Nhân ngày Nhà giáo, Giáo sư nói về "điều lớn nhất" của ngành giáo dục

20/11/2014 07:59
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), hãy cùng nghe GS.TSKH Vũ Minh Giang trải lòng về những căn bệnh của ngành giáo dục.

Là nhà giáo ưu tú, nhà khoa học đầu ngành có uy tín cao và tầm ảnh hưởng lớn ở trong và ngoài nước, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội luôn có khát khao cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS.TSKH Vũ Minh Giang đã có những phút trải lòng với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về những trăn trở của ông với nghề cũng như định hướng phát triển của ngành giáo dục ở ta.

Trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần 2 hôm 15/11, vẫn còn một loạt các Bộ trưởng có số "phiếu tín nhiệm thấp" ở mức cao trong đó có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với 149 phiếu (năm trước là 177). Ông có thấy buồn vì điều này không và ông có thấy điều đó phản ánh đúng thực tế?

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)

Điều đó phản ánh đúng thực tế tới mức độ nào thì khó nói, nhưng tôi luôn tin vào đánh giá của các đại biểu quốc hội bởi họ phản ánh như thế là có lý của họ.

Thế nhưng, không thể nhập nền giáo dục với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thành một. Theo tôi, quy tất cả trách nhiệm vào một mình bộ trưởng là không đúng, nhưng rõ ràng số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao phản ánh: hoặc lĩnh vực mà vị bộ trưởng đó phụ trách còn nhiều vấn đề khiến xã hội chưa hài lòng, hoặc vai trò của vị bộ trưởng đó còn mờ nhạt, họ chưa thể hiện được gì, chưa có dấu ấn riêng.

Công bằng mà nói, có những vị bộ trưởng không để lại bức xúc gì nhiều, nhưng số phiếu tín nhiệm cao cũng không cao. Rất tiếc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại không thuộc số đó.

Trong thời gian qua, y tế và giáo dục – 2 lĩnh vực cực kỳ quan trọng liên quan sát sườn tới vấn đề trọng đại là con người – dù giải thích thế nào cũng phải thừa nhận là chúng còn quá nhiều vấn đề. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó ngoài những lý do khách quan còn có những lý do chủ quan như năng lực điều hành, quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh của lãnh đạo ngành chưa đem lại sự yên tâm cho toàn xã hội.

Thậm chí, đôi khi họ còn có những hành động phản cảm, tạo dư luận xấu. Chắc chắn các đại biểu quốc hội còn có nhiều kênh thông tin khác ngoài các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm bắt tình hình thực tế. Do vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng họ có lý do để đưa ra kết quả như vậy.

Theo ông, vấn đề lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay là gì?

Học sinh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tri ân thầy cô nhân dịp 20/11
Học sinh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tri ân thầy cô nhân dịp 20/11

Khi ta có chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, tôi có cảm giác những người có trách nhiệm trong việc này chưa tìm ra căn nguyên, mặt hạn chế để đưa ra các giải pháp trị liệu. Các đề án họ đưa ra đều rất phức tạp, rắc rối. Tôi cho rằng lãnh đạo ngành cần giản lược chúng đi để có được sự khởi đầu mới trúng, chuẩn hơn.

Cụ thể, tôi không nghĩ chúng ta nên bắt đầu bằng việc đổi mới hình thức thi cử. Chúng ta nên xem xét lại triết lý giáo dục. Việt Nam đã dừng lại quá lâu ở hình thức giáo dục tiếp cận nội dung tức là dạy kiến thức cụ thể. Điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy như quá tải chương trình, tình trạng học thêm tràn lan, thi cử quay cóp…

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, mỗi ngày có biết bao tri thức mới, nếu chúng ta không biết chọn ra những tri thức căn bản tối thiểu sau đó dạy người ta phương pháp, cách tư duy, xử lý thông tin trên mạng thì cần bao nhiêu cuốn sách giáo khoa cho đủ?

Trên cơ sở triết lý giáo dục được thay đổi, chúng ta mới bắt đầu soạn thảo chương trình học, sách giáo khoa sao cho phù hợp chứ giờ mà bắt đầu từ việc đổi mới sách giáo khoa hay thay đổi trong thi cử luôn, tôi e rằng chưa đúng. Giờ người ta học một đằng, Bộ lại ra hình thức thi mới thì chắc gì học sinh đã làm được?

Tóm lại, theo tôi chúng ta nên chuyển mạnh từ nền giáo dục tiếp cận nội dung sang nền giáo dục trọng phương pháp, kỹ năng, dạy cho người ta cách học suốt đời.

Vậy các thầy cô giáo nên làm gì để góp sức thực hiện được những lời hứa mà lãnh đạo ngành giáo dục đã đặt ra thưa ông?

Nếu chỉ cố gắng để thực hiện lời hứa mà lãnh đạo ngành đã đặt ra, tôi nghĩ việc đó giống như một công chức làm nghề giáo đang cố gắng hoàn thành nghĩa vụ.

Với tôi, người thầy, nghề giáo nói chung có 2 điều thiêng liêng nhất phải có đó là tâm huyết với nghiệp làm thầy làm cô của mình và phải quan tâm tới chuyện mình là thế nào trong mắt các học trò. Nếu ai cũng tâm niệm điều đó, chắc chắn ngành giáo dục sẽ có thay đổi nhiều lắm.

Các thầy cô đều hiểu học trò của mình cần cái gì, đôi khi họ hiểu học trò của mình hơn cả những nhà quản lý của ngành. Nếu có tâm huyết, họ sẽ có những hiến kế, đề xuất hay cho ngành. Còn nếu quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt học trò, họ sẽ biết tự sửa mình để làm thầy cho đáng làm thầy.

Muốn thực hiện lời hứa của tư lệnh ngành, cần một chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và cái chính là ở ý thức của mỗi người thầy chứ không thể chỉ dựa vào việc hô hào.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN