Những lùm xùm xung quanh các dự án BOT vẫn là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua khi mà sau vụ việc ở Cai Lậy (Tiền Giang), nhiều trạm thu phí khác cũng đã xuất hiện sự phản ứng bằng cách trả tiền lẻ.
Vì sao một chủ trương đúng lại bị phản ứng ở nhiều nơi đến như vậy? Nói đi nói lại, mọi sự phản ứng cuối cùng cũng quay trở lại hai vấn đề cần giải quyết, đó là: Vị trí đặt trạm thu phí và mức phí ở từng trạm BOT.
Khi các cơ quan chức năng vào cuộc đã chỉ ra sai phạm tại không ít dự án BOT như: Chủ đầu tư dù khả năng tài chính yếu kém, thậm chí “tay không bắt giặc” vẫn được chỉ định thầu.
“Cháy nhà mới ra mặt chuột” góc khuất về mảnh đất màu mỡ BOT đã dần hé mở khiến không ít người giật mình.
Chính vì năng lực của chủ đầu tư như vậy nên không công khai, minh bạch, cố tình kéo dài thời gian thu phí. Trong câu chuyện này chủ đầu tư không có đồng nào mà vẫn có thể làm BOT.
Sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các dự án BOT, đồng thời tổng cộng thời gian thu phí ở các trạm này đã được rút xuống tới 100 năm.
Chính phủ yêu cầu chống tiêu cực trong dự án BOT |
Mới nhất, vào ngày 6/9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận, chỉ ra nhiều chủ đầu tư BOT chỉ trải nhựa, cạp thêm đường nhưng lại ngang nhiên thu phí BOT như làm đường mới.
Bên cạnh đó, còn có chuyện người dân phải trả thêm phí khi đi qua đường 5 cũ (tuyến Hà Nội - Hải Phòng) để bù vào lãi vay của chủ đầu tư làm đường cao tốc mới (5b).
Điều đó khiến nhiều người tỏ rõ thái độ không đồng tình, và đã trả tiền lẻ khi đi qua trạm để phản đối.
Tại trạm thu phí trên đường 5 cũ đã có thời điểm phải xả trạm do các lái xe trả tiền lẻ nên thời gian kiểm đến quá lâu, gây ra ùn tắc nghiêm trọng.
Trong khi đó, dư luận đang mổ xẻ vấn đề thì có ý kiến của một vị Tiến sĩ kinh tế nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Người nghèo đi xe máy, xe đạp qua trạm BOT đều được miễn phí. Ngay lập tức ý kiến này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, không thể lấy đường độc đạo của người dân làm BOT. Ảnh: Vũ Phương. |
Làm sai phải phải xin lỗi dân!
Nhiều ý kiến cũng đã nêu ra rằng, chủ đầu tư khó có thể sai phạm nếu không có sự "ngó lơ" của cơ quan quản lý.
Về việc này, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Nếu các bộ, ngành được Nhà nước giao trọng trách liên quan đến các dự án BOT thực hiện đúng quy trình, công khai minh bạch thì các chủ đầu tư BOT làm sao dám làm sai. Rõ ràng trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành được giao nhiệm vụ liên quan tới các dự án BOT.
Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ! |
Điều tôi muốn nói ở đây đó là văn hóa ứng xử, xin lỗi người dân khi những vấn đề do bộ, ngành mình quản lý mà để xảy ra bức xúc cho dư luận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Đã sai phải xin lỗi dân!”.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã lắc đầu ngao ngán: “BT, BOT là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn eo hẹp.
Bởi vậy, việc kêu gọi các công ty, đơn vị có vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống đường giao thông là cần thiết để phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, BOT đã bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm mà các cơ quan như Thanh tra Chính phủ đã kết luận.
Theo quy định BOT phải đấu thầu, nhưng gần như tất cả đều chỉ định thầu. Chủ đầu tư, đơn vị thi công đưa ra những lý do để việc đấu thầu không thể diễn ra mà sẽ chỉ định thầu. Trong đó, có những lý do rất khó hiểu và ai cũng biết có vấn đề, tiêu cực trong đó như gọi mời thầu dù nhiều lần, nhưng không đơn vị nào tham gia.
Nói là lý do vậy thôi, chứ theo tôi bên trong đó đã có vấn đề, phải làm rõ xem tại sao chỉ định thầu, có lợi ích nhóm ở đó không? Rõ ràng việc chỉ định thầu là sai theo quy định của Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chính ở cho những sai phạm tại các dự án BOT, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương cũng không thể đứng ngoài cuộc".
Sau sự cố nhiều tài xế trả tiền lẻ gây ùn tắc nghiêm trọng, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị giảm phí và di chuyển trạm thu phí đến một vị trí khác. Ảnh: vov. |
Trước ý kiến cho rằng BOT không ảnh hưởng đến người nghèo, Đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Không chỉ ảnh hưởng đến người giàu đi ô tô mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người nghèo.
Nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không chuẩn. Ai cũng biết, người đi xe máy, xe đạp được miễn phí khi đi qua trạm BOT.
Nhưng hàng hóa phải vận tải bằng ô tô và người nghèo cũng phải đi xe khách, tiền doanh nghiệp vận tải phải trả phí sẽ nâng giá hàng hóa lên, hay vé xe khách tăng lên vì BOT. Như vậy, hàng hóa dịch vụ tăng giá vì BOT và người nghèo bị ảnh hưởng đáng kể”.
Một điều khiến đại biểu Phạm Văn Hòa bức xúc đó là nhiều con đường độc đạo của người dân vốn đang đi lại, chủ đầu tư dự án BOT chỉ trải thảm, cạp thêm đường là thu phí BOT. Điều này đẩy người dân vào thế bí phải đi đường BOT. Như vậy là rất vô lý!
“Nhiều trạm BOT hiện nay đặt không đúng chỗ gây bức xúc dư luận, đó là nhiều đường độc đạo của người dân bị doanh nghiệp BOT nhảy vào để kinh doanh, như thế sao chấp nhận được. Người dân đi bằng đường nào?”, đại biểu Hòa nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Ai nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là vô cảm" |
Đồng thời, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu đánh giá: “Không phải dự án BOT nào cũng tiêu cực, lợi ích nhóm, nhiều dự án BOT ở một số tỉnh miền Tây cũng có, nhưng người dân không phản đối bởi họ có đường quốc lộ cũ vẫn đi bình thường, ai đi đường BOT thì mới phải trả phí.
Như cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh là dự án BOT, nhiều người lưu thông đường này khá hài lòng khi trả phí, còn ai không đi đường này thì có đường quốc lộ 1A cũ từ Mỹ Thuật đi Trung Lương về Thành phố Hồ Chí Minh”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ ra: “Anh có vốn đầu tư làm đường rồi vận hành kinh doanh, chuyển giao là cách làm đúng đắn, nhưng có dự án lợi dụng chủ trương, làm ăn khuất tất khiến giá bị đội lên mà người dân vẫng đang phải chịu.
Điều đáng nói là dù có nhiều cơ quan, đơn vị giám sát nhưng không ít dự án BOT vẫn đội vốn lên nhiều tỷ đồng. Thậm chí, chủ đầu tư tự khai khống số tiền làm dự án, nhưng lại không có đơn vị nào kiểm tra, giám sát suốt một thời gian dài.
Không thể nói tất cả các dự án BOT đều có lợi ích nhóm, nhưng những dự án BOT bị người dân phản ứng đều cần phải nhanh chóng đánh giá lại nghiêm túc, để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ, anh đầu tư BOT một con đường mất 5 đồng thì phải công khai minh bạch để người dân, doanh nghiệp vận tải hay nói chính xác hơn là đối tượng bị tác động để theo dõi giám sát. Bởi họ là người trả phí, còn chủ đầu tư chỉ có công bỏ vốn.
Đối tượng tác động là người dân phải được tham vấn, có ý kiến như thế mới đảm bảo tính công khai minh bạch và được người dân đồng thuận”.