Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực

11/10/2017 14:48
Theo Báo Chính Phủ
(GDVN) - Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực...

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết như vậy khi đề cập đến nội dung về kinh tế-xã hội năm 2017-2018 trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đồng thời nêu bật các kết quả trên các lĩnh vực cụ thể như:

Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân của cả 3 quý lên 6,41%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính-ngân sách nhà nước được tăng cường.

Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ đô la, tăng thêm 6 tỉ đô la so với cuối năm 2016.

Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Xuất khẩu đạt 154 tỉ đô la, tăng 19,8% so với cùng kỳ.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt; có gần 94.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 43,5% về vốn so với cùng kỳ.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,77%; khu vực nông nghiệp phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng gần 3%, gấp hơn 4 lần năm 2010;

Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008; khách du lịch quốc tế đạt 9,45 triệu lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ;

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

Dự báo, đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đặc biệt là, đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế;

"Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác tự gột rửa"

(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật thì chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới.

Khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng còn lớn; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để.

Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm.

Nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát. Trật tự an toàn, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn.

Quản lý báo chí, thông tin truyền thông, nhất là các mạng xã hội còn nhiều bất cập.

Trong những tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, cần dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than.

Năm 2018, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển văn hoá, thực hành dân chủ và công bằng xã hội.

Đồng thời, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Cùng với đó là tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh;

Khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phân hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục cơ cấu lại thu-chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn.

Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo Báo Chính Phủ