Ở nơi này, chúng tôi không có lạm thu mà sống hết mình vì học sinh thân yêu

18/09/2017 06:53
Phan Tuyết
(GDVN) - Vẫn còn đó những thầy cô và nhà trường miễn nhiễm với hai từ "lạm thu". Họ rất đồng cảm với phụ huynh phải suốt ngày lo toan chuyện cơm áo gạo tiền.

LTS: Thời gian gần đây, những câu chuyện lạm thu tại các trường học đang gây bức xúc cho rất nhiều phụ huynh.

Là một giáo viên đã nhiều năm đứng lớp, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ việc thu chi minh bạch tại một số trường học, nơi các thầy cô dù lương thấp nhưng cũng luôn nghĩ đến hoàn cảnh của các em học sinh, luôn hết lòng vì học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giai đoạn này, nhiều trường học trong cả nước đã bị phát hiện có những vi phạm về chuyện lạm thu. Nhiều khoản thu “trên trời” ai cũng thấy là vô lý hết sức.

Điển hình như một trường học ở Hải Phòng mà báo chí đã đưa tin trong những ngày qua.

Theo đánh giá của nhiều bạn đọc, đó chính là hành động “tận thu” nhưng mục đích chính vẫn là “cho đầy túi tham” của một số cá nhân nào đó mà bỏ mặc đời sống người dân nơi địa phương còn nghèo khổ, khó khăn.

Bởi thế, bức tranh về trường học những ngày đầu năm đã trở nên vô cùng u ám.

Nói đến trường học, có người nghĩ ngay đến việc “lạm thu”.

Và biết bao câu chuyện chẳng mấy làm hay ho lại được dịp “tuôn trào”.

Tuy thế, vẫn có nhiều nơi, nhiều trường học từ bao năm qua luôn miễn nhiễm với hai từ “lạm thu” ấy.

Vẫn có những ngôi trường miễn nhiễm với hai từ "lạm thu". (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
Vẫn có những ngôi trường miễn nhiễm với hai từ "lạm thu". (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Không những thế, những khoản thu chính đáng như tiền tăng tiết dạy buổi 2 ở cấp tiểu học lại được thu với mức vô cùng thấp chỉ vì nhà trường nơi đây đang rất đồng cảm với những người dân suốt ngày lo toan cho chuyện cơm áo gạo tiền.

Phương châm của mọi người “quyền lợi của học sinh vẫn là quan trọng nhất”.

Bậc tiểu học “tiền trường” chưa tới 1 triệu đồng

Mức thu tiền cho học sinh ở bậc tiểu học nhiều năm nay trên địa bàn thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) luôn giữ mức ổn định.

Nếu tính cả hai khoản tiền thu hộ là bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn thì một học sinh vào lớp 1 chỉ đóng hơn 900.000 đồng.

Cụ thể, tiền ấn phẩm 20.000 đồng, vệ sinh 20.000 đồng (có trường thu 10.000 đồng), ghế ngồi 30.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế 689.000 đồng, bảo hiểm tai nạn 187.000 đồng.

Học sinh các khối 2,3,4 và 5 đóng chưa tới 900.000 đồng (do các em không phải đóng tiền ghế ngồi và tiền bảo hiểm y tế chỉ đóng 12 tháng).​

Ở nơi này, chúng tôi không có lạm thu mà sống hết mình vì học sinh thân yêu ảnh 2

Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục

Ngoài ra, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, sau thông báo của các trường về khoản tiền đóng góp tự nguyện, hầu như phụ huynh đều đồng loạt góp 100 ngàn đồng để trích về trường 70% và giữ lại lớp 30%, riêng học sinh nghèo, cận nghèo và khó khăn không tham gia ủng hộ.

Thu tiền phụ trội buổi 2 quá thấp

Công văn số 286/SGD&ĐT-GDTH Bình Thuận ban hành ngày 28/2/2014 về việc thực hiện dạy 2 buổi cấp tiểu học nêu rõ việc thu tiền buổi 2 là thỏa thuận tự nguyện đóng góp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường.

Các trường “tổ chức phiên họp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh toàn trường để thống nhất mức thu và tỉ lệ chi sao cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương đồng thời đảm bảo quyền lợi của giáo viên”.

Thế là mức thu cho một học sinh chỉ có 30.000 đồng/tháng, hai năm trở lại đây đã được điều chỉnh là 40-50.000 đồng/tháng.

Với số tiền thu quá ít như thế, giáo viên một tháng chỉ được hỗ trợ khoảng 50.000 đồng/tiết và số tiền thực nhận khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng.

Mức thù lao này, nhiều người nói rằng mới đủ tiền xăng xe đi lại còn tiền bồi dưỡng tái tạo năng suất lao động xem như không có.

Nếu tính một tiết dạy tăng do ngân sách nhà nước trả thì mức hỗ trợ từ phụ huynh chưa bằng một nửa.

Ở nơi này, chúng tôi không có lạm thu mà sống hết mình vì học sinh thân yêu ảnh 3

"Đồng tiền, phân bạc" và sự trung thực của người thầy!

Trong khi nhiều tỉnh thành khác cũng thu tiền phụ trội buổi 2 lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Cụ thể, một số trường ở Thanh Hóa có mức thu 1 triệu đồng/học sinh cả năm, tính ra là 110.000 đồng/tháng.

Hà Tĩnh có mức thu 100.000 đồng/học sinh còn thành phố Hồ Chí Minh thu tới 150.000 đồng/học sinh.

Lý giải chuyện này đa phần lãnh đạo các trường đều thống nhất “phụ huynh còn nghèo, giáo viên ủng hộ là chính”. Trong thực tế, giáo viên cũng nghèo không kém nhiều phụ huynh.

Nếu như trước đây, chỉ dạy một buổi, thầy cô còn tranh thủ đi làm thêm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống.

Thì giờ đây, hằng ngày, thầy cô giáo nơi đây vẫn cứ miệt mài ngày hai buổi đến trường, dạy học sinh bằng tình yêu thương và lòng nhiệt huyết mà chẳng hề so bì, hơn thua vì số tiền mình nhận được chưa xứng đáng.

Điều gì đã làm nên sự khác biệt ấy? Nếu không muốn nói chỉ đơn giản một điều, tình thương với trò luôn đong đầy trong mỗi thầy cô giáo nơi đây.

Tài liệu tham khảo:

http://www.tienphong.vn/giao-duc/tphcm-phi-to-chuc-day-hoc-2-buoingay-thu-cao-nhat-300-nghin-dong-1054571.tpo

Năm học mới đã bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Phan Tuyết