LTS: Giảng viên các trường đại học được cử đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách hoặc chương trình liên kết đào tạo nhưng tự phá vỡ cam kết, ở lại định cư nước ngoài.
Nhiều trường hợp học xong trở về lại xin nghỉ việc để chuyển sang cơ quan khác khiến nhà trường thiếu hụt nguồn nhân lực.
Nếu như các “nhân tài” thuộc đề án 922 (Đà Nẵng) đi học không trở về bị chính quyền khởi kiện đòi bồi hoàn chi phí thì việc khởi kiện các giảng viên tại các trường Đại học gặp rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ có loạt bài phản ánh, phân tích thực trạng trên.
Nhận tiền tỷ đi học
Mới đây, dư luận xôn xao về việc Đại học Cần Thơ khởi kiện bà VTN. (nguyên giảng viên của trường) để yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo là gần 600 triệu đồng.
Trước đó, bà N. được cử đi học tiến sĩ tại Nhật Bản với nguồn kinh phí do nhà trường chu cấp.
Sau khi hoàn thành khóa học, bà N. trở về trường tiếp tục làm công tác giảng dạy. Tiếp đó, bà N. xin tham gia khóa đào tạo nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nhưng không được chấp nhận nên xin nghỉ việc.
Số lượng cán bộ, giảng viên được cử đi học nước ngoài rồi không trở về của Đại học Đà Nẵng vẫn được đánh giá là ít hơn so với một Trường đại học khác. Ảnh: An Nguyên |
Do đó, phía Đại học Cần Thơ khởi kiện nữ tiến sĩ này ra tòa (sau đó, nhà trường đã rút đơn kiện).
Vụ việc nói trên không phải là hiếm mà nó đang xảy ra tại nhiều trường đại học trên cả nước.
Nhân tài một đi không trở lại, chính quyền khởi kiện |
Thực trạng “giảng viên được cử đi học rồi tự phá vỡ hợp đồng, không trở về nước hoặc bỏ việc giữa chừng” gây khó khăn, tốn kém cho nhà trường đang làm “đau đầu” các nhà quản lý.
Tại Đại học Đà Nẵng, nhiều giảng viên được cử đi nước ngoài học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ với kinh phí cả tỷ đồng để trở về phục vụ công tác giảng dạy nhưng cũng “biệt tăm”.
Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2016, Đại học Đà Nẵng đã gửi đi nước ngoài học tập gần 600 cán bộ, giảng viên.
Trong đó, phần lớn nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành khóa học đều trở về nhận công tác, phát huy tốt năng lực của mình.
Theo một cán bộ Đại học Đà Nẵng, thời gian qua, có 25 cán bộ, giảng viên của các trường thành viên (thuộc Đại học Đà Nẵng) đã tự ý phá vỡ hợp đồng, không trở về nhận nhiệm vụ theo quy định.
Số giảng viên không trở về chủ yếu là đối tượng du học theo học bổng nước ngoài (gồm cả học bổng của các Giáo sư), còn lại số ít là học viên của đề án 911 và 322.
Trong quá trình được cử đi học, học viên vẫn được hưởng 40% lương cùng các chế độ khác như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... do nhà trường chi trả.
Đối với các giảng viên đi học theo học bổng giáo sư thì toàn bộ số tiền ăn ở, kinh phí đi lại do vị giáo sư này tài trợ (nhà nước vẫn chi 40% lương trong thời gian đi học).
Còn học viên theo đề án 911 và 922 thì đều lấy các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước đài thọ.
Việc các giảng viên đi học xong không trở về khiến ngân sách bị thiệt hàng tỷ đồng, nhà trường phải tìm kiếm, bổ sung nguồn cán bộ giảng dạy thay thế.
Giảng viên tự phá cam kết, định cư ở nước ngoài
Theo tìm hiểu, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học thì ở lại nước ngoài tìm kiếm việc làm với mức thu nhập và môi trường công việc tốt hơn.
Một số khác thì lấy lý do lập gia đình hoặc xin đi học tiếp để không trở về “thực hiện nghĩa vụ”.
Nhân tài nhận tiền tỷ du học rồi...vỗ cánh bay, một đi không hẹn ngày về |
Cụ thể như trường hợp bà NKT. (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) được cử đi học tại Trường Đại học Paris-Est (Pháp) theo đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước từ cuối năm 2011 đến 2015.
Hết thời gian học tập, mặc dù Đại học Đà Nẵng đã ba lần phát thông báo yêu cầu bà T. về nước để nhận công tác theo yêu cầu của nhà trường. Tuy nhiên, bà T. không thực hiện cũng như không có “hồi âm” gì với nhà trường.
Tương tự, ông PCD. (giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng), được trường cử đi đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Robot tại Na Uy từ tháng 2/2012 đến tháng 1/2015.
Theo quy định thì sau khi tốt nghiệp, ông D. phải quay trở về làm việc tại Trường. Tuy nhiên, đã quá hạn nêu trên mà ông D. vẫn không về.
Đại học Đà Nẵng đã nhiều lần thông báo yêu cầu ông N. về nước thực hiện theo đúng cam kết nhưng không thành công.
Sau đó, nhà trường buộc phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng.
Một trường hợp khác là bà NHAP. (giảng viên Đại học kinh tế Đà Nẵng) được cử đi đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Chung – Ang (Hàn Quốc) từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2013.
Hết thời hạn học tập tại nước ngoài nhưng bà P. vẫn chưa về nước, báo cáo kết quả học tập và nộp các giấy tờ liên quan cho Đại học Đà Nẵng.
Đại học Đà Nẵng cũng đã ba lần ra công văn thông báo về việc “viên chức đi học nước ngoài quá thời gian theo quy đinh” nhưng vẫn không có kết quả.
Sau đó, bà P. đã có đơn xin phép ở lại Hàn Quốc để học tiếp lên Tiến sĩ, đồng thời bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo theo quy định.
“Nhiều trường hợp giảng viên hợp thức hóa gia đình (lấy vợ hoặc lấy chồng) ở nước ngoài rồi lấy cớ này xin nghỉ dạy.
Còn một số khác thì do không hoàn thành nghiên cứu sinh nên xin nghỉ, ở lại bên đó tìm việc làm khác” PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.
Cũng theo thầy Dưỡng, có một số ít sau khi qua Anh học lên Tiến sĩ rồi tìm đường sang Mỹ định cư.
“Một số ít trường hợp đã qua bên kia định cư rồi nhưng vẫn trở về thực hiện cam kết bồi hoàn chi phí 40%” thầy Dưỡng nói.