Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

24/09/2017 07:09
Lại Cường
(GDVN) - Vấn đề của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực chất vẫn là thiếu minh bạch, việc giảm giá vé đến 25% chỉ là một chiêu trò nhằm xoa dịu dư luận.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã làm việc với nhà đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thống nhất trình Bộ Giao thông Vận tải phương án giảm 25% giá vé sử dụng đường bộ trên tuyến từ 15/10/2017.

Đến năm 2021 sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau đó 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.

Chủ đầu tư cho rằng nếu giữ mức phí hiện hành thì thời gian thu là 11 năm, nhưng giảm phí thì thời gian thu tang lên thành 17 năm.

Trước thông tin này, dư luận lập tức đặt ra câu hỏi: Phải chăng chiêu trò giảm giá vé 25% tại tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ là “đánh bùn sang ao” một cách thô thiển, khi mà mức phí giảm thì thời gian thu lại tăng lên?

Việc giảm giá vé phải chăng chỉ là một chiêu “né” tránh những phản ứng của dư luận sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm ở dự án này?

Vì vậy, việc cần làm lúc này của Bộ Giao thông Vận tải không chỉ đơn thuần chấp thuận mức giảm phí 25% ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ mà phải thực hiện chính xác vai trò quản lý nhà nước, làm rõ vấn đề Thanh tra Chính phủ đã nêu và xử lý theo hướng: Đầu tư 30% thì chỉ được thu phí tương ứng với con số đã đầu tư.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đầu tư 30% nhưng lại thu phí như làm đường cao tốc mới. Vấn đề này bao giờ mới được xử lý và công khai, minh bạch cho toàn dân biết? ảnh: Ngoc Quang.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đầu tư 30% nhưng lại thu phí như làm đường cao tốc mới. Vấn đề này bao giờ mới được xử lý và công khai, minh bạch cho toàn dân biết? ảnh: Ngoc Quang.

Kể từ khi được đưa vào khai thác, dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nổi lên là một trong những dự án có quá nhiều dấu hiệu bất thường về chi phí đầu tư và mức thu phí quá cao.

Suốt 3 năm qua, nhiều chuyên gia nghiên cứu về giao thông, các chuyên gia kinh tế, dư luận xã hội đã đặt ra vấn đề: Tại sao trên nền cốt sẵn có, chủ đầu tư chỉ rải thảm lại mặt đường mà vẫn thu phí cao như đường cao tốc làm mới hoàn toàn?

Tuy nhiên, tất cả những ý kiến của các chuyên gia, của dư luận xã hội đều bị chủ đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải phớt lờ. 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là một trong những dự án BOT triển khai và đưa vào khai thác khi ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ ảnh 2

Sai phạm, bất cập tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã rõ, giá thu phí có giảm?

Đến ngày 6/9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải và đã chỉ ra nhiều sai sót, bất cập.

Kết luận cũng chỉ ra, riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, dự án chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.

Đây là căn cứ rõ ràng nhất được phát đi từ cơ quan trực thuộc Chính phủ, khẳng định chính xác những vi phạm của chủ đầu tư và đương nhiên Bộ Giao thông Vận tải cũng không thể thoái thác trách nhiệm.

Phí cao hơn nhiều lần giá trị đầu tư, có lợi ích nhóm?

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia cầu đường của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cho rằng, bản thân trạm BOT giao thông Pháp Vân – Cầu Giẽ đã có rất nhiều bất cập từ khi triển khai và đưa vào vận hành, khai thác, do đó phản ứng của dư luận thời gian qua là có cơ sở.

Việc chủ đầu tư đề xuất giảm 25% phí không giải quyết được bản chất vấn đề, bởi vì đây có thể chỉ là “chiêu trò” của nhà đầu tư khi Thanh tra Chính phủ đã công bố các sai phạm.

Ý đồ của chủ đầu tư đã lộ ra ngay khi công bố thông tin, vì họ giảm phí nhưng lại tăng thời gian thu, như vậy chẳng khác nào “rút củi đáy nồi”.

Thực chất, với mức đầu tư 30% thì chủ đầu tư không được phép thu phí tới 45.000 đồng/1 lượt xe trên tuyến này, mà chỉ được thu số tiền tương ứng với khoản đầu tư thực tế.

Như vậy bản chất là phải giải quyết cho rõ vấn đề này, chứ không phải chỉ giảm 25% phí là xong. Dù có giảm phí cũng không thể đánh lừa được dư luận.

Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ ảnh 3

Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ!

Nói về việc tăng giá vé trở lại theo lộ trình đề xuất kể từ năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Vấn đề dư luận quan tâm vẫn là sự minh bạch của dự án của BOT này, những phần nào của nhà nước, phần nào của nhà đầu tư cần minh bạch hóa.

Sau con số giảm giá 25%, nếu các số liệu vẫn không được minh bạch hóa mà cứ tiếp tục tăng giá theo lộ trình đề xuất, lúc đó, nhà đầu tư sẽ càng lộ ra chiêu trò đánh lừa dư luận.

Việc tăng giá theo lộ trình 3 năm một lần 18% sẽ càng làm cho dư luận phản ứng dữ dội hơn nữa với BOT này”.

Trước câu hỏi, khi làm rõ vi phạm về mức thu của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, các xe qua trạm nhiều năm nay có được trả lại tiền?

Tiến sĩ Đức nhận định: “Đã thu tiền rồi, bây giờ trả lại rất khó. Điều quan trọng nhất lúc này là phải truy ngược lại từ gốc, tại sao anh đầu tư 30% mà lại thu phí cao như vậy? Ai đồng ý cho thu mức cao như thế?

Tiếp đó, cần phải thống kê lại, thời gian đó anh thu được bao nhiêu, sau đó lấy con số tổng thể ra để trừ lấy phần còn lại, lúc đó, con số còn lại sẽ quyết định việc thu giá vé như thế nào và trong bao nhiêu năm.

Việc minh bạch này sẽ rất quan trọng để đưa giá vé về đúng với mức đầu tư, nếu Bộ Giao thông không chủ động làm thì phải có cơ quan nào khác yêu cầu thực hiện và giám sát”.

Ngoài sự bất minh tại tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, có nhiều trạm thu phí khác cũng đã bị người dân, doanh nghiệp phản ứng bằng cách trả tiền lẻ, trong đó phải kể tới trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Trạm BOT đường 5 cũ (Hưng Yên)…

Sự nhập nhèm trong chỉ định thầu tại các dự án BOT giao thông, không minh bạch vốn đầu tư, mức phí trên tuyến… đã được cảnh báo sẽ gây ra gánh nặng cho cả người dân, doanh nghiệp và phản ứng của họ là hệ quả từ sự quản lý yếu kém ở ngành giao thông Vận tải những năm gần đây.

Để giải quyết vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức: “Không có biện pháp nào tốt hơn là thanh tra toàn diện và minh bạch hóa các vấn đề giữa nhà đầu tư, nhà nước và các doanh nghiệp.

Sau khi có kết quả thanh tra phải xử lý các sai phạm. Sai đâu sửa đấy, khắc phục dứt điểm tình trạng nhập nhèm như hiện nay. Tất cả các vấn đề tồn tại xử lý ra sao phải công khai minh bạch cho dân biết.

Sau này, việc đấu thầu, đầu tư cho các dự án BOT giao thông cũng phải minh bạch ngay từ đầu thì mới ngăn chặn được lợi ích nhóm. Có như vậy các dự án BOT mới có thể đi vào hoạt động và có được sự đồng thuận của dư luận”.

Bức xúc với quá nhiều sai phạm tại các dự án BOT giao thông, Đại biểu Quốc hội khóa 13 – ông Nguyễn Ngọc Bảo nói thẳng, do cách điều hành, quản lý, xây dựng hành lang pháp lý đang bị buông lỏng đã tạo kẻ hỡ, cơ hội cho việc trục lợi, lợi ích nhóm.

Kết quả của việc quản lý như vậy đã dẫn tới sự phản ứng kịch liệt của người dân những ngày gần đây.

Ông Bảo phân tích: “Triển khai các dự án theo hình thức BOT là chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta phải quản lý, kiểm soát để đảm bảo lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích đất nước chứ không phải lợi ích nhóm. Tôi đảm bảo đa số dự án BOT giao thông có bóng dáng của lợi ích nhóm.

Cứ ông nào được làm BOT là tất nhiên có nhiều tiền. Từ "tay không bắt giặc" nói về đầu tư vào BOT là hoàn toàn chính xác.

Các dự án BOT bị đội giá đến mức độ hầu như nhà đầu tư không phải bỏ tiền túi ra mà vẫn có lãi. Quy định hiện nay cũng không chặt chẽ nên nhà đầu tư không có năng lực tài chính vẫn trúng thầu và được vay quá nhiều.

Hệ lụy là bây giờ người dân, doanh nghiệp không chịu nổi phải phản ứng, còn Chính phủ thì đang vất vả giải quyết những sự cố ấy”.

Lại Cường