Tiêu cực, lợi ích nhóm, góc khuất tại các dự án BOT đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ, thậm chí có chuyên gia pháp lý còn cho rằng nếu thấy có đủ yếu tố hoàn toàn để khởi tố những sai phạm tại các dự án BOT.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa đề nghị bỏ hai trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5 cũ. Ảnh: Tiến Thắng/Tuổi trẻ. |
Thực tế kết luận sai phạm của các dự án BOT đã được Thanh tra chính phủ, Kiểm toán nhà nước chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống gây bức xúc cho nhân dân.
Đây chính là nguyên dân dẫn đến hiệu ứng domino phản ứng gay gắt từ phía người dân tại các trạm BOT gây chú ý đặc biệt thời gian vừa qua.
Kết quả kiểm toán đã giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm đối với 24 dự án này. Đáng chú ý, trong đợt công bố này sẽ có trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Đáng chú ý, 24 báo cáo kiểm toán các dự án BOT sẽ được công bố trong tháng 9. Bước đầu, Kiểm toán nhà nước chỉ ra, các dự án BOT vẫn vi phạm các lỗi quen thuộc như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý...
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: "Đã sai phải xin lỗi dân!". |
Xung quanh vấn đề BOT đang gây bức xúc dư luận, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Lâm - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích: “BOT là một trong số rất nhiều các phương thức đầu tư trong nền kinh tế hiện nay.
Mỗi phương thức đều có mặt mạnh, mặt hạn chế và đều cần những điều kiện nhất định để thực hiện. Và cần những quy định, chế tài luật pháp để quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả.
Mặc dù thế giới đã sử dụng phương thức đầu tư này từ lâu, nhưng với nước ta thì vẫn còn là mới. Các văn bản, quy định có liên quan để quản lý BOT chưa được hoàn thiện hoặc còn nhiều bất cập, lỗ hổng, chưa đáp ứng thực tiễn”.
Đại biểu Trần Văn Lâm thẳng thắn chỉ ra: “Có thể nói nhiều dự án BOT đã có đóng góp lớn đối với việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của đất nước trong thời gian vừa qua.
Nhưng không vì thế mà để cho thành tích đó che lấp những bức xúc của người dân đối với một số công trình BOT hiện nay.
Và nhất là không được để BOT trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các nhóm lợi ích bắt tay, trục lợi trên những lỗ hổng của quy định, chính sách hiện hành và trên sức chịu đựng của người dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Ai nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là vô cảm" |
Phí chồng phí được doanh nghiệp, người dân nhắc đến nhiều đối với các dự án BOT hiện nay.
Người dân, doanh nghiệp trả tiền lẻ để phản ứng lại mức phí cao gấp nhiều lần sức chịu đựng bằng cách trả tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng khiến giao thông tắc nghẽn.
Về việc này, đại biểu Trần Văn Lâm phân tích: “Người dân, doanh nghiệp cần phải bình tĩnh nhìn nhận trên nhiều khía cạnh.
Có thể người dân bất bình với cung cách làm áp đặt, không công khai, thiếu minh bạch trong việc triển khai các dự án BOT, nên không tin tưởng vào mức độ hợp lý của mức phí mà mình phải gánh chịu.
Nhất là với thực tế vừa qua, hầu hết dự án BOT đều là chỉ định thầu; chi phí đầu tư, quản lý dự án không được công khai và quản lý chặt chẽ.
Qua thanh tra, kiểm tra một số trường hợp để xảy ra tình trạng đội vốn đầu tư so với định mức...
Bên cạnh đó, việc áp đặt các trạm thu phí ở các vị trí không hợp lý lại càng làm tăng nỗi bức xúc của người dân.
Những tiêu cực, những cái bắt tay của “nhóm lợi ích” suy cho cùng đều phải tính vào phí và người dân phải gánh hậu quả.
Người dân phản đối trạm BOT cũng còn từ một thực tế là sự thiếu công bằng trong chính sách đầu tư công.
Tại sao có nơi đường đi tốt, thậm trí đường đi tốt như cao tốc, nhưng không phải trả phí vì đường làm bằng tiền ngân sách nhà nước đầu tư.
Còn có nơi người dân buộc phải trả phí cao cho việc đi lại vì đường làm bằng BOT. Như vậy là không công bằng giữa các vùng, các địa phương.
Ngoài ra cũng không loại trừ có thể có một số yếu tố khác làm cho dân phản ứng quá mức”.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, nước nổi thì bèo nổi, không thể nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Ảnh: Quochoi.vn |
Giữa lúc dư luận bức xúc trước vấn đề thu phí tại nhiều tuyến đường BOT với mức giá cao, thậm chí người không đi cũng phải mất phí, hay kiểu "vặt đầu cá vá đầu tôm" như dự án đường 5 cũ thu cao gấp nhiều lần để bù thu cho cao tốc mới, có vị tiến sĩ nói rằng BOT không ảnh hưởng đến người nghèo.
Về ý kiến này, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng: "Nếu BOT được quản lý hiệu quả, phát huy vai trò tích cực, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội thì sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân nói chung thì trong đó có người nghèo cũng được hưởng lợi.
Và ngược lại, những hệ lụy nếu nó gây ra, trước tiên cũng ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và sự phát triển của đất nước. Không thể nói người nghèo đi xe máy, được miễn phí đi qua trạm BOT thì không bị tác động.
Bởi vì chi phí toàn bộ dự án BOT, hay phí nhà đầu tư thu về đều được phân bổ vào khu vực kinh tế mà nó tác động, làm tăng thêm chi phí đầu vào nền kinh tế, ảnh hưởng hiệu quả kinh tế chung của khu vực, tác động tới mọi người dân ở đó.
Nếu dự án BOT không mang lại những lợi ích kinh tế cho khu vực lớn hơn số phí mà người dân phải bỏ ra để trả cho nhà đầu tư, thì dự án đó chính là con đỉa hút máu người dân, kìm hãm sự phát triển của địa phương nơi có dự án BOT".
Kiến nghị bỏ 2 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5 Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh vừa kiến nghị Chính phủ nghiên cứu giảm phí hoặc xóa bỏ hai trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 5 cũ. Kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và một số bộ ngành liên quan sáng (19/9). Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị nên nghiên cứu xóa bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 để doanh nghiệp có sự lựa chọn giữa việc đi lại trên Quốc lộ 5 chậm nhưng miễn phí. Ngược lại doanh nghiệp muốn đi nhanh, rút ngắn thời gian thì lựa chọn đường cao tốc. |