Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình

11/09/2017 07:10
Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng
(GDVN) - Những gì học sinh Việt Nam học được từ chương trình và sách giáo khoa hiện hành không phải là nhiều, nếu không muốn nói là ít so với nhiều nước.

LTS: Ngày 3 tháng 9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Những yêu cầu vô lý, bất khả thi với người biên soạn sách giáo khoa mới” của thầy Nguyễn Trọng Bình, nêu ý kiến trao đổi về 2 bài viết trước đó của Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 

Qua bài viết, Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng cho rằng còn một số vấn đề mà thầy Nguyễn Trọng Bình chưa hiểu đúng, do đó ông đã có bài viết trao đổi lại với thầy Bình. 

Tòa soạn mời quý bạn đọc theo dõi và trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. 

Trước hết cho phép tôi cảm ơn thầy Bình đã đọc kỹ bài viết và dành thời gian trao đổi. 

Bài của tôi gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vốn có nhan đề là “Biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp: từ góc độ môn Ngữ văn”.
 
Bài viết có hai nội dung chính: 

1) Đề xuất cấu trúc sách giáo khoa Ngữ văn mới nhằm “thi công” chương trình theo mô hình phát triển năng lực; 

2) Phân tích các khả năng tích hợp liên môn, nhìn từ góc độ môn Ngữ văn.

Trong nội dung thứ hai này, bài viết tập trung chủ yếu vào khả năng tích hợp liên môn giữa môn Ngữ văn với một số môn học khác thông qua năng lực giao tiếp – một trong những năng lực cốt lõi và cũng là năng lực chung trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Có lẽ do bài hơi dài nên Ban biên tập chia thành hai bài và đặt hai nhan đề riêng: “Tiết lộ cấu trúc sách giáo khoa môn Ngữ văn trong chương trình mới” và “Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa”. 

Cả hai nhan đề đều được đặt theo cách riêng của tờ báo.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Tôi thấy, các ý kiến trao đổi của thầy Nguyễn Trọng Bình chỉ tập trung vào bài thứ hai.  Tác giả trích lại một số đoạn trong bài và đặt vấn đề:

1) Nếu sách giáo khoa được viết theo yêu cầu và quan điểm như vậy thì làm sao “giảm tải kiến thức” cho học sinh phổ thông và bằng cách nào giúp học sinh đạt được “5 phẩm chất và 10 năng lực” đặt ra trong mục tiêu của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này. 

2) Dẫn chứng bài thơ “Bơi vào đi” và tấm ảnh chụp những người lính ở Trường Sa với hai chú chó “rất không phổ biến”.

Bài thơ không có tính nghệ thuật cao và cách phân tích chưa đúng với cách tiếp cận đặc trưng của văn học.

Về vấn đề thứ nhất, xin nói rõ hơn về quan điểm “giảm tải kiến thức” trong xây dựng chương trình mới. 

“Giảm tải” chỉ có nghĩa là cắt giảm những kiến thức chưa thực sự cần thiết đối với học sinh phổ thông và sắp xếp lại các kiến thức một cách hợp lý hơn để dạy học được hiệu quả. 

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình ảnh 2

Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa

Tuy nhiên, chương trình mới vẫn có thể phải đưa thêm những kiến thức khác nếu đó là những kiến thức thực sự cần thiết theo yêu cầu giáo dục mới và cách tiếp cận mới. 

Những gì học sinh Việt Nam học được từ chương trình và sách giáo khoa hiện hành không phải là nhiều, nếu không muốn nói là ít so với nhiều nước. 

Vấn đề nằm ở chỗ kiến thức đưa vào nhà trường chưa hợp lý vì vậy tạo ra “quá tải”.

Những đề xuất của tôi không liên quan nhiều đến việc bổ sung kiến thức. Về căn bản vẫn là chừng ấy kiến thức, nhưng thay vì “môn nào biết môn ấy”, khi thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa, cần tính đến khả năng kết nối giữa các môn. 

Trong sách giáo khoa mới của môn Tiếng Việt ở tiểu học và Ngữ văn ở trung học, tỉ lệ các văn bản thông tin sẽ tăng lên tuy văn bản văn học vẫn chiếm vị trí chủ đạo. 

Trong số các văn bản thông tin sẽ có những văn bản về các đề tài thuộc các lĩnh vực khoa học. Một mặt, học sinh phải có kiến thức nền về khoa học để đọc hiểu. 

Mặt khác, việc đọc những văn bản kiểu đó sẽ giúp học sinh học tốt hơn các môn khoa học.

Yêu cầu này tạo thêm gánh nặng cho người xây dựng chương trình và tác giả sách giáo khoa, nhưng rất có lợi cho học sinh. Giáo viên cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị.

Bài viết của tôi không có ý nói rằng, tác giả sách giáo khoa PHẢI lựa chọn những tác phẩm văn học có những nhân vật, sự kiện, tình huống liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi quan tâm của các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 

Nhưng nếu có học những tác phẩm như vậy thì học sinh cần huy động kiến thức về khoa học để đọc hiểu tác phẩm tốt hơn, có thể lấy ví dụ từ tác phẩm nổi tiếng mà ai cũng biết như "Romeo và Juliet" của Shakespeare đến tác phẩm ít người biết hơn như "Trò chơi nguy hiểm nhất" (The Most Dangerous Game) của Richard Connell. 

Những hiểu biết về tâm lý lứa tuổi hay về thế giới loài vật sẽ giúp học sinh hiểu thấu đáo hơn các nhân vật và sự việc trong tác phẩm. 

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình ảnh 3

Tại sao một số tỉnh tha thiết xin lùi triển khai chương trình phổ thông mới?

Đó là những kiến thức liên hệ, mở rộng, cần thiết và hữu ích, không gây quá tải cho giờ học. 

Việc chú trọng giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp trong tất cả các môn học,  kể cả các môn khoa học, là một định hướng quan trọng của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. 

Lâu nay, với các môn khoa học, nhà trường Việt Nam chỉ chú trọng dạy kiến thức và một phần nào đó kỹ năng của môn học như kỹ năng quan sát, nêu vấn đề, thực hiện các thí nghiệm,…
 
Nhưng nếu học sinh không nắm vững thuật ngữ, không có kỹ năng đọc văn bản khoa học và biểu đạt ý tưởng và thông tin theo đặc trưng của từng môn khoa học thì việc học sẽ không hiệu quả. 

Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới của các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở trung học phổ thông đều chú ý khắc phục tình trạng này. 

Vừa qua, một giáo sư Toán học đã gửi e-mail cho Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đề nghị môn Ngữ văn quan tâm dạy từ Hán Việt để học sinh hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ như đại số, tích phân, vi phân,… 

Hướng tiếp cận này không làm tăng nhiều kiến thức nhưng giúp tăng cường khả năng ứng dụng những kiến thức đã học trong môn học này vào môn học khác và vào thực tiễn đời sống.

Bài của tôi bàn về biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp nhìn từ góc độ môn Ngữ văn, nên tập trung phân tích về khả năng phát triển năng lực giao tiếp, một trong những năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Vì vậy, yêu cầu của thầy Bình làm rõ quan điểm, cách thức giúp học sinh đạt được “5 phẩm chất và 10 năng lực” là vấn đề quá lớn, một đòi hỏi “vô lý, bất khả thi” với bài viết này.

Về vấn đề thứ hai, sự “gặp gỡ” giữa bài thơ “Bơi vào đi” và bức ảnh chụp những người lính ở Trường Sa và hai chú chó, quả đúng là một trường hợp hiếm có. 

Nếu xét về chất lượng nghệ thuật của một bài thơ thì có thể “Bơi vào đi” chưa đạt được mức có thể đưa vào dạy học.

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình ảnh 4

Tổng chủ biên khẳng định không có sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm

Bài thơ không đặc sắc nhưng rất thú vị khi nó được gợi cảm hứng từ tấm ảnh. 

Điều quan trọng là dẫn chứng của tôi là “người thật, việc thật”.

Nội dung bài thơ và nhiều chi tiết trong bức ảnh rất đẹp và gây nhiều xúc động, ít nhất là đối với tôi, phù hợp để nói về văn bản đa phương thức. 

Thực tế, khi biên soạn sách giáo khoa, tác giả có thể chọn được những dẫn chứng phù hợp hơn, đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn hơn đối với một văn bản trong sách giáo khoa. 

Chọn được những dẫn chứng “đắt giá” về khả năng tích hợp như vậy không phải quá khó, nhưng đòi hỏi nhiều thời gian.

Thầy Bình có dẫn lại quan điểm của Giáo sư Trần Đình Sử về dạy học Văn học trong nhà trường. Tôi nhất trí với quan điểm đó. 

Quan điểm của tôi về dạy học Ngữ văn theo định hướng chương trình mới được thể hiện khá đầy đủ qua một tham luận khá dài tại một hội thảo năm 2014 “Phác thảo chương trình Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực” [3]. 

Nhưng bài viết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của tôi không nói về vấn đề dạy thơ theo chương trình mới như thế nào. 

Nếu tôi đề cập đến “cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ (hình thức nghệ thuật, tính thẩm mỹ…) ở góc độ ngôn từ nghệ thuật” như yêu cầu của thầy Bình thì hóa ra tôi lạc đề.

Vì bài viết bàn về “Biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp: từ góc độ môn Ngữ văn”. 

Những yêu cầu mà tôi đặt ra được đúc rút từ kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa của Mỹ, Australia, Anh,…. 

Đối với các tác giả Việt Nam thì đây là một thách thức lớn, nhưng không phải là “vô lý và bất khả thi”. 

Tài liệu tham khảo:    

 [1]. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-giao-su--chuyen-gia-chuong-trinh-moi-bay-cach-viet-sach-giao-khoa-post179226.gd

[2]. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-yeu-cau-vo-ly-bat-kha-thi-cho-nguoi-viet-sach-giao-khoa-moi-post179295.gd

[3].http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=17093%3A2014-09-23-08-22-17&catid=4188%3Avn--vn-hc&Itemid=7197&lang=fr&site=30

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng