Ngày 7/9, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hội nghị bàn về việc “triển khai xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên”.
Làm thế nào nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên?
Theo đại diện, Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì có một thực tế là số lượng giảng viên tại các trường đại học thời gian qua có tăng nhưng chất lượng lại không tăng.
Nhiều ý kiến tán thành việc xây dựng chuẩn tối thiểu năng lực giảng viên. Ảnh: TT |
Nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, không có công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin còn rất hạn chế.
Tại Đại học Đà Nẵng, hiện có tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động là 2.348 người, trong đó có 1.459 giảng viên (chiếm 62,14%). Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ chỉ chiếm 26,94%, trình độ Thạc sĩ 63% (so với tổng số giảng viên).
Giảng viên đi du học nước ngoài rồi... một đi chẳng hẹn ngày về! |
Chỉ có trên 50% giảng viên có thể sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy. Đây là một tỷ lệ còn khá khiêm tốn đối với một trường Đại học Vùng.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập – Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: “Về năng lực chuyên môn thì giảng viên của chúng ta thì không có vấn đề gì. Nhưng về chuyên môn nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thông tin thì chưa được phát huy, còn nhiều hạn chế”.
Cũng theo ông Thập, thực tế chương trình đào tạo hiện nay ở bậc đại học vẫn còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn. Bởi vậy, kiến thức thực tế của giảng viên vẫn còn ít.
“Giảng viên muốn dạy về tiếp thị thì ít nhất cũng phải đi thực tế, hiểu về nghề, muốn giảng về cách phục vụ trong khách sạn nhà hàng thì phải xuống nhà hàng tìm hiểu… Phải bắt đầu từ cơ sở, từ thực tiễn thì mới nâng cao được chất lượng”, ông Thập nói thêm.
Tiến sĩ Võ Châu Tuấn - Trưởng khoa Sinh môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) góp ý, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học.
“Giảng viên cần được hỗ trợ kinh phí để đi thực tế nhiều hơn, tham quan các mô hình ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi được cử đi thì phải có sự cam kết triển khai ứng dụng một phần những điều đã học vào giảng dạy”.
“Nhà nước cần ban hành những chính sách thu hút nhân tài. Họ có đi 2-3 năm rồi cũng trở về phục vụ. Rồi cần có những chính sách đặc biệt khen thưởng cho giảng viên: về khoa học công nghệ, thưởng về các công trình…
Có những chính sách đãi ngộ, đặc biệt là cán bộ được đào tạo từ nước ngoài về. Lúc đó, chúng ta sẽ có đội ngũ chất lượng cao, ổn định hơn”, một giảng viên Đại học Đà Nẵng kiến nghị.
Một giảng viên khác cũng thừa nhận, khi việc dạy đại học không còn là “miền đất hứa” của những nhân tài.
“Trước đây, mỗi đợt tuyển dụng thì nhận được cả ngàn hồ sơ, còn giờ thì rất ít. Lý do là vì các em đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đi học nước ngoài rồi.
Giờ về làm việc, nhận lương vài triệu đồng thì làm sao thu hút và giữ chân được các em? Do đó, trong Đề án phải làm sao có phương án để đào tạo rồi nhưng còn thu hút và giữ chân giảng viên”, vị này cho hay.
Cần xây dựng chuẩn tối thiểu năng lực giảng viên
Ông Thập phân tích, đối với đội ngũ giảng viên, muốn nâng cao năng lực giảng dạy thì chúng ta phải căn cứ vào đâu?
Thực tế hiện nay, giáo viên phổ thông đã có chuẩn, còn đối với giảng viên sư phạm thì đang xây dựng chuẩn sư phạm nhưng riêng đội ngũ giảng viên trường đại học khác thì chưa có chuẩn nào cả.
Chúng ta thiếu thân thiện, lạc hậu nên giảng viên ra đi là không về nữa? |
“Bộ cũng chưa ban hành chuẩn đối với giảng viên. Tại các trường thì có trường có, trường không. Và như vậy, chúng ta chưa có căn cứ nào để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Mà chúng ta đi mò mẫm qua một số giải pháp”.
Ông Thập nói thêm, hiện ban soạn thảo Đề án đang xem xét có cần thiết Bộ Giáo dục phải đưa ra một khung tối thiểu năng lực đội ngũ giảng viên. Để các trường căn cứ vào đấy mà mỗi một trường lại xây dựng cho mình một khung năng lực riêng, thậm chí từng khoa, ngành lại có tiêu chí riêng.
“Giống như trường hợp Phó Giáo sư, Giáo sư cũng có chuẩn tối thiểu. Và sau đó giao cho các trường nâng lên một số tiêu chuẩn. Vấn đề là có cần gợi ý ra một khung tối thiểu cho năng lực giảng viên không? Từ đó, để đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng của giảng viên”, ông Thập gợi ý.
Phương án xây dựng chuẩn năng lực giảng viên đã nhận được nhiều ý kiến tán thành. “Năng lực giảng viên của từng ngành, từng bộ môn có thể khác nhau nhưng cần phải có một tiêu chuẩn nào đó. Nó phải tương đối, phải hội nhập.
Chứ không thể lấy chuẩn của trường này để áp vào trường khác. Cũng như không thể lấy chuẩn của ngành này để áp cho ngành khác. Chúng ta cần phải tìm được tiếng nói chung mà ai cũng có thể chấp nhận được”, đại diện Đại học Đà Nẵng góp ý.