LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới rất gần, tiếp tục bàn về vấn đề có nên tặng quà cho các thầy cô giáo vào ngày này hay không, tác giả Bùi Nam đã có những chia sẻ và quan điểm về việc này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Xin bắt đầu bài viết bằng một câu nói “Dưới ánh hào quang của mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo” để thấy rằng dù trong thời đại nào, giai đoạn nào thì nghề giáo luôn luôn là một nghề cao quý trong tất cả các nghề.
Giáo viên không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy cho các em học sinh cách làm người. Nhân cách, đạo đức của nhà giáo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành phẩm chất, năng lực và đạo đức học sinh.
Tất cả mọi người dù ở cương vị nào từ lãnh đạo đến nhân dân cả nước đều phải xuất thân từ mái trường nơi có các thầy, cô giảng dạy.
Nên hay không nên tặng quà cho giáo viên nhân ngày 20/11 (Ảnh minh họa: giadinh.net.vn). |
Nhân sự kiện cả nước nô nức chuẩn bị cho ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 xin gửi đến tất cả các đồng nghiệp, những người đã, đang, sẽ làm thầy và cả những em học sinh có ý định sẽ trở thành những giáo viên tương lai những lời chúc chân thành và tốt đẹp nhất.
Chúc mọi người luôn dồi dào sức khỏe, luôn dành hết sức lực, trí lực của mình để dạy tất cả những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ học sinh cho dù ở hoàn cảnh nào, cương vị nào.
Từ đó, giúp cho thế hệ học sinh tương lai của đất nước không chỉ giỏi về kiến thức mà còn có đạo đức, nhân cách đưa đất nước Việt Nam sánh vai các nước phát triển trên thế giới.
Hình ảnh nhiều giáo viên phải băng rừng, lội suối, vượt qua chông gai thử thách để đưa con chữ đến vùng núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay những giáo viên sẵn sàng hy sinh tương lai, gia đình để dạy cho các em học sinh.
Sự hy sinh cao cả, thầm lặng của nhiều giáo viên ở vùng lũ, phải đu dây hay nằm trong bao kéo qua sông để đến được nơi giảng dạy, dù có thể nguy hiểm đến sức khỏe và cả về tính mạng nhưng họ vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp để gieo con chữ cho con trẻ cho thấy sự hy sinh cao cả và thầm lặng của người giáo viên.
Làm sao để nhà giáo thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11 |
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để học sinh và những người đã và đang ngồi trên ghế nhà trường tri ân giáo viên cả nước.
Tra từ điển Việt Nam thì “tri ân” là hành động nhớ lại (nhìn lại) ân nghĩa của những người từng dạy cho mình. Nên không chỉ có các em học sinh tri ân thầy, cô mà ngày 20/11 còn là dịp để tất cả những người đã từng học tri ân những người đã từng dạy dỗ, giúp đỡ mình.
Đó là ngày của giáo viên, giáo viên mong đến ngày 20/11 để thấy được sự trưởng thành, giỏi giang, thành công của các học sinh mà mình từng giảng dạy.
Nhưng, giáo viên mong đợi gì ngày 20/11, giáo viên có muốn được nhận những món quà từ các em học sinh hay không?
Giáo viên trông chờ gì nhất vào ngày 20/11
Sản phẩm của giáo dục là con người, nghề giáo là một nghề cao quý nên chắc chắn không chỉ riêng ngày 20/11 mà trong suốt sự nghiệp trồng người của mình, các thầy cô giáo luôn tâm niệm và luôn luôn mong muốn các em học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi và trở thành người có ích.
Nên món quà giáo viên mong chờ và quý nhất không phải là những món quà vật chất mà đó chính là sự học tập ngày càng tiến bộ, ngoan hiền, lễ phép không chỉ kính trọng thầy, cô mà còn kính trọng ông, bà, cha, mẹ, người lớn tuổi, thương yêu người nhỏ.
Giáo viên muốn học sinh sau này trở thành những con người có ích cho xã hội, giúp đỡ người nghèo khó,…Đó chính là điều mong muốn nhất của mỗi người giáo viên.
Nói như thế không nghĩa là phủ nhận ý nghĩa lớn lao của những món quà nhỏ mà các em dành tặng cho giáo viên. Vậy giáo viên thật lòng muốn nhận những món quà như thế nào? Học sinh nên và không nên tặng quà gì và như thế nào cho giáo viên.
Nên…
Ngày 20/11 là dịp để tri ân người giáo viên nên nếu học sinh tới thăm người thầy của mình có mang theo món quà dù là tinh thần hay vật chất thì người giáo viên đều vô cùng trân quý.
Món quà tinh thần lớn lao mà các em mang theo đó là sự thành đạt của bản thân, bạn bè, những lời chúc thật lòng của học sinh dành cho giáo viên.
Những dòng tin nhắn, những lời chúc có thể qua các mạng xã hội hay điện thoại di động cũng làm ấm lòng giáo viên và đối với giáo viên thế là đủ.
Về những món quà vật chất nếu có chỉ nên là những món quà đơn giản do chính tay học sinh làm hay các em tự để dành tiền mua như những tấm thiệp, nhành bông, cây viết, quyển sách,…bằng tấm lòng thật sự kính trọng và thương yêu.
Không nên…
Học sinh đang ngồi học trên ghế nhà trường không nên và tuyệt đối không được tặng quà giáo viên bằng phong bì hay những phần quà đắt tiền xa xỉ.
Nó là hình ảnh cực kỳ phản cảm, làm mất đi sự cao quý của nghề giáo trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh và ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức học sinh.
Đừng để chiếc phong bì làm méo mó tình cảm thầy trò |
Giáo viên thực hiện thiên chức làm thầy đã hưởng lương, chế độ của nhà nước, việc giáo viên nhận các phong bì, hay các món quà vật chất xa xỉ thực chất từ phía phụ huynh để “giúp đỡ” cho các con em họ là điều tuyệt đối không nên.
Đa số giáo viên nhận phong bì hay vật chất đắt tiền chính là từ phía học sinh đang dạy trên lớp, sau khi nhận tiền thì đương nhiên “bánh ít đi bánh quy lại” giáo viên cũng phải “đối xử tốt” với học sinh kể cả học sinh đó có vi phạm kể cả về mặt đối xử, điểm số…Nhiều học sinh không tặng quà thì bị chì chiết, đay nghiến, đối xử bất công.
Đây có thể coi đó là hành vi lợi dụng sự ảnh hưởng của giáo viên (trực tiếp giảng dạy hoặc công tác chủ nhiệm) trục lợi, tư lợi cho bản thân và hành vi tham nhũng (hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, và lợi dụng quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi).
Một số hình ảnh méo mó
Một số giáo viên đang giảng dạy thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng, hám lợi vật chất nên xem ngày 20/11 là ngày để tư lợi cho bản thân.
Nhiều giáo viên còn đem khoe “chiến tích” của mình nhận được là các phong bì, các món quà đắt tiền trên mạng xã hội, coi nó như là “đẳng cấp”, “thành quả” của giáo viên trong ngày 20/11 mà không nghĩ rằng nó không xuất phát từ tấm lòng học sinh mà chỉ là sự “mua chuộc” sự yên bình của học sinh từ phía phụ huynh.
Nhiều giáo viên không nghĩ đến những vất vả của các phụ huynh để có những món quà đó. Nhiều giáo viên vì nhận các món quà trên mà đối xử bất công với chính học sinh trên lớp đang giảng dạy của mình, làm méo mó hình ảnh giáo viên trong mắt phụ huynh và học sinh làm mất đi sự cao quý của người thầy.
Nhiều giáo viên không biết rằng phía sau lưng họ sẽ là những nỗi oán trách, coi thường giáo viên, coi thường nghề giáo của của phụ huynh sau khi tặng quà.
Nó cũng làm cho học sinh có ấn tượng không tốt về nghề giáo, ám ảnh học sinh về hình ảnh các phong bì, nhận quà đút lót,…có thể ảnh hưởng tương lai học sinh
Nhiều giáo viên chân chính không muốn nhận những món quà như trên nhưng nhiều phụ huynh cứ nằng nặc tặng hoặc bỏ lại những món quà đắt tiền ở nhà giáo viên làm giáo viên rất khó xử.
Đã đến lúc ban giám hiệu cần thông báo rộng rãi trong toàn thể phụ huynh, học sinh về ý nghĩa của ngày 20/11 và việc giáo viên không nhận phong bì hay các món quà đắt tiền.
Đó cũng là cách để tôn vinh người thầy, tôn vinh nghề giáo lấy lại hình ảnh cao quý của người thầy trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tấm gương sáng về nhà giáo để chúng ta noi theo và học tập suốt đời.
Một lần nữa xin dành sự tri ân chân thành đến giáo viên trên mọi miền đất nước.