Mới đây, Đại học Đà Nẵng đã có cuộc họp rà soát cán bộ, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Trong đó, đưa ra nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý, ngăn ngừa tình trạng giảng viên tự ý phá vỡ cam kết ban đầu.
Báo cáo tiến độ học tập 6 tháng/lần
Rút kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong vấn đề đào tạo, sử dụng “nhân tài” (học viên đề án 922 tự phá vỡ hợp đồng mà Báo điện tử giáo dục Việt Nam đã phản ánh), nhiều trường Đại học đã điều chỉnh lại các quy định mang tính ràng buộc, vững chắc hơn trước khi cử giảng viên đi học nước ngoài.
Thông báo của Đại học Đà Nẵng về rà soát cán bộ, giảng viên được cử đi học trong và ngoài nước. Ảnh: An Nguyên |
Theo quyết định mới đây của Đại học Đà Nẵng, đối với cán bộ viên chức đi học nước ngoài đã có thông báo quá hạn lần thứ 2 của cấp có thẩm quyền, các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ tạm dừng việc chi trả các khoản về lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội và thông báo cho học viên biết.
Trường hợp cán bộ, viên chức tiếp tục có thông báo quá hạn lần thứ 3, các Trường tiến hành xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo quy định.
Giảng viên du học bằng ngân sách không về, ta mất cả người lẫn của(GDVN) - Không những khó đòi các giảng viên vi phạm bồi hoàn kinh phí mà các Trường Đại học còn phải “đau đầu” bổ sung nguồn nhân lực thay thế. |
“Đối với cán bộ, viên chức đi học nước ngoài theo diện học bổng ngân sách nhà nước hoặc hiệp định khi thời hạn thông báo quá hạn lần thứ 2 của cấp có thẩm quyền đã hết, Ban tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các Trường và đề nghị Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) hoặc đơn vị có liên quan thông báo các khoản chi phí đã cấp cho học viên để Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên làm cơ sở tiến hành xét bồi hoàn chi phí đào tạo” (thông báo nêu rõ).
Cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước phải có nghĩa vụ báo cáo tiến độ học tập bằng văn bản 6 tháng/lần, báo cáo phải có xác nhận của giáo sư hướng dẫn hoặc của cơ sở đào tạo phía bạn.
Đối với cán bộ, viên chức không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn chi phí.
Chi phí bồi hoàn gồm các khoản về học bổng, lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội... Hội đồng xét bồi hoàn chi phí của các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ số tiền đã chi trả và bản cam kết để quyết định mức bồi hoàn chi phí.
Ban tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học xây dựng quy định chi tiết về việc quản lý, báo cáo kết quả học tập... của cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Từ năm 2017 trở về sau, không bình xét thi đua, nâng bậc lương, chế độ, chính sách, phân loại mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên cho cán bộ, viên chức không thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, trong vòng 12 tháng bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Cục khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT) thẩm định (không dành cho bằng cấp đi học theo diện ngân sách nhà nước, hiệp định).
Ngoài ra, trường hợp giảng viên đã tốt nghiệp nhưng không phục vụ đủ thời gian làm việc theo quy định cũng phải bồi hoàn chi phí.
Trong thời hạn không quá 9 tháng kể từ ngày nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo, nếu trường cử nghiên cứu sinh đi học không tiếp nhận trở lại làm việc hoặc không tuyển dụng chính thức làm giảng viên và phân công công việc cho nghiên cứu sinh thì người này không phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Kết nối nhà trường và giảng viên du học
Theo PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, trước khi đi học, giảng viên phải viết cam kết quay trở về phục vụ nhà trường 5 năm.
Nếu không thực hiện đúng theo cam kết thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí theo quy định của nhà nước.
Giảng viên đi du học nước ngoài rồi... một đi chẳng hẹn ngày về!(GDVN) - Giảng viên nhận tiền tỷ đi học rồi tự phá vỡ cam kết ban đầu để định cư ở nước ngoài hoặc chuyển sang đơn vị khác khiến nhiều Trường đại học "đau đầu" xử lý. |
Phương án bồi thường được tính bằng tổng chi phí mà nhà nước bỏ ra bao gồm: 40% lương hàng tháng + các khoản bảo hiểm xã hội + chi phí phát sinh khác… Nếu đi theo đề án 322 hay 911 thì buộc trả lại 100% kinh phí đã nhận.
“Đối với các học viên đi bằng nguồn kinh phí của các suất học bổng nước ngoài hay chương trình liên kết đào tạo (với Đại học Đà Nẵng) thì không thể thu hồi”.
Thầy Dưỡng giải thích thêm, ở đây, các suất học bổng này không phải dành cho cá nhân mà phải có xác nhận của Đại học Đà Nẵng rằng cá nhân đó là giảng viên của nhà trường.
Đáng lẽ, Trường sẽ thu hồi khoản kinh phí (học bổng) đó về nhưng do không nắm rõ nguồn kinh phí các tổ chức nước ngoài chi ra một năm là bao nhiêu nên khó thu hồi. Hơn nữa, cũng không biết căn cứ điều Luật nào để thu.
Cũng theo thầy Dưỡng, hiện Đại học Đà Nẵng đã siết chặt khâu quản lý giảng viên đi học nước ngoài để tránh trường hợp tự ý phá vỡ hợp đồng.
Theo đó, cứ 6 tháng, học viên phải có báo cáo kết quả học tập một lần. Qua đó, Trường, Khoa sẽ nắm được tiến độ của nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, những hướng đi trong nghiên cứu khoa học của học viên sẽ được chuyển tải về trường. Nhà trường có thể sử dụng các nghiên cứu này hoặc góp ý xây dựng nghiên cứu này.
“Còn như trước đây, nếu cử học viên đi học 4 năm thì gần như là 'mất liên lạc' 4 năm. Đến ngày về thì cũng không biết học viên đó như thế nào? Nghiên cứu học tập ra sao?
Nếu như 12 tháng mà học viên không có báo cáo thì Trường đã làm thông báo rồi, không để quá lâu” thầy Dưỡng nói thêm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cho rằng, đối với các học viên đang học tập ở nước ngoài thì phải tăng cường kết nối với nhà trường.
“Mỗi năm, học viên phải gửi kết quả học tập về để đánh giá chất lượng lao động trong năm.
Các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên phải được công bố đứng tên học viên đó (tác giả) và tên trường (nơi đang công tác). Nhà trường sẽ xem đó như là một kết quả học tập” thầy Trang nói.