Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2)

19/12/2017 06:46
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Đêm ngày 18/12, đế quốc Mỹ huy động 90 lần chiếc máy bay chiến lược B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật lao về hướng Hà Nội.

LTS: Tiếp theo phần 1, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi tiết diễn biến trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" với sự chiến đấu kiên cường của quân dân Thủ đô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đêm ngày 18/12, đế quốc Mỹ huy động 90 lần chiếc máy bay chiến lược B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật xuất phát từ đảo Guam và từ các căn cứ không quân ở Thái Lan lao về hướng Hà Nội.

Đội hình máy bay địch kéo dài hàng chục ki lô mét được màn nhiễu điện tử che phủ ngược sông Mê Kông lên Tây Bắc rồi theo các dải núi bay vào Hà Nội.

Đồng thời, hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật cũng lao vào đánh phá Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc.

19 giờ 10 phút, các đài ra-đa cảnh giới từ xa của ta đã phát hiện chính xác và kịp thời báo cáo về sở chỉ huy trung tâm: B52 đang bay vào Hà Nội.

19 giờ 25 phút, không quân ta cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ. Các đài ra-đa của các trận địa tên lửa cũng bắt đầu thu được tín hiệu của B52.

Đơn vị tên lửa X lập nhiều chiến công giòn giã, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có ngày bắn rơi 3 chiếc. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN.
Đơn vị tên lửa X lập nhiều chiến công giòn giã, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có ngày bắn rơi 3 chiếc. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN.

Trên hệ thống loa truyền thanh, Sở chỉ huy phát đi thông báo, máy bay Mỹ đã vào Hà Nội và ra lệnh cho các lực lượng chiến đấu kiên quyết đánh trả, bảo vệ thủ đô.Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Thủ đô ra lệnh báo động toàn thành phố.

Lập tức còi báo động từ Nhà hát lớn, Quảng trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ và nhiều nơi khác nổi lên khẩn cấp.

Từ 19 giờ 40 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B52 (mỗi tốp 3 chiếc) giội bom xuống các khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm và nhiều nơi khác.

Cuộc chiến đấu giữa lực lượng phòng không ta và máy bay địch diễn ra vô cùng ác liệt.

Những loạt đạn tên lửa, pháo cao xạ ở phía tây và bắc thành phố bắn liên tiếp làm sáng rực bầu trời trong đêm.

Tiểu đoàn 59 tên lửa do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy đã bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên.

Chiếc máy bay bị nổ tung rơi xuống cánh đồng giữa hai xã Phù Lỗ và Đồng Xuân thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

Đây là chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cũng là chiếc B52 đầu tiên bị bắn tan xác tại chỗ trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương.

Cùng lúc đó, một tiểu đoàn tên lửa khác của ta vừa phát hiện được địch, chưa kịp bắn đã bị tên lửa của chúng phóng xuống trận địa, làm một số cán bộ, chiến sĩ thương vong, khí tài bị hư hỏng.

Các trung đoàn cao xạ 260, 212 bảo vệ khu vực sân bay Nội Bài, Cầu Đuống, Gia Lâm... cũng bị máy bay B52 ném bom vào trận địa.

Mặc bom đạn dữ dội, ở hai xã Đồng Xuân và Phù Lỗ, nơi máy bay B52 rơi, cuộc đuổi bắt giặc lái Mỹ làm náo động cả một khu vực.

Các cán bộ xã đội Đoàn Tấu, Trịnh Soi, Nguyễn Văn Lâm dẫn quân cơ động cùng nhân dân lùng sục từng bụi tre, vườn chuối.

Bọn giặc lái, tên lơ lửng trên bụi tre gai, tên nằm úp mặt giữa hai luống cày, có tên chưa kịp tháo dù đã bị bắt trói.

Được tận mắt nhìn thấy máy bay B52 cháy và rơi tại chỗ, quân dân thủ đô có thêm sức mạnh, càng chiến đấu bền bỉ, kiên cường.

Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.
Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.

2 giờ sáng ngày 19/12 (cách đợt một 4 giờ) máy bay B52 vào ném bom Hà Nội lần thứ hai và đến 4 giờ 30 phút là đợt ném bom thứ ba.

Đợt này chúng rải thảm xuống khu vực Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì, xã Nhân Chính, nhà máy cao su Sao Vàng...

Các trận địa tên lửa và pháo cao xạ liên tục đánh trả địch. Tiểu đoàn 77 tên lửa từ khu vực Chèm phóng đạn, tiêu diệt 1 máy bay B52.

Xác chiếc máy bay này rơi xuống cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai.

Tên giặc lái bị bắt nói y đã lái chiếc máy bay B52D này cất cánh từ căn cứ Utapao lúc 2 giờ sáng.

Mục tiêu ném bom là Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Bom B52 đã phá hỏng cột ăng-ten cùng một số thiết bị, đài phải tạm ngừng hoạt động.

Nhưng chỉ sau 9 phút, Đài phát thanh dự bị được đưa vào hoạt động và Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại dõng dạc công bố với cả nước và thế giới về tội ác của đế quốc Mỹ trong đêm 18 rạng ngày 19/12/1972 ở Hà Nội.

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Sau ngày 19/12, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chính phủ ta cực lực  lên án, tố cáo đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom dã man Thủ đô Hà Nội, đồng thời kêu gọi quân dân cả nước kiên cường chiến đấu, bắt quân thù phải đền nợ máu.

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thông báo lần đầu tiên trong lịch sử chống chiến tranh phá hoại - cũng là lần đầu tiên trên thế giới, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 3 máy bay chiến lược B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống nhiều giặc lái.

Đêm 18/12/1972, gần 1 triệu người Hà Nội gần như không ngủ. Hàng chục triệu người ở các tỉnh, thành phố khác cũng hướng về Hà Nội xúc động, lo âu. Nhưng Hà Nội vẫn đứng vững.

Các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội vẫn làm việc ở những căn hầm trong thành phố.

Ngoài việc chỉ đạo quân dân cả nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đặc biệt chú trọng theo sát chỉ đạo cuộc chiến đấu của thủ đô.

Giữ vững thủ đô lúc này là là giữ vững niềm tin cho cả nước.

Sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội đã đến ngay một số đơn vị phòng không và khu vực Đông Anh, Yên Viên vừa bị máy bay B52 ném bom, nghiên cứu thực địa và động viên bộ đội.

Cũng trong buổi sáng ngày 19/12, trong buổi giao ban cán bộ chủ chốt Bộ Tổng tham mưu do Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng chủ trì đã đặt ra nhiều cách giải quyết cấp bách cho cuộc đánh trả của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt với lực lượng phòng không - không quân.

Những trận bom đêm 18/12 của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội gây xúc động mạnh và làm chấn động dư luận quốc tế.

Chính phủ Liên Xô lên án Mỹ trắng trợn xâm phạm thủ đô của một nước có chủ quyền. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Bugaria, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ba Lan, Đảng Cộng sản Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc... ra tuyên bố lên án tội ác của Mỹ, ủng hộ cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta.

Nhiều nước trung lập và tư bản chủ nghĩa cũng tỏ thái độ phản đối hành động tàn bạo của Mỹ.

Tổng thống Ghi-nê, Thủ tướng Đan Mạch, các Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan... ra tuyên bố hoặc gửi điện trực tiếp cho Tổng thống Mỹ yêu cầu lập tức chấm dứt tội ác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong cuộc tàn sát đẫm máu này.

Do có kế hoạch chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, ngay đêm đầu tiên Hà Nội đã đánh trả địch có hiệu quả.

Chiến thắng trận đầu khẳng định Thủ đô Hà Nội nhất định sẽ được bảo vệ vững chắc.

Rồng lửa Thăng Long lần đầu tiên trên thế giới đánh gục tại chỗ thần tượng pháo đài bay ngay giữa lòng Hà Nội.

Với ý đồ không cho đối phương kịp khắc phục hậu quả, những trận bom trong đêm vừa dứt, Mỹ tiếp tục cho các loại máy bay ném bom chiến thuật ồ ạt vào đánh phá ban ngày.

Cùng với chiến đấu, việc khắc phục hậu quả và tổ chức sơ tán trở thành nhiệm vụ cấp bách của thành phố.

Đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố ra lệnh sơ tán cấp tốc người già, trẻ em và những người không có nhiệm vụ ở lại nội thành.

Những người còn lại phải phân tán. Cấp tốc sửa chữa và đào thêm hầm hào. Các lực lượng khắc phục hậu quả sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ.

Các khu phố, huyện, các ngành, đoàn thể đình chỉ những cuộc hội họp. Học sinh tạm thời nghỉ học. Phân tán, giải tỏa hàng hóa, kho tàng.

Phủ Thủ tướng cũng chỉ thị cho các bộ, các ngành trực thuộc Trung ương chấp hành nghiêm túc các quy định chảu thành phố.

Lực lượng dân quân Hà Nội nêu cao cảnh giác, ngày đêm luyện tập, sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN.
Lực lượng dân quân Hà Nội nêu cao cảnh giác, ngày đêm luyện tập, sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN.

Đêm chiến đấu đầu tiên tuy giành được thắng lợi, nhưng lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô gặp không ít khó khăn.

Do chưa có kinh nghiệm chiến đấu liên tục với quy mô lớn, hầu hết các đơn vị hỏa lực tầm cao đã tiêu thụ quá mức cơ số đạn.

Trận địa pháo 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa bắn đến gần sáng thì hết đạn. Nhiều tiểu đoàn tên lửa cũng trong tình trạng đó.

Có đơn vị đã phải phóng quả đạn tên lửa cuối cùng. Sư đoàn 361 và Quân chủng Phòng không - Không quân cấp tốc điều chỉnh đạn trong các đơn vị, đồng thời tổ chức thêm hai dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa cho khu vực Hà Nội.

Bộ Tư lệnh Thủ đô và các khu, huyện cũng khẩn trương điều động, bổ sung, thay thế người và vũ khí bị tổn thất. Bốn trận địa pháo 100mm của tự vệ được tiếp thêm đạn.

Trận địa 14,5mm của dân quân xã Mễ Trì và một số nơi khác bị bom phá hủy được thay thế bằng súng máy 12,7mm.

Thực hiện âm mưu đánh quyết liệt, liên tục, đêm 19/12, máy bay B52 lại nối tiếp nhau ném bom Hà Nội và Hải Phòng.

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2) ảnh 4

Hà Nội - 12 ngày đêm dưới mưa bom

Riêng ở Hà Nội, 87 lần chiếc máy bay B52, hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích đã ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội, ngoại thành.  

Sân bay Bạch Mai, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì, thị trấn Yên Viên, Đông Anh, Gia Lâm, cảng sông Hồng, Vĩnh Tuy... bị trúng bom địch.

Các trận địa tên lửa, cao xạ và lưới lửa phòng không tầm thấp bảo vệ thủ đô anh dũng đánh trả địch. Hai máy bay B52 bị bắn rơi.

19 giờ ngày 20 đến rạng sáng 21, đế quốc Mỹ lại huy động 78 lần chiếc B52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích vào ném bom Hà Nội.

Tên lửa và pháo cao xạ ta chặn đánh chúng trên tất cả các hướng.

Từ cự ly 22 ki lô mét, tiểu đoàn 93 tên lửa bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B52, chiếc máy bay này rơi xuống xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.

Bọn giặc lái sống sót nhảy dù bị quân dân tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) bắt sống.

Mười phút sau khi chiếc máy bay B52 thứ nhất bị bắn rơi, tiểu đoàn 77 tên lửa bắn rơi chiếc máy bay B52 thứ hai ở ngoại thành.

Được chiến thắng đơn vị bạn cổ vũ, 3 tiểu đoàn tên lửa 94, 79, 78 cũng bắn rơi 2 chiếc máy bay B52.

Kết hợp với hỏa lực mặt đất, máy bay ta nhiều lần xuất kích cản phá đội hình máy bay địch.

Đến 5 giờ sáng ngày 21, thành phố nổi còi báo động lần thứ 12. Mặc dù đã qua một đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ vẫn động viên nhau kiên quyết đánh trả địch.

Với kinh nghiệm dày dạn, kỹ thuật thành thạo, tiểu đoàn 77 tên lửa do tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy đã phóng hai quả đạn bắn rơi chiếc máy bay B52 thứ năm.

Tiếp đó, tên lửa ta bắn rơi thêm một máy bay B52 và vào những phút chót của đêm chiến đấu, bằng 2 quả đạn tên lửa cuối cùng, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt đã chỉ huy tiểu đoàn 57 bắn rơi thêm một chiếc máy bay B52.

Pháo đài bay Mỹ bị ta trừng trị đích đáng, nhưng hậu quả của những trận bom trong đêm cũng thật nặng nề.

Rất nhiều nơi trong thành phố bị tàn phá, trong đó có Khu tập thể An Dương.

Một vệt bom B52 đã san bằng và phá hủy nặng 15 xí nghiệp, trường học, cửa hàng, trạm xá và hàng trăm nhà trong khu vực, làm chết 171 người, bị thương 151 người.

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2) ảnh 5

Tình báo quân sự Việt Nam và chiến công sớm “bắt thóp” B52

Đây là trận B52 địch đánh sâu vào nội thành và gây tổn thất lớn nhất về người kể từ đêm 18/12.

Trong trận đánh đêm 20 rạng 21/12, các lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô đã bắn rơi 7 máy bay B52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ) và bắt sống nhiều giặc lái, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Đó là trận đánh hiệp đồng tốt giữa tên lửa, không quân, cao xạ với hỏa lực tầm thấp của dân quân tự vệ trên một địa bàn rộng, nhiều mục tiêu, trọng điểm.

Quân dân Hà Nội đã lập chiến công lớn. Chính kẻ địch đã thú nhận chúng bị mất 6 phần trăm tổng số lượt chiếc máy bay B52 xuất kích trong đêm, một tổn thất không thể chịu đựng nổi.

Trận đánh này có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy nhanh thất bại của không quân chiến lược Mỹ trong chiến dịch Linebacker II.

Tuy máy bay B52 có sức tàn phá lớn, nhưng ở độ cao 10 ki lô mét, lại bị hỏa lực ta đánh trả quyết liệt, nó không dễ dàng hủy diệt được các mục tiêu theo ý muốn của bộ chỉ huy Mỹ.

Vì thế, trưa ngày 21, Mỹ sử dụng nhiều máy bay ném bom chiến thuật, ném các loại bom điều khiển từ xa vào một số khu vực quan trọng trong thành phố.

Ga Hàng Cỏ, trụ sở Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công đoàn... bị trúng bom.

Ngôi nhà trung tâm ga Hàng Cỏ bị đổ sập, 16 toa xe lửa hư hỏng. Nhiều đoạn đường sắt bị phá hủy.

Cũng bằng loại bom điều khiển, lúc 13 giờ, địch đã phá hủy nhà trung tâm Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Đó là lần ném bom thứ sáu liên tiếp trong 3 ngày đêm từ 18 đến 21/12 vào Đài Phát thanh.

Hàng ngàn quả bom đã trút xuống khu vực, gây thương vong cho 130 đồng bào trong vùng. Hàng trăm nhà ở, vườn cây, giếng nước, công trình công cộng bị san bằng.

Cùng thời điểm trên, máy bay địch ném bom dữ dội vào Nhà máy điện Yên Phụ, 12 trong số 22 lò bị phá hỏng.

Hai công nhân  Đặng Đình Thọ và Vũ Xuân Hòa tình nguyện ở lại điều chỉnh dòng điện, bị bom rơi trúng buồng máy hy sinh, nêu tấm gương cao đẹp của người thợ điện thủ đô.

Đêm 21/12, số lượng máy bay B52 ném bom vào Hà Nội đã giảm xuống còn 24 lần chiếc, bằng xấp xỉ một phần ba các đêm trước.

Nhưng chúng thay đổi thủ đoạn, rút ngắn thời gian bay vào khu vực hỏa lực, tăng cường máy bay yểm trợ và gây nhiễu, rút ngắn cự ly các tốp, đồng thời thu hẹp vòng lượn để thoát khỏi khu vực uy hiếp của tên lửa sau khi ném bom.

Vận dụng linh hoạt phương thức tác chiến, bộ đội tên lửa đã bắn rơi thêm 3 chiếc, tiêu diệt một phần tám số máy bay B52 vào ném bom trong đêm.

Tuy vậy, ta cũng không ngăn chặn được những trận ném bom của địch.

Lúc 3 giờ 45 phút ngày 22, Bệnh viện Bạch Mai bị máy bay B52 giội bom.

Hàng tấn máy móc, thiết bị, thuốc men bị hư hại, 28 bác sĩ, y sĩ, y tá, nhân viên phục vụ cùng nạn nhân các trận bom trước đang nằm điều trị chết và bị thương.

Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc thời kỳ này, từng được nhiều nước trên thế giới đầu tư, giúp đỡ bị phá hủy nặng.

Các thầy thuốc và nhân viên bệnh viện đã làm việc  hết sức mình tìm cứu người bị nạn.

Nguyễn Thị Cúc, nhân viên khoa da liễu bới gạch đến rớm máu tay, cứu được 12 người.

Trần Thị Xiêm, dược tá dẫn đầu chi đoàn thanh niên cùng cán bộ, nhân viên xông vào các khu vực đang còn khói lửa, cứu người, cứu thuốc.

Khu phố Đống Đa và thành phố cấp tốc điều tới những đội cứu sập, cứu hỏa cùng giải quyết hậu quả.

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2) ảnh 6

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua ảnh

Ngoài đối tượng chính là máy bay B52, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội còn phải đối phó với lực lượng lớn máy bay chiến thuật Mỹ, đặc biệt là loại máy bay F111.

Loại này thường bay rất thấp, hoạt động nhỏ, lẻ, bất ngờ, liên tục, gây tâm lý căng thẳng cho nhân dân ta.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo bổ sung phương án tác chiến đối với Hà Nội.

Trước đây (từ đêm 18/12) hỏa lực tầm thấp trong nội thành không được bắn ban đêm, đề phòng bắn nhầm vào máy bay ta lên, xuống sân bay Gia Lâm; nay Bộ Tổng Tham mưu đã có kế hoạch bảo đảm an toàn cho máy bay ta, cho tất cả các loại hỏa lực trong nội thành phát huy cả ban ngày và ban đêm.

Qua theo dõi đường bay của máy bay F111, Bộ tư lệnh Thủ đô tổ chức một trận địa súng máy cao xạ 14,5mm đón lõng tại bãi cát Vân Đồn phía Bắc cảng sông Hồng 2 ki lô mét.

Trận địa gồm 5 khẩu đội của tự vệ 3 nhà máy tập trung lại: Gỗ Hà Nội 2 khẩu, Cơ khí Mai Động 2 khẩu, Cơ khí Lương Yên 1 khẩu.

Đồng chí Hoàng Minh Giám, cán bộ Bộ tư lệnh được cử xuống trực tiếp chỉ huy trận địa. Để chỉ dẫn đường bay địch, đội thông tin kéo một đường dây điện thoại từ sở chỉ huy ra trận địa.

9 giờ đêm 22/12/1972, máy bay F111 bắt đầu xuất hiện.

Được trên thông báo, Lê Xuân Máy, trực tiêu đồ đánh dấu chính xác đường bay khi chúng còn cách Hà Nội 100 ki lô mét.

Trợ lý trinh sát Lê Thống theo dõi và thông báo đường bay, hướng bay ra trận địa Vân Đồn. Càng đến gần Hà Nội, máy bay địch càng hạ thấp độ cao.

Tới khoảng cách 20 ki lô mét, các khí tài quan sát của ta mất mục tiêu. Lúc này, theo dõi phát hiện và chủ động đánh địch hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm, tài trí của các xạ thủ trên trận địa.

Cũng giống như những đêm trước, từ phía tây bắc chiếc F111 bay theo dọc sông, qua cảng sông Hồng đúng vào trận địa Vân Đồn, nơi các chiến sĩ tự vệ đang chờ chúng.

Cả 5 khẩu đội đồng loạt nhả đạn. Chiếc F111A bốc cháy, ngoặt sang hướng tây và rơi xuống huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hai tên giặc lái nhảy dù bị quân và dân địa phương bắt sống.

Trận đánh diệt máy bay F111 đầu tiên của tự vệ thủ đô được cấp trên đánh giá cao.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo thành phố, Bộ tư lệnh Thủ đô đã xuống trận địa động viên, tặng quà các chiến sĩ.

Từ kinh nghiệm bắn rơi máy bay F111 ở Vân Đồn, Bộ tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các khu phố, huyện nhanh chóng tổ chức 23 trận địa tập trung.

Mỗi trận địa có từ 4 đến 6 khẩu, bố trí thành cụm, đón lõng các đường bay địch.

Khu vực này không đón được máy bay, anh chị em lại chuyển trận địa sang khu vực khác.

Phương tiện vận chuyển cũng rất linh hoạt, phong phú, khi bằng ô tô, máy kéo, lúc bằng xe bò, xe cải tiến hoặc khiêng vác.

Khí thế chiến đấu của quân dân Hà Nội càng lên cao sau khi được Bộ Tổng tư lệnh khen ngợi nhân ngày 22/12.

Trong thư khen có đoạn: "Nhiệt liệt khen ngợi bộ đội tên lửa, cao xạ, không quân, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, đồng bào và cán bộ thủ đô đã chiến đấu giỏi, đánh những trận tiêu diệt rất xuất sắc, liên tiếp chiến thắng oanh liệt.

Trong cuộc leo thang chiến tranh mới cực kỳ nghiêm trọng này, giặc Mỹ bị quân và dân miền Bắc, quân dân thủ đô ta giáng cho những đòn quyết liệt và tổn thất nặng..." (Báo Nhân Dân, ngày 23/12/1972).

Những đợt ném bom mang tính chất hủy diệt của máy bay B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc Việt Nam khiến dư luận thế giới hết sức phẫn nộ.

Nhiều cuộc mít tinh biểu tình liên tiếp diễn ra ở nhiều nước kể cả ở Mỹ.

Do bị thất bại nặng nề và lấy cớ nghỉ lễ Noel, 24 giờ ngày 24/12 địch tạm dừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần bọn giặc lái, rút kinh nghiệm, tìm thủ đoạn đánh phá mới.

Ngay sau khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng đánh bom, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn.

Quân dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội phải gấp rút chuẩn bị tốt lực lượng đánh địch trong những ngày tới.

Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân phải kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu trong toàn quân chủng, tập trung lực lượng tên lửa, dành để đánh B52 ban đêm; ban ngày chỉ sử dụng không quân và pháo cao xạ đánh trả không quân chiến thuật của địch.

Tuy bị tổn thất lớn về số lượng máy bay B52 và giặc lái, bị dư luận thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, song tập đoàn Ních-xơn vẫn ngoan cố tiếp tục chiến dịch Linebacker II với cường độ lớn hơn vào ngày 26/12/1972.

Chiều ngày 26/12, gần 60 chiếc máy bay chiến thuật các loại vào ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa, nhằm tạo thuận lợi cho máy bay B52 hoạt động ban đêm.

Nhưng hầu hết các đợt sục sạo ban ngày của địch đều bị hỏa lực tầm trung và tầm tấp của Hà Nội ngăn chặn. Tên lửa ta vẫn giữ được bí mật, an toàn.

Từ 22 giờ 30 phút đến 22 giờ 45 phút, 129 lần chiếc máy bay B52 ập đến ném bom dữ dội Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2) ảnh 7

Anh hùng tiêu diệt "pháo đài bay" B-52

Lần này chúng đánh phá trên cả 4 hướng tây nam, tây bắc, đông bắc và đông nam.

22 giờ 30 phút, máy bay B52 rải bom khu vực ga Văn Điển, Nhà máy pin, kho Giáp Nhị, kho dầu Đức Giang, Đông Anh, khu trận địa tên lửa ngoại thành.

22 giờ 40 phút, chúng đánh phá sân bay Bạch Mai, Nội Bài, khu công nghiệp và dân cư Đông Anh, Cổ Loa, Giáp Bát, cảng sông Hồng, Thượng Đình...

Tiếp đó, nhiều tốp máy bay B52 ném bom rải thảm Khâm Thiên và nhiều nơi thuộc khu phố Hai Bà Trưng.

Thành phố rung chuyển. Ba tiểu đoàn tên lửa 76, 57, 88 đã tập trung bắn rơi tại chỗ 2 chiếc.

Chưa bao giờ trên bầu trời Hà Nội diễn ra trận đánh ác liệt giữa rồng Thăng Long với pháo đài bay Mỹ như lúc này.

Cùng với tên lửa, 20 khẩu pháo 100mm của tự vệ cùng bắn trả địch quyết liệt. Đêm mùa đông sáng rực bởi ánh lửa của đạn pháo, đạn tên lửa, của bom và những chiếc B52 bốc cháy.

Do địch cùng lúc đánh nhiều mục tiêu, chúng lại bay trong hành lang nhiễudày đặc dài hàng chục ki lô mét, nên các tình huống chiến đấu diễn biến càng phức tạp.

Với kinh nghiệm dày dạn, các tiểu đoàn tên lửa 59, 93, 78, 79 phân tích chính xác mục tiêu trong dải nhiễu, bắn rơi trong đêm lên 5 chiếc. Phối hợp với tên lửa và pháo cao xạ, máy bay ta xuất kích, cản phá đội hình máy bay địch.

Cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên cũng bắn rơi 3 máy bay B52.

Vậy là đêm 26/12, Thủ đô Hà Nội và các địa phương đã đánh một trận tiêu diệt xuất sắc, bắn rơi 8 "pháo đài bay B52", 10 máy bay cường kích chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

5 giờ sáng ngày 27, trận đánh kết thúc. Điểm cấp cứu đầu tiên của Hà Nội là phố Khâm Thiên, khu phố (nay là quận) Đống Đa.

Phố Khâm Thiên dài 1.200 mét nối liền ngã tư Ô Chợ Dừa với ngã tư đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), một trong những phố có mật độ dân cư đông đúc nhất Hà Nội, gồm 5.968 hộ với 29.629 người (số liệu năm 1972).

Vệt bom do máy bay B52 rải xuống gần hết chiều dài đường phố đã giết chết 287 người, làm bị thương 290 người.

Bom san bằng, phá sập gần hai nghìn ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá, hầm hố kiên cố của tập thể, cơ quan và gia đình.

Hầm nhiều nhất 8 người chết và bị thương. Có gia đình 6 người ngồi trong một hầm, không ai sống sót.

Ngay sáng hôm sau, mặc dù thành phố đang trong tình trạng báo động, nhiều khách nước ngoài, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện thành phố Hà Nội, các ký giả... đã đến thăm những người bị nạn ở Khâm Thiên.

Nhiều đoạn đường, vỉa hè, nền nhà còn loang vét máu. Nhiều tử thi xếp dọc hè phố chờ khâm liệm và đưa đi mai táng.

Cùng với Khâm Thiên, trong đêm, máy bay B52 đã rải bom xuống hơn một trăm điểm trong thành phố.

Hai phần ba trong số đó là khu dân cư, làm hơn một nghìn người chết và bị thương.

Tàn sát hàng loạt dân thường để đạt tới mục tiêu chính trị là một tội ác hết sức dã man và ghê tởm của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Các khu vực Yên Viên, Gia Lâm, Uy Nỗ... đã bị máy bay B52 ném bom đến lần thứ 10, thứ 12.

Khu vực Yên Viên bị khoảng 5.000 quả bom; nhà ga cùng nhiều đoạn đường sắt, kho chứa hàng bị bom Mỹ đào lên lấp xuống đến mức không còn dấu tích cũ.

Cùng thời gian từ 22 giờ 30 phút đến 22 giờ 45 phút ngày 26/12, Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá thành phố Hải Phòng và Thái Nguyên.

Chúng thực hiện đánh cả ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên cùng lúc, đánh phá ồ ạt, liên tục, thời gian ngắn, đánh từ nhiều hướng.

Đây là đợt đánh phá được Mỹ chuẩn bị kỹ, tổ chức hiệp đồng công phu với cường độ lớn.

Địch tin rằng với chiến thuật mới đó chúng sẽ phân tán và gây nên sự rối loạn về chỉ huy của ta, làm cho hỏa lực phòng không, nhất là tên lửa và không quân bị tê liệt.

Nhưng ngược lại, đây lại là đêm tổn thất máy bay B52 lớn nhất của không quân chiến lược Mỹ.

Trước hành động điên cuồng, hung hăng, tàn bạo của Mỹ, Thành ủy Hà Nội phát động căm thù trong toàn thành phố.

Các lực lượng vũ trang, cơ quan, đoàn thể, các ngành và nhân dân đều tỏ rõ quyết tâm chiến đấu đến cùng với giặc Mỹ, trả thù cho Khâm Thiên và những nơi bị hủy diệt.

Các tỉnh, thành trên miền Bắc tấp nập gửi hàng hóa, thuốc men, lương thực... đến trợ giúp.

Cùng vào thời gian nóng bỏng này, đồng bào Sài Gòn - Gia Định kết nghĩa với Hà Nội, thay mặt quân dân miền Nam gửi thư chia sẻ đau thương, mất mát và tỏ lòng khâm phục truyền thống kiên cường bất khuất của thủ đô.

Với những diễn biến phức tạp, dồn dập trong đêm 26, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các Bí thư, Chủ tịch một số tỉnh, thành phố để giải quyết những vấn đề cấp bách về chiến đấu, phòng tránh và tập trung sức chi viện cho thủ đô.

Trước mắt, Bộ Quốc phòng tăng cường phương tiện, lực lượng để cùng Hà Nội nhanh chóng khắc phục hậu quả, giải tỏa giao thông.

Các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hải Hưng, Hà Bắc sẵn sàng chi viện theo yêu cầu của thủ đô, sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa nạn nhân của thủ đô.

Đêm 27/12, từ sân bay Yên Bái, phi công Phạm Tuân lái máy bay MiG 21 vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng máy bay B52.

Đến bầu trời Mộc Châu, Sơn La, anh tiếp cận được mục tiêu và bắn rơi 1 chiếc góp phần cản phá đội hình B52 đang bay xuống Hà Nội.

Cũng trong đêm 27/12, do những tổn thất rất nặng từ trước, máy bay B52 vào ném bom Hà Nội giảm xuống còn 36 lần/ chiếc.

Các trận địa tên lửa của ta đã đánh trả địch rất hiệu quả, 4 chiếc B52 bị bắn rơi, trong đó, một chiếc từ độ cao 10 ki lô mét chưa kịp cắt bom, bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống làng Ngọc Hà, cách Quảng trường Ba Đình hơn 500 mét.

Trong lúc bầu trời và mặt đất ầm vang tiếng súng, tiếng bom, tiếng rít của đạn tên lửa, của máy bay F111, cuộc chiến đấu của các lực lượng không cầm súng cũng diễn ra hết sức căng thẳng.

Các chiến sĩ ra-đa luôn phải đấu trí với những tên giặc lái già đời sử dụng kỹ thuật mới nhất chống ra-đa phát hiện để đánh phá mục tiêu.

Hàng trăm chiến sĩ trinh sát phòng không bám trụ trên những đài quan sát chênh vênh không vật che đỡ, theo dõi địch báo cáo kịp thời về Sở chỉ huy.

Các chiến sĩ thông tin liên lạc băng mình qua bom đạn để truyền đạt mệnh lệnh. Trong các căn hầm dã chiến, những người thầy thuốc làm việc suốt ngày đêm cấp cứu nạn nhân.

Đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội làm việc liên tục ngày đêm, bảo đảm chương trình phát sóng.

Các văn nghệ sĩ cũng gắn mình vào cuộc chiến đấu. Nhiều nhà văn, nhà báo của thành phố, của Trung ương, quân đội không quản hiểm nguy đến tận nơi xảy ra chiến sự ghi chép, tìm hiểu.

Các phóng viên quay phim, chụp ảnh đã kịp thời thu những hình ảnh chiến đấu hào hùng của Thủ đô Hà Nội.

Trong một lần báo động kéo dài, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ" ở một căn hầm giữa thành phố. 

Hà Nội đây, đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì riêng nước non này?...

Cùng nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật khác, bài hát ra đời đúng lúc đã cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến sĩ, đồng bào kiên quyết chiến đấu bảo vệ thủ đô.

Những cuộc tiến công ác liệt dồn dập vào Thủ đô Hà Nội vẫn không tạo được thế mạnh cho Mỹ ở Hội nghị Paris.

Mỹ buộc phải xuống thang, đề nghị Chính phủ ta nối lại cuộc đàm phán.

Và chiều ngày 28/12/1972, phái đoàn ta do đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn dẫn đầu trở lại Hội nghị Paris với lòng tự tin của một dân tộc chiến thắng.

Cũng trong ngày 28, Bộ Tổng Tham mưu điện cho Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân: trước tổn thất rất nặng, địch có thể kết thúc cuộc tập kích.

Trên tinh thần đó, quân chủng chỉ thị gấp cho Sư đoàn phòng không Hà Nội (Sư 361) và Sư đoàn 363 (bảo vệ Hải Phòng) tập trung lực lượng lớn nhất bắn rơi nhiều máy bay B52, giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Đến cuối ngày 28/12, Thủ đô Hà Nội hoàn thành sơ tán bước ba, đưa ra khỏi nội thành hơn 50 vạn người.

Đây là lần sơ tán có quy mô lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của Thủ đô Hà Nội.

Tuy đã giảm tám mươi phần trăm số người, nhưng Hà Nội vẫn duy trì nếp sinh hoạt thời chiến, khẩn trương, kỷ luật, bình tĩnh, tự tin.

Điều mà Nhà Trắng và Lầu Năm Góc mơ tưởng là Hà Nội sẽ tê liệt sau những trận B52 rải thảm đã không xảy ra.

Một số chính khách, phóng viên người nước ngoài đến Hà Nội trong dịp này vẫn được đón tiếp chu đáo trong bầu không khí hữu nghị, bình thản.

Đêm 28/12, số máy bay B52 vào đánh phá Hà Nội chỉ còn 30 lần/ chiếc cùng với 131 lần/ chiếc máy bay chiến thuật các loại. Lực lượng tên lửa bảo vệ thành phố bắn rơi 1 chiếc.

Trong lúc Hà Nội đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt, theo phương án đánh địch từ xa, sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), phi công Vũ Xuân Thiều lái máy bay MiG 21 ngược lên Sơn La bắn rơi 1 chiếc máy bay B52.

Nhưng do tiếp cận quá gần, máy bay của Vũ Xuân Thiều bốc cháy theo. Người con trai Hà Nội đã anh dũng hy sinh.

Sau đêm 28/12, B52 và các loại máy bay cường kích vẫn tiếp tục vào ném bom nhưng số lượng giảm hẳn so với những đêm trước. Thêm 1 chiếc máy bay B52 và 1 chiếc máy bay F4 bị quân dân Hà Nội bắn rơi.

Từ đánh nhỏ đến đánh lớn, đánh ban đêm và đánh ban ngày, đánh liên tục, dữ dội, nhưng Mỹ không đạt được mục đích mong muốn.

Ngược lại, tổn thất về máy bay, nhất là B52 quá lớn, buộc Mỹ không thể kéo dài hơn nữa cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội.

Đây thực sự là một đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định làm cho đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi kế hoạch.

7 giờ 30 phút ngày 30/12/1972, tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, Chiến dịch Linebacker II của Mỹ kết thúc trong thất bại.

Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam mà Thủ đô Hà Nội là mục tiêu chủ yếu đã diễn ra liên tục trong 12 ngày đêm.

Trong 12 ngày đêm ấy, Mỹ đã sử dụng 726 lần chiếc B52, gần 2.000 lần chiếc máy bay chiến thuật.

Riêng trên địa bàn Hà Nội có 444 lượt chiếc máy bay B52, chiếm trên 60 phần trăm tổng số lần máy bay B52 xuất kích và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống khoảng hơn mười nghìn tấn bom, giết chết 2.380 người, làm bị thương 1.355 người khác.

Với số bom đạn trên, Mỹ đã gây cho Hà Nội nhiều khó khăn, tổn thất. Trên địa bàn thành phố có 9 ga xe lửa thì 7 bị phá hỏng. Trong 5 chiếc cầu, 5 bến phà, bị phá sập và hỏng nặng 4 cầu, 4 bến phà...

Sau 12 ngày đêm chiến đấu, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111.

Hàng trăm tên giặc lái Mỹ, phần lớn là lái máy bay B52 bị chết hoặc bị bắt sống.

Riêng ở Hà Nội - khu vực mục tiêu chủ yếu của địch, 23 máy bay B52, 2 máy bay F111 và 5 máy bay chiến thuật bị bắn rơi.

Với chiến dịch Linebacker II, Mỹ định đánh ta bất ngờ với đòn hủy diệt mạnh, nhưng chúng đã lầm, chính chúng bị bất ngờ về số lượng máy bay B52 bị tiêu diệt, về mục đích gây sức ép không đạt, đặc biệt là bất ngờ về tinh thần bình tĩnh, vững vàng của quân và dân ta trước bom đạn ác liệt của quân thù.

Cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ bị đánh bại.

Chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội và của cả miền Bắc đã làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" chôn vùi uy thế của không lực Hoa Kỳ.

Chiến thắng này được coi là đỉnh cao nhất của quân dân Thủ đô cũng như của cả miền Bắc trong cuộc chiến tranh nhân dân hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng này đẩy đế quốc Mỹ lún sâu vào thế bế tắc hơn cả những lần trước đây.

Không còn cách nào khác hơn, Mỹ phải trở lại bàn Hội nghị Paris, chấp nhận những nội dung đã thỏa thuận tháng 10 năm 1972 và phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 28/1/1973, Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực, chấm dứt vai trò của quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Qua thắng lợi 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, vị trí của Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam càng có thế đứng vững chắc trong lòng nhân dân thế giới.

Ngoài các nước xã hội chủ nghĩa anh em coi cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam như cuộc chiến đấu của chính mình, rất nhiều nước trung lập, tư bản chủ nghĩa, các nước mới trỗi dậy tỏ rõ thái độ phản đối hành động dã man của đế quốc Mỹ.

Dư luận tiến bộ thế giới lên án Tổng thống Mỹ thứ 37 (Ních-xơn) đã đi vào lịch sử như một Hít-le, Kẻ sát hại đàn bà và trẻ em, Sự sỉ nhục của trái đất...

Cùng với quân dân cả nước, quân dân Hà Nội đã đập tan huyền thoại về B52, loại siêu pháo đài bất khả xâm phạm của Không lực Hoa Kỳ, một trong bộ ba Vũ khí chiến lược của Mỹ.

Từ hồi hộp, lo lắng, nhân dân thế giới đi đến ngạc nhiên, khâm phục cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội.

Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới như một dấu son chói lọi.

Cùng với cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân miền Nam, nó còn là đề tài cho nhiều nhà quân sự, chính trị, sử học trên thế giới nghiên cứu, khai thác về tính chất anh hùng Việt Nam, của Hà Nội và về sai lầm của Mỹ.

Cả nước vì thủ đô, thủ đô vì cả nước là mối quan hệ máu thịt, một yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thắng lợi, đặc biệt là các tỉnh bạn lân cận đã đồng tâm hiệp lực với Hà Nội đánh bại sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không lực Hoa Kỳ tạo nên một trận Điện Biên Phủ trên không.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không" - cũng là "Chiến thắng B52""Chiến thắng 12 ngày đêm" đã được nhắc đến nhiều lần trên các sách, báo, các đài phát thanh, các đài truyền hình của nước ta và từ cuối năm 1972 đến nay và còn vang vọng đến mai sau.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, "Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

- Quân chủng Phòng không - Không quân, "Lịch sử Bộ đội tên lửa Phòng không 1965-2005", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

"Những trận đánh điển hình trong lịch sử chống ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.

Đại tá Đặng Việt Thủy