LTS: Vấn đề bằng đại học chính quy sẽ có giá trị giống như bằng đại học tại chức đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như từ những người làm công tác giáo dục.
Từ các câu chuyện mà chính bản thân mình được trải nghiệm hay từ những chia sẻ của bạn bè, tác giả Phan Tuyết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm đưa ra quan điểm và cách nhìn nhận của mình về giá trị của tấm bằng tại chức.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện nhiều người đòi hỏi bằng đại học tại chức phải được công nhận ngang hàng với bằng đại học chính quy đã nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận từ độc giả.
Nhiều người bày tỏ quan điểm chất lượng đào tạo hệ đại học tại chức hiện có nhiều vấn đề. Nếu công nhận như thế sẽ không công bằng cho sinh viên học hệ chính quy.
Bằng đại học tại chức có thể đặt ngang hàng với bằng đại học chính quy (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn). |
Sự ra đời của hệ đại học tại chức
Tên gọi đại học tại chức này được xuất phát từ các chương trình chính sách của ta sau ngày giải phóng để tạo điều kiện học tập cho những cán bộ đã phải "hy sinh" việc học của họ vào cuộc chiến đấu. Hòa bình rồi, việc tạo điều kiện để họ tiếp tục học tập là lẽ đương nhiên và công bằng.
Ngày nay, đào tạo tại chức là loại hình đào tạo dành cho đại đa số người vừa học vừa làm để hoàn thiện kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm.
Về nguyên tắc, chương trình học tại chức cũng giống như đại học chính quy. Bằng được cấp là bằng tại chức.
Mới đây, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, một thay đổi lớn trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học là "không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức". Theo đó, tên loại hình đào tạo sẽ không được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học như hiện nay.
Ở điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.
"Hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau", bà Phụng nói.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết, nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng.[1]
Người ta còn dẫn chứng một số nước phát triển trên thế giới đã từng làm thế mà không chịu nghĩ rằng, nước người, họ làm vì họ dám đảm bảo mình đào tạo sinh viên có chất lượng, họ kiểm soát chặt chẽ được đầu ra…sau thời gian học tập thì kiến thức và kĩ năng của sinh viên tại chức chẳng thua gì sinh viên chính quy.
Bằng chính quy và tại chức có một khoảng cách khá xa về chất lượng, giá trị |
Bản thân người viết cũng có người chị đã từng tốt nghiệp đại học chính quy tại Việt Nam nhưng qua Mỹ phải học lại đại học tại chức.
Theo chị ấy, học vô cùng vất vả và áp lực, tại chức mà căng thẳng gấp chục lần học đại học chính quy bên mình.
Sau 4 năm theo học, nhờ siêng năng học hỏi chị đã thi đỗ tốt nghiệp trong khi một số người bạn phải 7 năm sau mới ra được trường.
Còn chúng ta thì sao? Có quá nhiều bất cập trong cách quản lý, dạy học đối với học viên tại chức.
Điển hình là việc rút ngắn thời gian học, rút bớt chương trình, quản lý lỏng lẻo học viên muốn học thì học, muốn chơi cũng chẳng sao.
Một số giảng viên giảng dạy còn hời hợt, số giảng viên khác lại buông lỏng kỉ cương, thiếu trách nhiệm. Họ thường du di, bao che cho một số học viên thân thiết.
Một số trường đại học lại xem tại chức là “nồi cơm” của mình nên chỉ chú ý đến số lượng học viên đăng kí mà quên đi chất lượng đào tạo mới là khâu then chốt.
Trước khi xin được kể một số câu chuyện có thật (như đùa) về học viên học hệ tại chức, người viết cũng xin được gửi lời xin lỗi đến một số học viên tại chức đã và đang học tập rất nghiêm túc.
Bài báo không mang tính quy chụp, cào bằng tất cả những ai học tại chức cũng như những trường dạy hệ tại chức.
Người viết chỉ nêu một số câu chuyện đã từng được thấy từ mình, được nghe từ bạn bè, họ đã và đang học tại chức để người đọc có được góc nhìn toàn diện hơn.
Câu chuyện thứ nhất
Cậu bạn làm cán bộ một phường trong thị xã vẫn đang đi học đại học tại chức nhưng tôi thường xuyên gặp cậu ở nhà.
Thấy lạ, tôi hỏi nhỏ “Nghe nói cậu đang đi học đại học, sao cứ thấy ở nhà hoài vậy?”. Chẳng cần bí mật hay giấu giếm điều gì cứ y như chuyện quá bình thường, cậu cười bảo “công việc ngập đầu, lu bu cả ngày.
Tuần nào sắp xếp được công việc thì chạy ra tham gia học một tí cho vui. Tuần nào bận thì thôi khi nghe điện thoại thầy gọi mới ra để thi”. Cậu bạn nói thêm vẻ tự hào “gửi điện thoại cho thầy rồi mà”.
Cho thầy cô số điện thoại để gọi ra thi chỉ dành riêng cho những học viên biết mua lòng thầy, biết làm thầy vui…nên thầy thương như người nhà.
Một số người đã từng học xong tại chức, họ xác nhận “giảng viên dạy tại chức rất dễ dãi với học viên. Họ vẫn thường hay tạo điều kiện như thế cho những học viên thân tín của mình.
Để có được sự dễ dãi của thầy cô, những học viên tại chức đã biết chơi khá đẹp. Vốn hầu như là cán bộ đi học, trong số những học viên ấy cũng có khá nhiều người là trưởng các phòng ban. Bởi thế họ có tiềm lực kinh tế khá mạnh.
Có những cán bộ họ nói rằng đi học không vì kiến thức chỉ cần tấm bằng để hợp thức hóa con đường danh lợi”. Thế nên họ sẵn sàng vung tiền để khỏi phải xuất hiện ở lớp càng nhiều càng tốt.
Thôi thì họ cung phụng giảng viên từ A đến Z, từ vé máy bay đi về, tiền lưu trú, những bữa ăn hoành tráng nơi nhà hàng, những món quà đặc sản nơi quê nhà…
Câu chuyện thứ hai
Học 4 năm đại học tại chức viết chưa hết một cuốn vở. Nghe cứ tưởng như đùa nhưng đó là sự thật.
Một người bạn ngượng nghịu nói rằng “chừng này tuổi rồi học sao nhớ nổi? Ngồi học cứ như vịt nghe sấm thì biết gì mà ghi?”.
Thế là hàng ngày lên lớp, anh ta lại ngồi lướt mạng xã hội, lướt chán ngồi ngủ. Nhưng có mặt đều đặn ở lớp đã khá rồi. Không ít người đùa “ngay điểm này, cũng đã đủ chấm anh điểm đỗ”.
Câu chuyện thứ ba
Không phải giảng viên nào cũng dễ dãi. Có những thầy cô vô cùng nghiêm khắc như học ra học, chơi ra chơi.
Học chính quy hay tại chức thì đều được cấp một loại văn bằng |
Thế nhưng học viên lại tìm cách đối phó theo kiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Đó là việc thuê người học thế mình. Một học viên bật mí “tốn kém tí nhưng an toàn”.
Mỗi lần đến lớp, thầy cô đều điểm danh bất kì giờ nào trong ngày học. Thế nên khâu trốn học, trốn tiết rất dễ bị phát hiện. Thế nên đã thuê đi học hộ thì an toàn gần như tuyệt đối.
Câu chuyện thứ tư
Thi tốt nghiệp đề thi chẳng khác đề cương là mấy. Học viên đi phô tô và mang trong người đến mấy bộ một lúc. Họ đề phòng gặp giám thị khó bắt bộ này còn có bộ kia.
Thế rồi, ngay từ vòng ngoài những học viên trong lớp đã phải gom tiền giao trách nhiệm cho lớp trưởng ngoại giao.
Thế là, vào phòng thi giám thi xem thi chỉ ngồi nhìn ra đường hoặc ngó lơ đi chỗ khác để học viên tha hồ mở tài liệu, nhìn bài nhau chép một cách khí thế. Có người nói vui trượt thì khó chứ đỗ dễ lắm.
Đó chỉ là 4 trong rất nhiều câu chuyện về học đại học tại chức. Thế nên, việc đòi hỏi hai tấm bằng tại chức và chính quy ngang nhau phải được xem xét lại.
Chừng nào chúng ta chưa quản lý được việc dạy và học của các học viên tại chức một cách nghiêm túc và chặt chẽ thì chừng đó đừng nên đòi hỏi hai tấm bằng ấy đứng kề nhau.
Tài liệu tham khảo:
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bang-dai-hoc-co-the-khong-phan-biet-chinh-quy-va-tai-chuc-3675460.html