Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tình báo quân sự Việt Nam và chiến công sớm “bắt thóp” B52

24/12/2012 11:33
Sau tết Mậu Thân 1968, Bộ Chính trị chỉ thị Bộ Quốc phòng dùng lực lượng tình báo quân sự bất ngờ đánh vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở U-đôn và U-ta-pao, nơi có các máy bay B52 sẽ cất cánh.
B52 “sắp chết”…mà không biết (kỳ 2)
Ở đâu có B52 ta đánh ở đó

Sau tết Mậu Thân 1968, Bộ Chính trị chỉ thị Bộ Quốc phòng dùng lực lượng tình báo quân sự bất ngờ đánh vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở U-đôn và U-ta-pao, nơi có các máy bay B52 sẽ cất cánh. Kể về bối cảnh lúc đó tại sao ta lại tấn công hai căn cứ này, Thiếu tướng Vũ Thắng nhớ lại: Mấy tháng sau Tổng tấn công Mậu Thân, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng triệu tập đồng chí Phan Bình, Cục trưởng Cục 2 lên giao nhiệm vụ cho tình báo tập kích sân bay U-ta-pao. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng căn dặn: dù có hi sinh cũng phải đánh. Đánh để cho Mỹ thấy rằng, ở bất cứ nơi nào B52 cất cánh xâm lược Việt Nam, thì ở nơi đó Nhân dân Việt Nam đều có thể tiến đánh.

Lệnh của trên đã đề ra, và lưu ý, đánh địch nhưng ta tiêu hao sinh lực ít nhất, tức là thắng lợi lớn. Thiếu tướng Vũ Thắng nhớ lại: "Chúng tôi về bàn bạc kế hoạch, xây dựng lực lượng, tiến hành mọi công tác chuẩn bị. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi phải chọn những đồng chí có kinh nghiệm, nắm chắc địa bàn, am hiểu về phong tục tập quán. Hai đồng chí Đại úy (hiện là Đại tá) Phùng Hồng Lâm và Thượng úy (hiện là Đại tá) Lê Văn Đình được giao nhiệm vụ tập kích sân bay U-ta-pao.

Ngoài hướng U-ta-pao, chúng tôi cũng đề xuất với trên cho đánh sân bay U-đôn vì đây là nơi máy bay cường kích và tiêm kích của Mỹ cất cánh oanh tạc Lào và miền Bắc Việt Nam. Được trên chấp thuận, chúng tôi tổ chức một tổ do đồng chí Đại úy Trần Viết Tính làm tổ trưởng, các tổ viên gồm bốn đồng chí: Lê Đức Mục, Võ Tá Kiều, Nguyễn Văn Triêm và đồng chí Bùi Thế Sách, đa phần là các đồng chí đã có kinh nghiệm và công tác lâu năm trong Cục, lại rất giỏi ngoại ngữ. Trước khi thực hiện nhiệm vụ tập kích  căn cứ U-ta-pao các đồng chí ấy được chúng tôi gửi sang Binh chủng Đặc công để huấn luyện. Đồng chí Tư lệnh Đặc công nhận nhiệm vụ huấn luyện riêng cách đánh sân bay trong khoảng thời gian hai tuần tại Xuân Mai.

Về vũ khí huấn luyện, chúng tôi đề nghị trên cấp cho thuốc nổ C4 và AK báng gập. Đồng thời, Cục giao cho đồng chí Lê Thoong, cán bộ phòng 76 làm nhiệm vụ giao thông và phụ trách chuyển vũ khí trang bị từ Hà Nội đến nơi tập kết".

Kể về diễn biến trận đánh, Thiếu tướng Vũ Thắng cho biết: Qua trinh sát, ta nhận định đánh vào sân bay U-đôn dễ hơn. Trên chỉ thị cho đánh U-đôn trước. Tháng 4-1968, ta tổ chức lực lượng đánh vào U-đôn. Kết quả, ta tiêu diệt được 2 máy bay, làm hỏng nặng 2 chiếc khác, tiêu diệt và làm bị thương gần 30 sĩ quan, nhân viên kỹ thuật của Mỹ. Trong trận tập kích đó, hai đồng chí của ta hy sinh, được kiều bào ở đây chôn cất chu đáo.

Cũng trong năm 1968, khoảng tháng 8, nước sông Mê Kông dâng cao, tiến đánh U-ta-pao là rất khó khăn, nên Mỹ chủ quan không đề phòng. Sau khi trinh sát, ngày 5-8-1968, ta tổ chức lực lượng đánh vào sân bay U-ta-pao. Kết quả, ta tiêu diệt được 2 máy bay B-52, làm hỏng 2 cái khác, phá hủy đài chỉ huy không lưu của sân bay và đường băng, sau một tuần chúng mới khắc phục được. Quân ta không tổn thất về người vì sau khi đặt thuốc nổ xong xuôi, anh em lên taxi rời khỏi đó rất xa rồi mới nghe thấy tiếng nổ. 
Tiếng Anh – chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên của B52
Căn cứ vào diễn biến cuộc chiến tại Việt Nam, thông tin tình báo chiến lược báo về cho biết, Mỹ chắc chắn sẽ leo thang. Do nắm chắc được âm mưu của Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn vào miền Nam Việt Nam, tình báo quân sự đã chủ động xây dựng lực lượng, củng cố thế trận để thu thập tin tức. Kể về khó khăn ngày đầu, Thiếu tướng Vũ Thắng cho biết: "Cục tình báo từ khi đánh Pháp cho đến nay, vấn đề lực lượng nắm B52 gặp nhiều khó khăn. Mình chưa biết tiếng Anh nhiều, chủ yếu biết tiếng Pháp. Cho nên phải đào tạo một số cán bộ giỏi tiếng anh để nắm Mỹ, rồi đưa vào Miền Nam chi viện cho Miền Nam, hồi đó lực lượng rất là ít…".

Thiếu tướng Thắng nhớ lại: "Tôi phải lên xin đồng chí Tố Hữu, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên huấn trung ương…để cử 6 cán bộ đi học tại trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ, khoa Anh văn. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Tố Hữu tán thành ngay. Đồng chí còn căn dặn: Đồng ý, các cậu phải chọn cán bộ thế nào để học cho giỏi, học thì học cho ra trò".

Ngay từ năm 1966, Bộ đội Tên lửa đã cơ động vào Quân khu 4, tập đánh B-52. Ảnh tư liệu
Ngay từ năm 1966, Bộ đội Tên lửa đã cơ động vào Quân khu 4, tập đánh B-52. Ảnh tư liệu

Cán bộ tình báo quân sự được tuyển chọn đi học đều là những người giỏi tiếng Pháp, vì vậy học tiếng Anh cũng khá thuận lợi. Kết quả sau hai năm, đều đạt loại giỏi. Từ khi có chút vốn liếng tiếng Anh, nhóm nghiên cứu miệt mài đọc, dịch tài liệu của Mỹ, rồi tập nghe thoại của Mỹ (đối tượng là từ lóng của phi công). Sau khi các “hạt giống” này thực sự nắm chắc các kiến thức, một số đồng chí được cử ra làm giáo viên, đào tạo thêm nhiều cán bộ khác, học tập trung ngay trong Cục. Khóa học đầu tiên đào tạo đến ba bốn chục đồng chí nữa. Số học viên thế hệ hai này được cử vào chi viện cho miền Nam. Tại miền Bắc, cán bộ của Cục 2 được học tăng cường thêm kiến thức kỹ thuật, sau đó mở một lớp bốn chục đồng chí học ở trên Yên Sở. Chính từ lớp học thực tế này mà nhiều đồng chí đã trưởng thành.

Thiếu tướng Vũ Thắng tự hào kể: "Những cán bộ lứa đầu tiên thực sự là những át chủ bài đấy. Có nhiều đồng chí sau này là cán bộ nòng cốt của Cục. Có thể thấy rõ, chiến lược đào tạo kịp thời đã bổ sung cho trinh sát kỹ thuật những “chuyên gia” nắm không quân Mỹ rất chuẩn. Từ chỗ nghe được phi công Mỹ liên lạc với nhau bằng tiếng Anh, nắm chắc ký, tín, ám hiệu của địch, ta đã biết rõ ngày, giờ, đội hình, địa điểm nào B52 sẽ xuất phát và tới oanh tạc ở đâu. Như vậy, có thể khẳng định, Hà Nội đã có từ 3-5 giờ đồng hồ để chuẩn bị “đón tiếp” B52 một cách “chu đáo”. 
Lộ ra “tử huyệt”

Thiếu tướng Vũ Thắng cho biết, nghe thì tưởng đơn giản vậy thôi. Chưa nói tới những máy móc trang bị kỹ thuật, chỉ riêng việc hiểu được thứ tiếng Anh “lóng” của phi công Mỹ, cũng đã là một kỳ công. Các phi công Mỹ khi lên máy bay đều liên lạc với nhau bằng kỹ thuật riêng, được quy định chặt chẽ. Sở dĩ ta nắm được là do trước đó đã có hiểu biết nhất định. Sau này, khi bắt được phi công Mỹ, ta tiếp tục khai thác và dần dần ta cơ bản nắm được liên lạc của phi công Mỹ.

Để nắm chắc “đường đi nước bước” của B52, quan trọng nhất là phải tiếp cận gần sát với các kỹ thuật liên quan tới B52. Ý thức rõ điều này, từ rất sớm, nhiều cán bộ mang theo máy móc, vượt Trường Sơn vào thực tế ở miền Nam. Chuyến đầu tiên, Cục chi viện được 3 người. Sau đó đào tạo thêm 10 đồng chí. Ngoài Anh văn còn có một số ngoại ngữ khác. Như vậy, những nơi quân đội Mỹ có căn cứ của B52 ta đều theo dõi sát sao. Anh em được cử đi làm nhiệm vụ làm rất tốt. Những chiếc máy của Cục chi viện nghe được rất tốt và thông tin anh em nắm được đã được xử lý nhanh chóng và báo kịp thời với trên, Thiếu tướng Vũ Thắng nhận xét.

Mảnh xác chiếc B-52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu
Mảnh xác chiếc B-52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu

Ông vẫn còn nhớ như in tên của những cán bộ đầu tiên vào Nam hoạt động: Đó là đồng chí Viên người Hà Nội. Sau  này đồng chí đó được trên điều về làm trưởng phòng quân báo của quân khu 7. Ngoài đồng chí Viên, còn có đồng chí Doãn Tới, đồng chí Nguyễn Văn Du. Thiếu tướng Vũ Thắng đặc biệt ấn tượng với đồng chí Du vì đồng chí Du rất giỏi tiếng Anh. Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật do đồng chí Du phụ trách khi ấy cũng lập nhiều chiến công. Tiếp theo là các đồng chí Nguyễn Trọng Tô, Võ Quang…

Công tác nắm địch để có tin tức về B52 của Cục 2 diễn ra liên tục dưới nhiều hình thức. Ngoài lực lượng nắm trực tiếp, còn có lực lượng nắm địch qua hỏi cung, các nguồn tin công khai, bán công khai…

Nhắc tới “kỹ thuật” khai thác tù binh là phi công, Thiếu tướng Vũ Thắng cười hóm hỉnh: Quả thật là một cuộc đấu trí gian nan nhưng cũng rất thú vị. Trong số những người khai thác tù binh giỏi có Đại tá Phan Mạc Lâm. Đại tá Lâm cũng như một số đồng chí đã có kinh nghiệm hỏi cung tù binh Pháp rồi, vì vậy, việc hỏi cung phi công Mỹ cũng không phải là quá khó khăn. Bởi vì, hầu hết phi công Mỹ đều là con nhà có điều kiện, khi bị bắn rơi về cơ bản đều rất lo lắng. Thứ 2, số phi công hầu hết đều sướng quen rồi, giờ ăn ở theo chế độ của ta, họ thấy gò bó và rất khổ. Khi thì họ thèm điếu thuốc lá, khi thì thèm ăn hoa quả…những thứ đó không có gì khó đối với ta. Song với tình báo, chừng đó cũng có thể là một “món” vũ khí lợi hại để có thể khai thác tin tức. Ông kể, nhiều khi ta chỉ có chuối thôi nhưng mấy tên phi công cảm ơn rối rít rồi khai báo những điều ta cần biết. Thông tin của những tù binh này quả rất hữu ích. Ta nắm chắc hơn những từ “lóng”, ký, tín, ám hiệu của địch. Thông tin thu được liên quan tới B52 được nhanh chóng đưa về Bộ Tổng tham mưu, từ đây Cục tác chiến nghiên cứu, thông báo kịp thời cho Quân chủng Phòng không – Không quân.

Lấy ví dụ về một cách làm khác, Thiếu tướng Vũ Thắng cho biết: Một cơ sở Mật của ta rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, lúc đó hoạt động ở một quốc gia trung lập nơi nhiều nhà báo quốc tế hay dừng chân để trao đổi thông tin. Nhiều nhà báo quốc tế muốn có thông tin về tình hình chiến trường trước khi họ tới miền Nam Việt Nam để tác nghiệp, trong khi đó, nhiều nhà báo vừa từ chiến trường miền Nam trở ra…tóm lại, khi đó hoạt động của “cánh báo chí” ở đó rất sôi động.  Qua việc trao đổi thông tin của các nhà báo, cơ sở của ta ở đó đã thu thập được rất nhiều tin tức quan trọng. Các báo cáo đều được cấp trên đánh giá rất tốt, kịp thời giúp ta điều chỉnh nhiều chiến lược, chiến thuật quan trọng.

Ở một số nước khác, ta đã tranh thủ được nhiều nhân sĩ, trí thức bản địa, khai thác tối đa thông tin mà họ biết. Có những ký giả của chúng ta khi sống ở Pháp quen rất nhiều nhà báo tại Pháp. Họ là những nhà báo có cỡ, những nhà báo này có thể chất vấn tổng thống, thủ tướng, hay những nhân vật có vai vế. Từ các cuộc tiếp xúc này, tin tức mà ta nhận được là rất quý giá. Hay như ở Mỹ, ta cũng khai thác mạnh vào các quan chức cấp cao trong giới lãnh đạo. Chính từ các quan chức của đảng đối lập đã giúp ta nhận ra bộ mặt thật của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Trên mặt trận thầm lặng, nhiều Kiều bào yêu nước cũng tích cực “xung trận” và đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu rất quý, giúp ta nhận định chính xác âm mưu của địch. Thông qua các kênh thông tin trên, từ năm 1968, tình báo đã sớm nắm được ý đồ và âm mưu sử dụng B-52 đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ.

NGUYỄN HÒA/Quân đội nhân dân

(Còn nữa)