Vẫn còn có Đảng viên chưa biết sợ, vẫn bè phái, tạo lợi ích cho mình

13/10/2017 07:05
QUỐC TOẢN
(GDVN)- "Trong thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, để tham nhũng, tạo vây cánh, đưa người nhà vào cơ quan nhà nước...", ông Diến nói.

Người dân đồng tình, hưởng ứng việc xử lý vi phạm của cán bộ cấp cao

Đánh giá về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 6, đề cập đến nội dung về công tác cán bộ, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng:

Vẫn còn có Đảng viên chưa biết sợ, vẫn bè phái, tạo lợi ích cho mình ảnh 1

Bà Bùi Thị An nói về điều quan trọng nhất khi xử lý cán bộ cấp cao vi phạm

"Việc đưa ra, xử lý nhiều cán bộ cấp cao vi phạm trong thời gian vừa qua thể hiện quyết tâm của Đảng mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW, về việc việc nhận diện, xử lý các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc Tổng Bí thư đề cập tới vụ việc một số cán bộ cấp bị xử lý vi phạm, cũng chính là lời cảnh tỉnh, răn đe những cán bộ, đảng viên đã, đang có những suy nghĩ, hành vi sai trái, đồng thời yêu cầu lãnh đạo phải có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Việc xử lý nghiêm cán bộ vi phạm cũng thể hiện tinh thần đấu tranh của Đảng trước những suy thoái của cán bộ, theo tinh thần không có vùng cấm, không khoan nhượng, loại trừ ai nếu người đó vi phạm", Đại biểu Mai Sỹ Diến nêu quan điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh đăng trên Báo điện tử infonet.vn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh đăng trên Báo điện tử infonet.vn.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa cũng cho rằng, công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của những vấn đề có tính then chốt.

"Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều quy định của Đảng về công tác cán bộ, nhưng việc thực hiện chưa được bài bản, đồng bộ. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm của cán bộ còn gặp nhiều khó khăn.

Chúng ta đã nhiều lần nhắc đến vấn đề xử lý cán bộ vi phạm, nhưng từ lời nói tới hành động là việc làm không dễ dàng.

Nhưng cái mới trong phát biểu của Tổng Bí thư chính là lời nói đi đôi với hành động.

Vẫn còn có Đảng viên chưa biết sợ, vẫn bè phái, tạo lợi ích cho mình ảnh 3

Phòng chống tham nhũng: "Cả cái lò phải nóng lên, tất cả cùng vào cuộc"

Hành động đó được thực hiện một cách rốt ráo và nghiêm túc, được nhân dân đồng tình, ủng hộ", ông Diến nhận định.

Vị Đại biểu này cũng cho rằng, tính nhân văn trong phát biểu của Tổng Bí thư:"Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác tự gột rửa", cũng chính lời nhắn nhủ cho cán bộ phải tự giác kiểm điểm nghiêm túc vi phạm của bản thân trước tổ chức Đảng...

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh phân tích thêm: "Việc xử lý vi phạm, chấn chỉnh công tác cán bộ là việc làm hết sức cần thiết trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành hiện nay.

Mỗi cán bộ đảng viên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có thể có những khuyết điểm, thậm chí là sai lầm, thì phải tự giác sửa chữa để làm cho Đảng ta trong sạch hơn.

Tôi cho rằng, việc cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân", ông Sơn nói.

Vi phạm của một số cán bộ cấp cao chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nhận định, những vi phạm của một số cán bộ đã được chỉ rõ tại các cuộc kiểm tra gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

"Trong thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, để tham nhũng, tạo vây cánh, bè nhóm đưa người nhà vào cơ quan quản lý nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng.

Sự việc gây bất bình cho cán bộ Đảng viên và như Tổng Bí thư đã nói, những vi phạm của cán bộ làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng.

Và thực tế, nếu dân mất niềm tin vào Đảng, vào cán bộ,  thì đó sẽ là nguy cơ lớn đối với Đảng ta.

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến. Ảnh đăng trên Báo Thanh tra Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến. Ảnh đăng trên Báo Thanh tra Chính phủ.

Do đó, chúng ta phải xác định thẳng thắn với nhau rằng, để làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước trong công tác cán bộ phải triển khai thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất: Cần thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Việc vận dụng quy định này phải xin ý kiến của Trung ương chứ không phải địa phương này làm một đường, địa phương kia làm một kiểu. 

Thứ 2: Cần thực hiện ráo riết, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái của cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TW (Nghị quyết này chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ).

Vẫn còn có Đảng viên chưa biết sợ, vẫn bè phái, tạo lợi ích cho mình ảnh 5

Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực

Thứ 3: Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh hơn nữa những khuyết điểm, vi phạm của cán bộ từ trên xuống dưới.

Có làm kiên quyết như vậy mới có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe để cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành, để họ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chức trách được giao đặc biệt là trong việc luân chuyển cán bộ.

Thứ 4: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Người đứng đầu đơn vị, tổ chức không nghiêm thì mọi việc sẽ méo mó. Thực tế, có những lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng tập thể để hiện thực hóa ý đồ cá nhân gây bức xúc cho nhân dân. Người xưa đã nói: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" là như vậy.

Do đó, cần phát huy vài trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu, trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là trong công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Nếu việc này được thực hiện đồng bộ, công khai, minh bạch từ cấp Trung ương tới địa phương, theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chắc chắn rằng, công tác cán bộ sẽ tốt lên rất nhiều", Đại biểu Mai Sỹ Diến kỳ vọng.

Nhấn mạnh thêm vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, ông Sơn phân tích: "Công tác cán bộ là công tác then chốt của Đảng, là cái gốc của mọi câu chuyện.

Để làm tốt công tác này, thì người làm công tác cán bộ phải hết sức công tâm, khách quan, dân chủ. Đánh giá cán bộ một cách toàn diện, không vội vàng, càng không được có cái nhìn phiến diện.

Cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng, theo dõi và căn cứ vào năng lực thực tế, kết quả làm việc của họ để làm thước đo cất nhấc cán bộ sao cho phù hợp", ông Sơn nêu quan điểm.

QUỐC TOẢN