Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục

12/09/2017 07:08
Nguyễn Cao
(GDVN) - Để tránh sự tha hóa của nghề giáo và nhà giáo, tách hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm khỏi mọi hoạt động thu tiền đóng góp từ phụ huynh học sinh là cần kíp.

LTS: Trước tình trạng lạm thu không còn là cá biệt trong các trường học, thày giáo Nguyễn Cao gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích thực trạng này qua vụ việc nổi cộm gần đây ở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng, đồng thời đề xuất một số giải pháp ngăn chặn.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và trân trọng cảm ơn thày Nguyễn Cao! Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cứ vào đầu năm học, chuyện lạm thu tiền trường lại làm “nóng” các mặt báo, nhưng có lẽ đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Bởi thực tế trong hàng ngàn trường học còn nhiều lắm, nhưng vì những lí do khác nhau mà phụ huynh chưa lên tiếng. 

Có điều mỗi khi sự việc lạm thu bị “lộ” thì nhà trường đều nói là “hội phụ huynh bàn bạc, thống nhất” để làm tấm khiên che chắn cho mọi kế hoạch của mình. 

Nhiều vị hiệu trưởng nhà trường đang “làm tiền” phụ huynh một cách trắng trợn, chỉ tiếc là khi sự việc bị phanh phui thì hình như họ vẫn ung dung tại vị.

Trong khi đó, những người đứng ra tố cáo thì bị trù dập. Đây thực sự là một nỗi buồn không thể gọi thành lời trong một số trường của ngành giáo dục hiện nay.

Khi hiệu trưởng dối trá: lấy thúng úp voi không xong mới chịu "nói thật”

Cách đây mấy ngày, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh tờ giấy chia sẻ về 20 khoản đóng góp của trường Trung học cơ sở Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) trong năm học 2017 – 2018 lên đến 9,1 triệu đồng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đạt – Hiệu trưởng trường này khẳng định với báo giới, hình ảnh các khoản trong phiếu thu cũng như dòng ghi chú là hoàn toàn “bịa đặt”. [1]

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Tiến Thắng / Báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Tiến Thắng / Báo Tuổi Trẻ.

Trước sự điều tra, xác minh thông tin nhanh chóng, chính xác và những câu hỏi không thể né tránh của các nhà báo [2], ông Nguyễn Hữu Đạt buộc phải thừa nhận, như tường thuật của nhà báo Minh Lý, Báo Điện tử Gia đình và Xã hội:

Về những phát ngôn với báo chí cho rằng những khoản thu như mạng xã hội đăng tải là “bịa đặt”, ông Đạt trần tình:

“Do tinh thần lúc đó không được bình tĩnh nên trong câu nói có thể chưa chuẩn.

Ý của tôi, trường chưa họp đại diện phụ huynh các lớp, chứ không phải họp phụ huynh toàn trường. Những gì tôi nói hôm nay mới là sự thật”. [2]

Trên cương vị một Hiệu trưởng nhà trường mà ông Đạt trả lời như vậy thì dư luận chắc sẽ phải đặt câu hỏi:

Vậy lâu nay đã có bao nhiêu lần ông nói “không thật” rồi, để khi lấy thúng úp voi không xong, thì “bây giờ tôi nói thật”? 

Cán bộ quán lý chỉ biết ngồi chờ cấp dưới bị tố cáo báo cáo, đe dọa người tố cáo?

Trong vụ lạm thu ở trường Trung học cơ sở Minh Tân, điều khiến dư luận bức xúc hơn là tuyên bố của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên ông Bùi Thế Hiệp trên truyền thông: 

“Trước thông tin trên mạng đăng tải tôi đã gọi cho Hiệu trưởng kiểm tra và được biết, nhà trường khẳng định không phát hành phiếu thu học phí đó mà do một cá nhân tự ý in ra rồi đăng tải lên mạng xã hội. 

Thông tin các khoản thu trong phiếu đó hoàn toàn không đúng với thực tế của nhà trường.

Thông tin không chính xác này đã tạo nên dư luận xấu, gây hoang mang cho toàn xã hội.

Sáng nay, công an thành phố Hải Phòng cũng gọi điện cho tôi, sau khi khai giảng xong chúng tôi sẽ nhờ công an vào cuộc để điều tra xem ai là người tung tin thất thiệt này lên mạng”. [1]

Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục ảnh 2

Cần sửa Thông tư 55, cấm hẳn thu hội phí phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức

Đây là phản ứng của vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thủy Nguyên khi người dân phản ánh lên mạng xã hội và báo chí vào cuộc.

Ít ngày sau, với những diễn biến mới xung quanh sự việc tại trường Minh Tân, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Bùi Thế Hiệp nói: 

“Hôm trước, có thông tin về bản kê khai các khoản thu trên mạng, tôi có hỏi trường thì được trả lời là không phải của trường ban hành. 

Trường cũng chưa họp phụ huynh và chưa thu khoản nào nên tôi mới trả lời báo chí thế.

Trước thông tin mới này, tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý theo quy định”. [2]

Thời điểm Báo Gia đình và Xã hội đăng bài báo này là ngày 9/9. 

Thế nhưng ngày 9-9, ông Nguyễn Ngọc Hương - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng được Báo Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết:

Từ chiều 4-9, khi trên mạng xã hội Facebook bắt đầu xuất hiện bức ảnh chụp lại một tờ phiếu thu ghi 20 khoản phí có tổng mức hơn 9 triệu đồng được cho là của Trường Trung học cơ sở Minh Tân thì lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo vào cuộc làm rõ.

Bước đầu xác định tờ phiếu thu này không phải của nhà trường phát hành, tuy nhiên từ thông tin các khoản thu trong tờ phiếu này thì huyện đã xác định được tới 18 khoản thu trùng khớp với các khoản trong tờ phiếu nêu. 

Trong đó có nhiều khoản thu chưa được sự thống nhất từ hội cha mẹ học sinh và cũng chưa được cơ quan chức năng của huyện cho phép triển khai thu. 

"Trước đó, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Minh Tân báo cáo không có việc lạm thu.

Nhưng khi đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra thực tế thì lại xác định tại trường này có tình trạng lạm thu trái quy định", ông Hương nhấn mạnh. [3]

Trường Trung học cơ sở Minh Tân, nơi xảy ra vụ lạm thu cả chục triệu đồng trên mỗi học sinh khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Tiến Thắng / Báo Tuổi Trẻ.
Trường Trung học cơ sở Minh Tân, nơi xảy ra vụ lạm thu cả chục triệu đồng trên mỗi học sinh khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Tiến Thắng / Báo Tuổi Trẻ.

Như vậy có thể hiểu rằng, theo lời ông Hương thì ngay khi có thông tin phiếu thu hơn 9 triệu được cho là của Trường Trung học cơ sở Minh Tân, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo điều tra làm rõ.

Nhưng phải chăng ông Trưởng phòng Bùi Thế Hiệp chỉ làm mỗi việc là gọi điện cho Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt yêu cầu báo cáo và ngồi chờ? 

Ngày 8/9, khi báo chí cung cấp các “diễn biến mới”, ông Trưởng phòng Bùi Thế Hiệp mới lại "cho kiểm tra và xử lý theo quy định".

Dư luận không thể không đặt câu hỏi về năng lực của ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên Bùi Thế Hiệp: 

Tại sao với cương vị là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, khi biết thông tin “động trời” như vậy lại không trực tiếp xuống kiểm tra cấp dưới của mình phụ trách? 

Từ trung tâm huyện Thủy Nguyên đến xã Minh Tân xa đến mức ông không thể “thân chinh” kiểm tra mà phải gọi điện và ngồi chờ? 

Lạm thu tới gần chục triệu trên một học sinh phải chăng với ông là “chuyện nhỏ”?

Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục ảnh 4

"Ai cũng đồng ý huy động đóng góp, chỉ tại giáo viên không biết cách nói"

Trong bối cảnh lạm thu ở các nhà trường ngày càng trở nên tinh vi và có tổ chức, nhận thông tin và chỉ nghe báo cáo của cấp dưới ông đã vội vã “nhờ công an vào cuộc để điều tra xem ai là người tung tin thất thiệt này lên mạng”.

Bây giờ, cái hai ông gọi là “bịa đặt”“người tung tin thất thiệt” đều đã được chứng minh là sự thật không thể chối cãi, ông Hiệp sẽ ăn nói với nam phụ lão ấu đất Thủy Nguyên như thế nào đây?

Làm quản lý như ông Trưởng phòng này, còn phụ huynh, giáo viên nào dám tố cáo tiêu cực và các việc làm sai trái của một số cán bộ quản lý biến chất, thoái hóa, chỉ tìm cách làm tiền trên học sinh và dân chúng?

Thủ đoạn làm tiền của một số hiệu trưởng ngày càng tinh vi, có tổ chức

- Sử dụng giáo viên chủ nhiệm thực hiện việc lạm thu các khoản.

Ngày 8/9, tại khuôn viên nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội tại khuôn viên trường Trung học cơ sở Minh Tân rằng:

Thông tin về các khoản dự kiến thu (sách, vở viết, vở bài tập, đồng phục, sửa chữa nhà trường, học thêm...) như phụ huynh chụp lại trên bảng là đúng. Riêng khoản học thêm nhóm (1,6 triệu đồng – phóng viên Báo Gia đình và Xã hội) là không đúng. 

Ông Đạt cũng thừa nhận, các khoản thu trên do Hiệu trưởng chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm thông báo tới phụ huynh, nhưng nhà trường không yêu cầu phải thu ngay trong tháng 9.

- Sử dụng một số đại diện cha mẹ học sinh để triển khai việc lạm thu.

Cũng theo ông Đạt, trước khi kết thúc năm học, cuối tháng 5 nhà trường có họp với đại diện phụ huynh các lớp triển khai việc mua đồng phục. 

Tuy nhiên, do chưa chuẩn trong cách làm nên nhà trường không triển khai theo tinh thần tự nguyện mà mặc định đã đăng ký phải mua như nhau.

Trước những trả lời của ông Đạt, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội đã hỏi: “Vì lý do gì nhà trường lại triển khai ngược quy trình thực hiện thu tiền xã hội hóa?”. 

Khá bối rối, ông Đạt đáp: “Chúng tôi đã thống nhất miệng với Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh nhà trường rồi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh Trường Trung học cơ sở Minh Tân cho biết: 

“Trước cuộc họp ngày 27/8, thầy Hiệu trưởng có gọi điện và gặp riêng tôi trao đổi qua kế hoạch thu tiền xã hội hóa năm học 2017-2018. 

Vì chưa có kinh nghiệm, lại lần đầu làm công việc này nên tôi không rành thủ tục, quy trình triển khai”.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Tân là "đồng minh" hay "bia đỡ" của ông Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt?

Ngày 21/08/2017 Trường trung học cơ sở Minh Tân lập tờ trình số 01,02,03,04/TT-THCS trình Ủy ban nhân dân xã Minh Tân về kế hoạch Thu-Chi nguồn xã hội hóa để sửa chữa cơ sở vật chất trường học phục vụ học tập năm 2017-2018, với số tiền 120 triệu đồng. 

Tuy nhiên tại các tờ trình, ngoài chữ ký của Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt, không thấy có ý kiến hay chữ ký của đại diện Hội Cha mẹ học sinh nhà trường. 

Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục ảnh 5

Những hệ lụy khủng khiếp từ "hoạt động đối ngoại" của thủ trưởng nhà trường

Lý giải việc này, ông Đạt nói: “Đúng là sơ suất. Cái này, chúng tôi làm chưa đúng.

Dù văn bản trên chưa đầy đủ, song trên đó vẫn thấy có chữ ký của ông Hồ Xuân Đản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kèm con dấu."

Câu trả lời của ông Đạt dường như muốn kéo ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Tân ra làm lá chắn bao biện cho hành vi làm tiền của mình.

Vấn đề đặt ra là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Tân có nắm được quy định phải có ý kiến, chữ ký của đại diện hội cha mẹ học sinh trong tờ trình xin thu các khoản được gọi là "xã hội hóa" kia, ông mới được ký và đóng dấu?

Còn đằng sau sự "tự tin" của Hiệu trưởng Đạt về con dấu và chữ ký của ông Chủ tịch xã, cũng cần phải điều tra, làm rõ đúng sai thế nào, trách nhiệm thuộc về ai để trả lời trước công luận.

- Phụ huynh "thấp cổ bé họng" trước giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm chỉ biết làm theo lệnh hiệu trưởng.

Một phụ huynh có con học lớp 9 Trường Trung học cơ sở Minh Tân nói với truyền thông:

"Sáng Chủ nhật (27/8), tôi và các phụ huynh đã đến trường Minh Tân họp phụ huynh. 

Tại đây, thầy chủ nhiệm đã thông báo các khoản thu của năm học 2017-2018, với số tiền hơn 9 triệu đồng, gồm khoảng 20 mục từ đồng phục, sách vở, học thêm, học thêm nhóm, sửa chữa cơ sở vật chất…

Sau khi nghe thầy giáo thông báo, một số phụ huynh đã đứng lên hỏi về học thêm, học nhóm, đồng phục, quỹ lớp, quỹ trường. 

Có người thắc mắc, sao năm nào cũng phải mua đồng phục (750 nghìn đồng/bộ), rất tốn kém, trong khi đồng phục cũ vẫn dùng được. 

Thầy M nói đồng phục nhà trường đã đặt xong rồi, nếu phụ huynh không mua nữa thì sẽ gây khó cho nhà trường”.

Phụ huynh này cho biết thêm, con anh suốt từ năm lớp 6 tới lớp 9, năm nào cũng phải mua đồng phục. 

Trước hôm họp 2 ngày, lớp có gửi giấy mời họp đầu năm tới các bậc phụ huynh trong trường. Khi cầm giấy mời về, các con cũng chuyển lời dặn của thầy giáo “khi đi họp mang 3 triệu đóng tạm”. [2]

- Đã "làm tiền" với học sinh, phụ huynh thì làm gì có hóa đơn?

Trước khi bị truyền thông đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi, cả Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đạt và Trưởng phòng Bùi Thế Hiệp đều vin vào cái cớ, phiếu thu cả chục triệu kia không có dấu đỏ của nhà trường, thậm chí còn "sai quy phạm văn bản" để nói đó là tin "bịa đặt".

Lạm thu làm gì có đóng dấu? Ảnh chụp màn hình phiếu thu được cho là của Trường Trung học cơ sở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng mà người dân phản ánh trên mạng xã hội.
Lạm thu làm gì có đóng dấu? Ảnh chụp màn hình phiếu thu được cho là của Trường Trung học cơ sở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng mà người dân phản ánh trên mạng xã hội.

Nhưng kết luận của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho thấy 18/20 khoản thu nêu trong phiếu thu này là thật. Kết luận này nói lên điều gì?

Đó là đã "làm tiền" với học sinh, phụ huynh thì làm gì có hóa đơn? Đây là chiêu vô hiệu hóa các văn bản chỉ đạo ngành dọc, quy định liên quan đến các khoản thu ngoài học phí.

Đồng thời thủ đoạn này cũng là hành vi vi phạm trắng trợn các quy định của pháp luật về tài chính, để dễ bề chối bỏ khi bị tố cáo, gây khó khăn cho phụ huynh và xã hội trong việc giám sát.

Trường hợp tố cáo với các thông báo miệng, hoặc thông báo "không dấu đỏ" này, người tố cáo có thể bị đe dọa, như phụ huynh trường Minh Tân là "điều tra ai đã tung tin đồn thất thiệt".

Khi thanh tra ngành giáo dục chưa hoàn thành được nhiệm vụ, chức trách trước nhân dân để tự phát hiện ra các sai phạm trong đơn vị mình phụ trách, thì hãy để nhân dân phản ánh tiêu cực, dù là trên mạng xã hội hay báo chí, hãy lắng nghe và nhanh chóng xác minh.

Thay lời kết

Hiệu trưởng dối trá và làm tiền trên đầu học sinh, phụ huynh đã không còn là câu chuyện cá biệt hay hi hữu. Nhiều thày cô cương trực đấu tranh chống lại nạn lạm quyền, lạm thu và dối trá từ hiệu trưởng đã, đang bị “trả giá”.

Cũng ngay tại Hải Phòng thôi, thầy giáo Đỗ Tuấn Hải, một người có 14 năm công tác tại Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương thành phố Hải Phòng vừa bị bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng ký quyết định hôm 18/8 về việc chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn kể từ ngày 15/9 tới.

Thầy Hải là người đã đứng lên tố cáo các khoản lạm thu khủng khiếp tại trường này: Khối lớp 1 là 10.131.000 đồng, khối lớp 4 là 5.966.000 đồng, khối lớp 5 là 6.191.400 đồng. 

Bà Bùi Thị Q. kế toán trường này cũng đứng lên tố cáo, và đang đối mặt với kết cục không khác gì thầy Hải. [4]

Nếu không có sự vào cuộc của báo chí, liệu lãnh đạo huyện An Dương có tự phát hiện, điều tra và xử lý cách chức bà hiệu trưởng này không? [5]

Những giáo viên chúng tôi thường xuyên chứng kiến chuyện lạm quyền của không ít hiệu trưởng. Những gì mắt thấy tai nghe cho chúng tôi thấy rằng chuyện này đã không còn là cá biệt.

Là giáo viên từng nhiều lần lên tiếng về các tiêu cực trong giáo dục, lạm thu trong nhà trường, lạm quyền của hiệu trưởng, được rất nhiều bạn đọc là đồng nghiệp và phụ huynh chia sẻ, đồng tình, nhưng không ai trong số chúng tôi dám công khai danh tính và nơi công tác.

Qua câu chuyện của Trường Trung học cơ sở Minh Tân, quý bạn đọc có thể thấy hiệu trưởng quyền sinh quyền sát ghê gớm như thế nào với phụ huynh và giáo viên.

Và tại sao giáo viên, phụ huynh phải ẩn danh khi tố cáo tiêu cực. Vì thế, dù không muốn nhưng vẫn phải nói ra điều này.

Năm học mới đã bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn.

Ngoài ra, quý vị vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Trước hết chúng tôi cũng xin lỗi các thày cô hiệu trưởng chân chính nếu có làm quý thầy cô buồn lòng, nhưng thực sự cần phải loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục những vị hiệu trưởng dối trá, lạm quyền và "làm tiền" trên đầu dân chúng.

Để làm được điều này, người viết xin có mấy đề nghị nhỏ gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan, cũng là lời nhắn nhủ với quý phụ huynh cả nước hãy cùng lên tiếng góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục cho con em chúng ta, bảo vệ đồng tiền mồ hôi nước mắt của quý vị:

Một là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 55, nên cấm toàn bộ các khoản thu ngoài học phí dù với bất kỳ danh nghĩa nào, thông qua tổ chức cá nhân nào;

Cấm lãnh đạo các trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thu mọi khoản đóng góp của phụ huynh học sinh.

Hai là, đề nghị thanh tra ngành giáo dục và đào tạo các cấp, từ phòng cho đến bộ, khi tiếp nhận thông tin phản ánh tình trạng lạm thu, lạm quyền hay tiêu cực ở các cơ sở giáo dục, thay vì "yêu cầu cơ sở bị tố cáo báo cáo", cần có hoạt động thanh kiểm tra đột xuất và độc lập để xác minh thông tin.

Vụ việc ở Minh Tân và nhiều trường hợp khác bị báo chí phanh phui, các phiếu thu đều không có "dấu đỏ". Thậm chí có cả lệnh miệng, nhưng phụ huynh và giáo viên buộc phải làm theo.

Vì vậy, xin đừng vội vàng kết luận các thông tin tố cáo tiêu cực là "bịa đặt" khi chưa xác minh, điều tra độc lập.

Ba là, cơ quan quản lý giáo dục các cấp tuyệt đối không đề nghị các cơ quan chức năng thực thi pháp luật đe dọa người tố cáo, khi thông tin / sự việc chưa được điều tra, làm rõ một cách khách quan, nghiêm túc và công bằng, như kiến nghị ở điều thứ hai.

Bốn là, mọi khoản thu "xã hội hóa" cho giáo dục ở các địa phương phải do chính quyền địa phương tổ chức họp dân, thông báo thực trạng, nhu cầu và kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất, kêu gọi đóng góp, thực hiện đúng chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Chỉ có như vậy mới kéo các thày cô hiệu trưởng ra khỏi những công việc phi chuyên môn và "dính dáng tiền nong" để tập trung vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình.

Đó chính là cách bảo vệ các thày cô hiệu trưởng tốt nhất, bảo vệ môi trường trong sạch lành mạnh của giáo dục nước nhà.

Năm là, ngành giáo dục cần phải làm trong sạch đội ngũ quản lý bằng cách nghiên cứu đề xuất các giải pháp để cơ quan chức năng xử lý hình sự các cán bộ quản lý giáo dục, hiệu trưởng nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của tổ chức, công dân, chứ không nên chỉ dừng lại ở đình chỉ chức vụ, thuyên chuyển công tác.

Bởi sự dối trá và làm tiền trong giáo dục là điều không thể chấp nhận.

Và khi hành động lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của tổ chức, công dân đã rõ ràng, thì không thể xử lý hành chính, nếu chúng ta thực sự thượng tôn pháp luật và muốn bảo vệ sự trong sáng của người thầy, nhất là thầy / cô hiệu trưởng. 

Nhà trường là nơi dạy học, không phải nơi làm tiền. 

Để tránh sự tha hóa của nghề giáo và nhà giáo, việc tách hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm khỏi mọi hoạt động thu tiền đóng góp từ phụ huynh học sinh là cần kíp và phải làm ngay. Mong lắm thay!

Tài liệu tham khảo:                                                                                            

[1]http://doisongvietnam.vn/phieu-thu-dau-nam-hoc-moi-gan-10-trieu-dong-o-hai-phong-se-nho-cong-an-can-thiep-28166-3.html

[2]http://giadinh.net.vn/giao-duc/truong-thcs-minh-tan-hai-phong-ngay-8-9-hieu-truong-da-noi-that-20170908223945636.htm

[3]http://tuoitre.vn/xem-xet-ki-luat-hieu-truong-truong-thcs-minh-tan-vi-lam-thu-201709091634239.htm

[4]http://kinhtedothi.vn/truong-tieu-hoc-dang-cuong-lam-thu-tru-dap-giao-vien-297590.html

[5]http://www.nguoiduatin.vn/hai-phong-cach-chuc-hieu-truong-neu-thu-sai-hon-10-trieu-dau-nam-a338660.html

Nguyễn Cao