Bà Bùi Thị An nói về điều quan trọng nhất khi xử lý cán bộ cấp cao vi phạm

12/10/2017 07:02
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vì lợi ích toàn cục để xử lý những cán bộ hư hỏng, những nhóm lợi ích đe dọa sự phát triển của đất nước", bà An nói.

Nghiêm khắc trong xử lý cán bộ vì đại cục

Đề cập đến nội dung về công tác cán bộ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật thì chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.

Bà Bùi Thị An nói về điều quan trọng nhất khi xử lý cán bộ cấp cao vi phạm ảnh 1

"Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác tự gột rửa"

Tổng Bí thư cũng nhắc việc Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh.

Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung:

“Đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa!”.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng: "Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".

Phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú đề cập tới công tác cán cán bộ ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi đó không chỉ đơn thuần chỉ là lời nói, mà quan trọng hơn hết chỉ đạo đó đã được hiện thực hóa bằng hành động. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, "từ nay trở đi bất cứ ai vi phạm kỷ luật đều bị xử lý". Ảnh: VGP
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, "từ nay trở đi bất cứ ai vi phạm kỷ luật đều bị xử lý". Ảnh: VGP

Bình luận về phát biểu của Tổng Bí thư, trong đó có việc xử lý vi phạm của cán bộ, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng:

Những hành động cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý.

"Trước đây người ta thường nghĩ rằng, việc xử lý cán bộ cấp cao vi phạm chỉ theo kiểu "giơ cao đánh khẽ" hoặc nếu có xử lý thì cũng chỉ đơn thuần là kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Nhưng với việc hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao vừa bị đưa ra xử lý một cách công khai, minh bạch, nghiêm minh, đã xóa tan những nghi ngờ, băn khoăn của nhân dân.

Nó thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý.

Bà Bùi Thị An nói về điều quan trọng nhất khi xử lý cán bộ cấp cao vi phạm ảnh 3

Phản ứng của dư luận với kết quả Hội nghị Trung ương 6

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vì lợi ích toàn cục để xử lý những cán bộ hư hỏng, những nhóm lợi ích đe dọa sự phát triển của đất nước.

Sự thống nhất theo nguyên tắc xử lý vi phạm không có vùng cấm từ trên xuống dưới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, cũng chính là cách củng cố và giữ vững lòng tin chính trị của nhân dân đối với Đảng, mà nếu chỉ có một mình Tổng Bí thư quyết tâm thôi chưa đủ. 

Đây là điều quan trọng nhất trong việc xử lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao có vi phạm.

Hành động đó cũng thuận lòng dân và phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững của đất nước", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định. 

Nguyên Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng câu nói của Tổng Bí thư: "Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác tự gột rửa" vừa thể hiện sự nghiêm khắc, lời cảnh báo cho cán bộ vi phạm, trót nhúng tràm, nhưng chưa bị lộ, nên biết điều mà hối cải để nhận khuyết điểm.

Công khai, minh bạch trong tuyển chọn sẽ tránh được sai lầm về công tác cán bộ

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, công tác cán bộ là căn nguyên của mọi vấn đề phát sinh trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước nói chung.

Do vậy, việc đề xuất cần thiết phải tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi cả nước theo đề nghị của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội là điều hết sức cần thiết.

Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Bà An cũng cho rằng, qua những vụ việc đã xảy ra, cơ quan có thẩm quyền cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tuyển chọn cán bộ.

"Phải thực hiện tuyển chọn cán bộ chặt chẽ ngay từ đầu vào.

Phương thức tuyển chọn phải công khai, minh bạch. Ví dụ, một vị trí việc làm phải có nhiều ứng viên cạnh tranh, thi thố.

Nói thì rất dễ, nhưng làm thì không dễ chút nào nếu chúng ta không có quyết tâm.

Tôi tin rằng, nếu công tác cán bộ được thực hiện công khai minh bạch, thì những sai lầm, tiêu cực trong công tác cán bộ đặc biệt là việc ưu ái cho "con ông cháu cha" sẽ được dẹp bỏ", bà An nói.

XUÂN QUANG