Thời gian qua, nhiều tài xế dùng tiền lẻ, tiền xu để qua trạm thu phí BOT xảy ra nhiều nơi, mới đây nhất ở Hưng Yên và Đồng Nai.
Trước thực trạng trên, các địa phương đã kiến nghị di dời trạm ra khỏi địa bàn vì hiện tượng dùng tiền lẻ qua trạm thu phí đang gây tắc đường, xáo trộn đời sống người dân.
Bàn về thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cho rằng: “Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy người dân quá bức xúc với nhiều dự án BOT.
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đại biểu quốc hội đã chỉ ra những bất cập ở các dự án BOT, thậm chí như ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội còn cho rằng: Thu phí BOT như kiểu đi trấn lột của dân.
Đấy là những bất cập cần phải giải quyết triệt để, vừa để đảm bảo sự ổn định trong đời sống xã hội, vừa để doanh nghiệp, người dân yên tâm làm ăn".
Đại biểu Quốc hội khóa 13 - ông Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh giaoduc.net.vn). |
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng, khi nhìn góc độ phát triển kinh tế phải nhìn một cách tổng thể, không thể thấy có những bất cập mà đánh giá sai về loại hình đầu tư BOT.
Phải khẳng định rằng, BOT (Xây dựng, khai thác, chuyển giao) là hình thức đầu tư hoàn toàn đúng đối với bối cảnh nước ta.
“Hiện nay không chỉ đầu tư BOT trong giao thông mà cần mở rộng ra các lĩnh vực dịch vụ công khác. Xét về mặt lý thuyết thì hình thức đầu tư BOT vẫn là tốt nhất” – ông Bảo nhấn mạnh.
Trở lại với những tồn tại ở các dự án BOT giao thông, ông Bảo cho rằng, do cách điều hành, quản lý, xây dựng hành lang pháp lý đang bị buông lỏng đã tạo kẻ hỡ, cơ hội cho việc trục lợi, lợi ích nhóm.
Kết quả của việc quản lý như vậy đã dẫn tới sự phản ứng kịch liệt của người dân những ngày gần đây.
Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí |
Ông Bảo phân tích: “Cứ ông nào được làm BOT là tất nhiên có nhiều tiền.
Từ "tay không bắt giặc" nói về đầu tư vào BOT là hoàn toàn chính xác.
Các dự án BOT bị đội giá đến mức độ hầu như nhà đầu tư không phải bỏ tiền túi ra mà vẫn có lãi.
Quy định hiện nay cũng không chặt chẽ nên nhà đầu tư không có năng lực tài chính vẫn trúng thầu và được vay quá nhiều.
Tiền bị đôn lên như vậy đều chia ra đầu người dân gánh chịu hết. Cho nên, có những lãnh đạo nói người dân nghèo đi xe đạp, xe máy không bị ảnh hưởng bởi BOT là cách nói vô cảm.
Tôi khẳng định rằng, BOT có tác động tới mọi người dân. Còn ai đó cho rằng, không đi không phải mất tiền là cách suy nghĩ sai trái, lệch lạc.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Tất cả mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng từ giao thông.
Do đó, BOT ảnh hưởng đến tận đời sống mỗi người dân, từ chuyện ăn uống, chi tiêu mua bán hàng ngày chứ không chỉ riêng việc đi lại”.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột" |
Qua trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bảo cho thấy, chính công tác quản lý quá lỏng lẻo một thời gian dài đã tạo điều kiện cho những nhà đầu chỉ biết kiếm tiền một cách ích kỷ, không thèm quan tâm đến lợi ích mang lại cho xã hội, người dân.
Cách quản lý lỏng lẻo đó đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ lôi bè kết cách, tạo thành nhóm lợi ích để cùng nhau kiếm tiền một cách vô trách nhiệm, thiếu đạo đức đến mức đường đắt hơn giá trị thực mà còn xuống cấp nhanh chóng. Một thời gian ngắn sau khi đường hoàn thành thì lại lún, lại nứt.
Một lần nữa ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh rằng: “BOT là hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta phải quản lý, kiểm soát để đảm bảo lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích đất nước chứ không phải lợi ích nhóm.
Tôi đảm bảo đa số dự án BOT giao thông có bóng dáng của lợi ích nhóm.
Cách quản lý đừng theo kiểu cứ làm xong, hợp đồng xong là chia tiền và cuối cùng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.