những câu chuyện đáng buồn của một số cá nhân đã tự hủy hoại đi danh dự của mình trong xã hội hiện nay.
Đồng thời, tác giả cũng đưa ra lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, đừng vì mờ mắt trước danh lợi mà chà đạp lên nhân phẩm, từ đó đánh mất đi hình ảnh của chính mình.
Xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Những ngày gần đây, chúng ta đã thấy báo chí nói nhiều về một số vụ lùm xùm xung quanh việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen "Giáo sư âm nhạc".
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam dùng 19,8 triệu đồng ngân sách để ký hợp đồng "truyền thông" với một doanh nghiệp nhằm "lăng xê" bản thân trên một số đài, tạp chí phía Bắc để vinh danh "Nhà lãnh đạo xuất sắc năm 2014".
Ông Nguyễn Quyết Thắng được xác định là đã sử dụng kinh phí nhà trường để "mua danh hiệu" tự vinh danh bản thân. (Ảnh trên website Trường cao đẳng nghề Quảng Nam). |
Những câu chuyện na ná như thế này không còn hiếm trong xã hội hiện đại.
Ngược dòng thời gian, chúng ta vẫn còn nhớ chuyện ông Hồ Xuân Mãn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, kê khống thành tích để được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ông Phạm Bá Luyến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) khai man thành tích để được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú...
Những trường hợp như vậy đã dấy lên một nỗi buồn chát đắng khi những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước bị một số cá nhân cơ hội, hám danh làm hoen ố.
Ông cha ta có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” quả thật chí lí.
Có lẽ, ca sĩ Ngọc Sơn cũng chẳng cần danh hiệu “giáo sư âm nhạc” làm gì, bởi từ lâu anh đã có chỗ đứng lòng lòng không ít người hâm mộ âm nhạc nước nhà, cùng nhiều đóng góp trong công tác từ thiện.
Vậy mà, chỉ một cái Bằng khen mà tự khai mình là “giáo sư âm nhạc” rồi tự làm mất đi hình ảnh của mình trước người hâm mộ.
Có lẽ, anh không thể biết muốn được phong học hàm giáo sư phải tuân theo những quy định ngặt nghèo như thế nào.
Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú |
2 văn bản này đã quy định rõ:
"Người muốn trở thành Giáo sư phải có cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp khoa học, đào tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn của nhà giáo nói chung, phải có đủ thâm niên giảng dạy, có bằng Tiến sĩ và đã được bổ nhiệm phó giáo sư từ 3 năm trở lên;
Có đủ số điểm công trình khoa học đã công bố, đã đào tạo được ít nhất 2 Tiến sĩ, đã biên soạn sách phục vụ đào tạo, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh..., và đạt đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng chức danh các cấp.
Đối với các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành Nghệ thuật nơi chưa tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ, thì yêu cầu đào tạo ít nhất 2 Tiến sĩ có thể được xem xét và thay thế bằng các công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc nước ngoài của cá nhân, hoặc có sinh viên do ứng viên giáo sư trực tiếp hướng dẫn chính được giải thưởng cao ở trong và ngoài nước về thành tích nghiên cứu và học tập”.
Trường hợp ông Nguyễn Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam - một người thầy, một người lãnh đạo đang công tác trong ngành giáo dục thì có nhất thiết phải là “Nhà lãnh đạo xuất sắc” không?
Người ta xuất sắc vì những cống hiến, còn ông đã “xuất sắc” bằng cách lấy tiền ngân sách để “mua danh” cho mình thì có gì để mà vinh dự?
Đối với ông Hồ Xuân Mãn trước đây cũng vậy, nếu không có chuyện lùm xùm về việc được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thì có lẽ ông đã đang an nhàn, vui thú điền viên cùng con cháu sau những tháng năm cống hiến cho cách mạng, cho Thừa Thiên - Huế.
Sau hai khóa làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, rõ ràng ông đã được nhiều người kính trọng, ghi nhận công lao bởi những gì ông đã cống hiến cho địa phương, cho sự nghiệp chung của Đảng, đặc biệt là đối với nhân dân, đảng bộ Thừa Thiên- Huế.
Còn đối với trường hợp ông Phạm Bá Luyến, đang là một nhà giáo - một Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, được nhiều người kính trọng, cảm phục.
Là người đứng đầu ngành giáo dục của một huyện, đáng lẽ ra, ông sẽ hiểu hơn ai hết về thiên chức của người thầy, về đạo đức của một nhà giáo?
Một Hiệu trưởng dùng ngân sách “mua danh hiệu” tự vinh danh bản thân |
Vậy mà ông đã tự giẫm đạp lên chính nhân cách của mình để nhận lấy một danh hiệu mà đáng lẽ mình chưa đủ tiêu chuẩn được nhận.
Đáng tiếc, ông Luyến là một nhà giáo đã có trên 30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm đã tiên phong trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc miền núi.
Ông được đồng nghiệp yêu quý, cấp trên tin tưởng và bao nhiêu thế hệ học trò cảm mến…
Nhưng tất cả đã đổ xuống sông, xuống biển khi cuối đời lại chuốc lấy sự khinh miệt, bỉ báng của người đời.
Kết cục, ông Luyến bị cách hết các chức vụ trong Đảng, bị thu hồi danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Có người nói: “dân mình tinh lắm”.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra huống gì ca sĩ Ngọc Sơn, ông Thắng, ông Luyến… đã sống và công tác trong lòng người hâm mộ, bên cạnh đồng chí, đồng nghiệp hàng mấy chục năm.
Đường tơ kẽ tóc như thế nào thì mọi người đều đã rõ. Người này sợ, hoặc nể không nói nhưng người khác sẽ nói, sẽ tố cáo… Các “danh hiệu” đã và sẽ bị thu hồi vì những người đó không xứng đáng được nhận.
Đây thực sự là bài học quý cho những ai còn mờ mắt trước danh lợi mà chà đạp lên nhân phẩm của chính mình, làm giảm uy tín của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, người hâm mộ cả nước.
Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước. Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước. Trân trọng cảm ơn! |