Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng:
Dự thảo 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện tập trung vào ba nhóm chính sách.
Đó là: 1) hệ thống giáo dục quốc dân; 2) giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 3) một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên thực tiễn thi hành Luật Giáo dục cho thấy còn một số vấn đề quan trọng nữa cũng cần được xem xét trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất, Điều 8 cần sửa lại câu đầu như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc...". (Ảnh: Thùy Linh) |
Về nội dung Khung trình độ quốc gia, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, ngày nay, khung trình độ quốc gia là công cụ cần thiết và không thể thiếu trong việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân trên phương diện thúc đẩy học tập suốt đời và gắn đào tạo với sử dụng.
Với quan niệm như vậy, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần bổ sung vào Điều 4 một Khoản 3 như sau: “Chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Khung trình độ quốc gia”.
“Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân gắn liền với hai khái niệm mới là giáo dục mở và Khung trình độ quốc gia.
Giáo sư Nguyễn Đình Hương góp ý, chương trình phổ thông chỉ cần 10 năm |
Vì Luật Giáo dục không có Điều về giải thích từ ngữ nên việc làm rõ và quy định chi tiết về hai khái niệm này cần được thể hiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Điều đó có nghĩa là cuối Điều 4 cần bổ sung khoản 4 như sau: “Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống giáo dục mở và khung trình độ quốc gia” – ông Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Tiến, trong phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục cần xem xét ngay đến các quy định có liên quan đến văn bằng, giáo dục thường xuyên và quản lý nhà nước về giáo dục.
Ông Tiến chỉ rõ, hiện nay Điều 8 về văn bằng quy định như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này”.
Mà tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành nghĩa là học hết chương trình của bậc trình độ đó, có đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp (xem các Điều 37 và 43).
Quy định này hiện không còn phù hợp. Trong quy định hiện nay về Khung trình độ quốc gia cũng đã thay đổi như sau:
“Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp bằng của bậc trình độ đó”.
Dự thảo 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học cũng đã sửa đổi lại quy định về văn bằng như sau:
“Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
Do vậy, ông Tiến đề xuất, Điều 8 cần sửa lại câu đầu như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của bậc trình độ theo quy định của Luật này.
Cùng với việc sửa Điều 8, cần có việc sửa tương ứng các quy định của Điều 37 và 43”.
Góp ý của thầy Bùi Nam với sửa Luật Giáo dục |
Về văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay, quy định hiện nay tại Điều 47 không còn phù hợp đối với người theo học giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Đó là vì trong hệ thống giáo dục mở, với việc ban hành Khung trình độ quốc gia thì người học chỉ cần hoàn thành chương trình đào tạo, đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp văn bằng của bậc trình độ đó.
Vì thế, ông Tiến cho rằng, cần sửa đổi khoản 1 Điều 47 như sau:
Học viên học hết chương trình trung học cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Học viên học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp bằng của bậc trình độ đó.
Còn quản nhà nước về giáo dục, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh:
“Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong các yêu cầu đảm bảo là nhà trường phải được tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự".
Vì vậy cần sửa Điều 60 theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho các nhà trường như sau:
“Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình. Trường phổ thông, trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự theo quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường", ông Tiến đề xuất.