Chiều 17/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức một cuộc họp báo thông tin về việc thu phí qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Có hai vấn đề mà dư luận quan tâm nhất hiện nay xoay quanh trạm thu phí này (thực chất cũng là vấn đề từng xảy ra ở nhiều trạm thu phí BOT khác):
Thứ nhất, căn cứ nào để Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho chủ đầu tư đặt trạm thu phí tại vị trí hiện nay, nhưng lại khiến cho hầu hết các tài xế phản đối?
Thứ hai, mức phí từ 35 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng cho mỗi lượt cũng bị cho là quá cao và gây ra bức xúc.
Lái xe trả bằng tiền 500 đồng để phản đối mức phí cao và vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). ảnh: Tiền phong. |
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi dự án. Quá trình đặt trạm từ khi lập, phê duyệt dự án có lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như ý kiến của Bộ Tài chính, của Hội đồng nhân dân địa phương…
Trạm được đặt căn cứ trên phương án tài chính để hoàn vốn. Mục tiêu tối cao làm BOT là hài hoà lợi ích. Nhà nước không bỏ tiền đầu tư vì ngân sách hạn chế. Nhà đầu tư thì phải có lợi nhuận và đơn vị cấp vốn cũng phải thấy tính khả thi mới cấp vốn.
Về giá cước phí tại trạm Cai Lậy được cho là quá cao khi áp dụng khung từ 35 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng, ông Đông lý giải rằng, trạm thu phí theo lượt thì căn cứ vào phương án tài chính, khả năng của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích các bên.
Đề cập tới trách nhiệm khi xảy ra sự cố trên, ông Đông cho hay: “Đầu tiên là chủ đầu tư chịu trách nhiệm; tiếp đó là Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quản lý trong quá trình khai thác, cuối cùng là trách nhiệm của địa phương.
Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục xử lý, không thể quyết định theo thủ tục hành chính được vì triển khai dự án là Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với chủ đầu tư. Các bên phải có sự trao đổi để giải quyết, đồng thời phải có sự xem xét của phía ngân hàng.
Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là sai đến đâu xử lý đến đó. Nếu sai đến mức hình sự sẽ xử lý hình sự”.
Sai phạm dự án BT, BOT, kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội |
Trước buổi họp báo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 16/8, trên tờ Người Lao động đăng tải ý kiến của đại diện chủ đầu tư đang thu phí tại trạm Cai Lậy “dọa” rằng nếu dịch chuyển trạm thu phí vào đoạn đường tránh 12km (thay vì nằm trên Quốc lộ 1 như hiện nay) thì sẽ trả lại dự án.
Đại diện cho BOT Tiền Giang cho rằng mức phí qua trạm giảm xuống (dự kiến dao động từ 25 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng; thay cho mức 35 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng) cũng sẽ khiến cho thời gian thu phí tăng lên; hiện nay nhà đầu tư đang phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng gần 10 tỷ đồng.
Nhìn vào những thông tin diễn biến tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, có thể thấy rằng đây là vấn đề không còn mới, nếu không muốn nói thẳng tuột ra là đã rất xưa cũ. Vì sao vậy? Mặc dù khi thực hiện các dự án BOT thì Bộ Giao thông Vận tải luôn nói ra rả rằng phải đảm bảo quyền lợi của các bên, đặc biệt là hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với người dân, doanh nghiệp.
Thế nhưng trên thực tế thời gian qua đã có vô khối các trạm thu phí BOT gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp cũng với “kịch bản”: Vị trí đặt trạm bất hợp lý và mức thu phí cao.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4 năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra: “Việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình... (trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình...).
Vậy tại sao mức phí lại bị cho là cao và gây ra bức xúc trong dư luận, và tại sao vị trí đặt trạm thu phí lại theo hướng có lợi hơn cho chủ đầu tư chứ không theo hướng có lợi cho dân?
Có khuất tất gì trong những vấn đề đã quá cũ như vậy tại các trạm thu phí BOT, nhưng cho tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để?
Năm 2016, nhiều người dân đã phản đối vị trí đặt trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An). ảnh: vov. |
Cũng tại phiên họp tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Cụ thể như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long kiến nghị xử lý hơn 24,5 tỷ đồng, trong đó giảm giá trị thanh toán hơn 8,9 tỷ đồng; dự án đầu tư quốc lộ 1 đoạn km672+600 đến km704+900 tỉnh Quảng Bình kiến nghị xử lý tài chính hơn 39 tỷ đồng, giảm giá trị quyết toán hơn 1,1 tỷ đồng...
Người dân khốn khổ, nhà nước thiệt hại vì dự án BOT "tay không bắt giặc" |
Nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng.
Nhưng đó mới chỉ là một phần sai phạm đã được “chỉ mặt đặt tên” tại các dự án BOT gây bức xúc trong thời gian qua, cho nên dư luận có lý khi đặt ra nghi ngờ có vấn đề bất thường ở trạm thu phí Cai Lậy.
Điều đáng tiếc trong cuộc họp báo chiều 17/8 của Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan này chỉ cố gắng biện minh cho vị trí đặt trạm và mức thu phí. Vị trí đặt trạm đến lúc này được xác định không di dời, còn mức phí giảm thì sẽ kéo dài thời gian thu.
Đó là cách xử lý luẩn quẩn mà chắc chắn là không lấy được niềm tin của dư luận. Vậy nên điều cần thiết nhất lúc này là phải có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… thanh tra toàn diện dự án BOT Cai Lậy và tất cả các dự án BOT giao thông khác.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – Chuyên gia tài chính công đã từng cảnh báo: “Thiếu minh bạch, thiếu giám sát dẫn đến mức đầu tư thực tế và con số báo cáo chênh lệch nhau.
Chỉ khi minh bạch thì mới quản lý, giám sát được, khi quản lý giảm sát được thì sẽ làm rõ suất đầu tư cao hay thấp, làm rõ được nhóm lợi ích đồng thời thấy được chất lượng thật của con đường”.
Yêu cầu công khai, minh bạch của người dân là hoàn toàn chính đáng, nhất là trong một đất nước mà quyền làm chủ được xác định thuộc về dân.