Ngày 26/9, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã có 31 trạm thu phí BOT giảm giá vé, 6 trạm chưa thực hiện giảm do nhà đầu tư chưa thống nhất điều chỉnh giá, 18 trạm khác đang trong quá trình đầu tư.
Sau khi thông tin này công bố, rất nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng, việc giảm giá vé chỉ là cách xử lý tình huống của Bộ Giao thông Vận tải chứ không giải quyết được bản chất vấn đề, đó là phải thanh tra toàn diện, công bố minh bạch mọi con số về chi phí đầu tư ở từng dự án.
Dư luận cũng cho rằng, việc giảm giá vé tạm thời (tăng lên trong thời gian tới) là cách mà nhà đầu tư lấp liếp sai phạm, điển hình là dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đầu tư 30% nhưng lại thu phí như làm đường cao tốc mới. Vấn đề này bao giờ mới được xử lý và công khai, minh bạch cho toàn dân biết? (ảnh: Ngoc Quang.) |
Cần thanh tra toàn diện dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Trước hết, nói về trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhờ sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ, những sai phạm đã được chỉ ra.
Việc giảm giá vé xuống 25% có thể coi như một động thái khắc phục sai phạm của các Ban quản lý trạm BOT này, nhưng cần phải làm rõ ràng dứt khoát chứ không chỉ giảm 25% là xong.
Theo tôi, cần thanh tra toàn diện dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, vì đây là dự án có quá nhiều bất cập. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì mới đầu tư 30% mà thu tiền như đường mới, vậy phải làm rõ vấn đề này. Tôi cho rằng, cũng cần phải thanh tra toàn diện các trạm BOT khác trên cả nước".
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng. (ảnh NQ). |
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, trên thực tế sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt (mới nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP)thì các nhà đầu tư ở các trạm BOT mới chịu xuống nước (giảm giá vé).
Cả một giai đoạn nhiều năm nay, dù dư luận phản ứng liên tục ở nhiều trạm BOT, nhưng cứ xảy ra ở đâu thì giải quyết riêng ở trạm đó, Bộ Giao thông Vận tải không thực hiện rà soát, thanh tra và điều chỉnh tổng thể.
Điều đó thể hiện vai trò quản lý yếu kém của Bộ này, nhất là những người giữ các chức vụ trực tiếp liên quan tới quản lý dự án BOT.
"Hiện nay, đang có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc kiểm tra tất cả BOT, đây có thể xem là cơ hội để xử lý dứt điểm vấn đề này, nhất là phải dẹp ngay những nhóm lợi ích ở các dự án BOT.
Tôi nhắc lại là không thể chỉ giảm giá vé ở các trạm BOT nhằm xoa dịu dư luận là xong, vì khi không giải quyết được bản chất sự việc thì vẫn còn sự phản ứng từ người dân, doanh nghiệp, dư luận xã hội", Phó Giáo sư Hùng cho biết.
Nói về xử lý những sai phạm mà các trạm BOT mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, Phó Giáo sư Hùng cho rằng: "Sau thanh tra phải lập tức phân loại, với những sai phạm tiền tỷ như thế thì cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự.
Cần phải truy trách nhiệm đến từng cá nhân, ai là người che đậy cho gian lận, cố tình để xảy ra sai phạm cũng cần phải xử lý nghiêm".
Nêu thí dụ điển hình về trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Hùng cho rằng: "Trước đây trạm BOT này thu 100% giá vé trong khi mới chỉ đầu từ 30%, khi bị phát hiện sai phạm thì bây giờ anh phải trả lại.
Việc trả lại ở đây được thực hiện bằng cách, số tiền này cần phải làm rõ và tính toán thật kỹ xem anh đã thu được bao nhiêu, từng đó tương ứng với thời gian khai thác như thế nào, sau đó giảm thời gian thu xuống. Không thể làm ăn kiểu lập lờ, giảm giá vé rồi tiếp tục thu 17 năm được", ông Hùng nêu quan điểm.
Người dân phải gánh hậu quả từ những cái bắt tay của nhóm lợi ích |
Thu tiền của dân phải làm cho đàng hoàng, tử tế
Sau khi hàng loạt vi phạm ở các dự án BOT trên cả nước được công bố, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức ở mỗi dự án;
Đồng thời cũng phải xem xét trách nhiệm của những cá nhân ở từng bộ, ngành quản lý Nhà nước có liên quan như: Bộ Giao thông Vận tải phải làm, Bộ Tài Chính.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng: "Tôi cũng cần nhắc lại việc triển khai các dự án BOT là chủ trương đúng đắn, không vì những sai phạm thời gian qua mà cấm BOT.
Để chủ trương này phát huy tác dụng trong thực tế, việc xây dựng và phát triển BOT phải minh bạch hóa. Các khâu phải công bố công khai để nhân dân giám sát.
Thu tiền vé của dân thì phải làm cho đàng hoàng, tử tế. Còn chỉ cào lên, dải nhựa như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ rồi thu tiền như đường mới là không chấp nhận được".
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thì nêu ra nhận định, cái gốc của BOT vẫn là chưa minh bạch hóa. Từ khấu đấu thầu, xây dựng, đặt trạm thế nào cũng cần phải minh bạch rõ ràng, nhưng hiện nay hầu hết là chỉ định thầu, làm như vậy sẽ dẫn tới tiêu cực.
Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ |
"Vấn đề thấy rõ ở đây là các dự án BOT không có sự kiểm soát, kiểm toán chặt trẽ, thiếu minh bạch nên BOT được đặt ở những vị trí không đúng, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Mức phí mà doanh nghiệp BOT thu cũng không được minh bạch. Thời gian thu phí cũng không minh bạch.
Những điều đó khiến cho người dân, doanh nghiệp bức xúc và phản ứng, đó là chuyện đã được dự báo từ trước", ông Phong cho biết.
Nêu quan điểm về việc khắc phục những vấn đề tồn tại của BOT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có sự vào cuộc từ đầu của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, bất kỳ dự án nào cũng cần phải được kiểm toán trặt trẽ.
"Việc đánh giá BOT phải có cơ quan chuyên môn chuyên biệt đánh giá chứ không phải chủ đầu tư.
Việc kiểm toán phải có sự chính xác cho từng mức dự án, dạng dự án và vị trí tương đồng", ông Phong nói.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng gốc vấn đề của BOT thời gian qua vẫn là không minh bạch. ảnh: Ngọc Quang. |
Nói về tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” với những dự án đầu tư thì ít vẫn gắn mác BOT thu phí cao, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Vấn đề này cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, phải thực hiện đấu thầu công khai.
Dự án nào là BOT thì thực hiện đúng theo tinh thần đầu tư BOT, dự án nào không phải mà chỉ là sửa chữa thì dứt khoát không được thu như đường làm mới, mà BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là thí dụ rõ nhất.
Cần quy trách nhiệm người đứng đầu các quy hoạch, dự án. Khi đưa ra dự án cần có quy hoạch, căn cứ pháp lý, có sự khảo sát đánh giá hài hòa về lợi ích cộng đồng và lợi ích của nhà đầu tư.
Nếu có việc tư lợi, lợi ích nhóm thì cần phải thực hiện xử lý nghiêm. Không để xảy ra tình trạng sai phạm rồi, sau đó không ai xử lý rồi nói giảm giá vé để xoa dịu dư luận được", ông Phong cho biết.