Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân

19/11/2017 06:31
Khánh Văn
(GDVN) - Món quà vô giá mà thầy cô muốn nhận nhất là phụ huynh cùng kết hợp với thầy cô, với nhà trường giáo dục các em khôn lớn, trưởng thành.

LTS: Nhân dịp kỉ niệm ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11, thầy giáo Khánh Văn chia sẻ một số cảm nghĩ về nghề giáo, tình thầy trò và món quà tinh thần mà thầy cô mong muốn được nhận.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi năm cứ đến dịp 20/11, chúng ta lại nghe nói nhiều về chuyện tặng quà cho thầy cô giáo.

Là một người đang trực tiếp giảng dạy ở một trường phổ thông và cũng có con đang theo học trong một trường tiểu học ở một thành phố nên tôi mong sao ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11 không phải dịp xã hội "trả nợ thầy cô".

Quý phụ huynh không cần phải tặng quà, không cần phải đến nhà thầy cô vì sợ con em mình bị "đì", hay vì trào lưu xã hội. Hãy xem nghề dạy học của thầy cô như bao nhiêu ngành nghề khác.

Vấn đề quan trọng nhất là cha mẹ học sinh cùng kết hợp với thầy cô, với nhà trường giáo dục, dạy dỗ các em khôn lớn, trưởng thành. Đó là món quà vô giá mà thầy cô muốn nhận nhất.

Vừa là phụ huynh vừa là giáo viên, cá nhân tôi chỉ mong sao, nếu bậc cha mẹ nào thực sự muốn bày tỏ lòng tri ân đến người dạy dỗ con mình, thì xin đừng vật chất hóa ngày Hiến chương các Nhà giáo bằng những món quà đắt tiền, hay phong bì cho thày cô.

Bởi "muốn sang thì bắc cầu kiều", người Việt Nam ta từ xưa đến nay thường trọng cái tình, luôn muốn thể hiện lòng biết ơn với thầy cô đang trực tiếp giảng dạy con mình.

Vì thế, những món quà tặng thầy cô nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11 được xem là sự tri ân với người thầy.

Ngày trước, đó là những món quà dân dã chốn thôn quê đượm nghĩa tình.

Giờ đây, điều kiện kinh tế khá giả khiến phú quý sinh lễ nghĩa. Ngày xã hội tôn vinh thầy cô cũng bị "thương mại hóa" ít nhiều.

Có nhiều lý do khác nhau khiến không ít cha mẹ học sinh, nhất là phụ huynh có con đang học mầm non, tiểu học ở các thành phố lớn lại muốn tặng cho thầy cô những món quà xa xỉ, đắt tiền.

Vì thế, cứ đến dịp 20/11 là các cửa hàng bán văn phòng phẩm lại chuẩn bị những món quà thật “ý nghĩa” để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhiều phụ huynh xem việc tặng quà không thiết thực nên tặng thầy cô mình hẳn một “phong bì” …cho tiện.

Người nào tế nhị thị tặng bó hoa tươi và khéo léo bỏ chiếc phong bì vào trong bó hoa, người nào cảm thấy không cần thiết thì đưa tay cho cô chiếc phong bì.

Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân ảnh 2

Có nên tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 không?

Và một số thầy cô và phụ huynh xem đó là tiện và thiết thực nhất.

Suốt thời gian cấp 3 và sau này học đại học, tôi có một may mắn là đều làm lớp trưởng nên mỗi khi đến dịp 20/11 đều là người đứng ra tổ chức việc đi thăm thầy cô giáo đang dạy mình.

Thầy cô dạy chúng tôi nhiều lắm, mỗi môn 1 thầy, mà suốt nhiều năm như vậy nên việc nhớ tất cả thầy cô là không thể.

Nhưng, chỉ biết rằng tình cảm thầy trò thời đó đẹp lắm, tôi vẫn còn nhiều ấn tượng với một số thầy cô đã dạy mình.

Lúc đó, những thầy cô xa trường thì chúng tôi cử đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô vào tiết dạy gần nhất của ngày 20/11, thầy cô ở gần thì chúng tôi tổ chức đến nhà.

Thời đó, nhiều khi vì ham chơi mà lớp tổ chức đi thăm thầy cô cả ngày. Có những lúc đói rã rời nhưng không đứa nào bỏ cuộc.

Đến nhà thầy cô nào cũng thấy thầy cô yêu thương học trò vô cùng. Nào là bánh trái, nước nôi, thậm chí còn được thầy cô nấu cơm cho ăn nữa.

Những món quà chúng tôi tặng thầy cô chỉ là những bó hoa tươi hoặc bộ ấm chén uống nước, cao lắm là chiếc áo bình dân mà không biết thầy cô có mặc có vừa không.

Thế nên, nếu nói đó là vật chất thì nó chẳng đáng gì bởi tình cảm, sự yêu thương mà thầy cô đã dành cho chúng tôi ấm áp vô cùng.

Xa trường hàng mấy chục năm nhưng mỗi khi nhớ về thầy cô, chúng tôi luôn nhớ về những kỉ niệm tốt đẹp và đầy nghĩa tình thuở ấy.

Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân ảnh 3

Những bông hoa núi rừng - món quà hạnh phúc của cô giáo vùng cao

Ra trường, đã hàng chục năm đứng trên bục giảng ở một trường huyện, điều mà tôi cũng như bao thầy cô khác luôn tâm niệm là dành tất cả tình yêu thương cho học trò.

Ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11 được xã hội ưu ái dành riêng để tôn vinh người thầy thì có lẽ ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi mình theo đuổi nghề dạy học.

Có lẽ không mấy thầy cô nghĩ đến những chiếc phong bì hay những món quà xa xỉ làm gì.

Bởi có rất nhiều thầy cô hiện nay đang dạy học ở vùng nông thôn, miền núi. Hàng tháng, chúng tôi đang còn góp tiền để làm qũy khuyến học cho học trò thì mấy ai nghĩ đến những chiếc phong bì như bao câu chuyện trên báo chí.

Và đa số học sinh nơi chúng tôi dạy không tặng quà cho thầy cô, nếu có thì đó là những bông hoa làm bằng giấy, những món quà tự tay học sinh làm nhưng nó chứa chan tình cảm.

Đứa con trai của tôi đang học tại 1 trường tiểu học ở thành phố cũng chẳng bao giờ tặng thầy cô mình bằng những món quà đắt tiền hay phong bì.

Chỉ là những lẵng hoa nho nhỏ, giản dị. Và, tôi biết thầy cô dạy con mình cũng sẽ hạnh phúc khi đón nhận những món quà tinh thần như vậy.

Tôi cũng tin rằng đại đa số các thầy cô chẳng ai nỡ so bì món quà này với món quà kia.

Vì năm nào con tôi cũng đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập, thầy cô vẫn quan tâm tới con tôi như bao nhiêu bè bạn trong lớp.

Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân ảnh 4

Thay vì tặng hoa, xin đừng làm thầy cô buồn

Viết đến đây, tôi lại chợt nghĩ đến hàng chục ngàn giáo viên đang giảng dạy tại các tỉnh miền Trung vừa chịu bão lũ trong những ngày qua.

Một số sở giáo dục và đào tạo đã thông báo các trường không tổ chức ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11 mà thấy chạnh lòng, thương cảm.

Và cảm động hơn nữa là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa gặp gỡ 60 “thầy giáo” mang quân hàm xanh đang công tác tại các đồn biên phòng khắp nơi trên tổ quốc.

Đẹp biết bao khi những người lính biên phòng bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biên cương, hàng chục năm qua đang làm thiên chức “người thầy” đem những con chữ gieo trên những nẻo biên cương xa xôi của  đất nước.

Và, những “người thầy” như thế đẹp mới đáng trân qúy làm sao.

Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều bậc cha mẹ học sinh có tâm lí là không tặng quà cho thầy cô của con mình là thầy cô phân biệt hoặc “đì” con em mình.

Chúng tôi không nói là tất cả, nhưng chắc chắn rằng đại đa số thầy cô giáo khi theo đuổi nghề sư phạm luôn giữ được sự trong sáng của đạo làm thầy.

Tình thầy trò sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi người lớn chúng ta nêu gương, giáo dục các em học sinh một lối sống trong sáng, không bon chen, không quà cáp, không tạo áp lực cho nhau.

Chỉ cần thế thôi đã là món quà đáng quí nhất cho người thầy trong ngày cả xã hội tôn vinh các Nhà giáo.

Khánh Văn