LTS: Phản ánh thực tế trong việc dạy thực nghiệm trên giáo viên ở một số trường học hiện nay, cô giáo Đỗ Quyên đã chỉ ra những góc khuất của vấn đề này.
Cô Đỗ Quyên cho rằng, các thầy cô cần có những tiết dạy thực tế hơn, từ đó mới có thể đánh giá thực chất về nội dung chương trình mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước khi đưa chương trình mới vào giảng dạy, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho cán bộ quản lý và giáo viên tập huấn.
Chẳng hiểu năm học này việc tập huấn sẽ được triển khai thế nào?
Những lần thay sách trước đây, việc tập huấn cũng được phân tầng từ cao đến thấp. Giáo viên là lực lượng nòng cốt để triển khai nội dung chương trình các môn học nhưng luôn là người được lĩnh hội sau nhất.
Đặc biệt, các thầy cô không có cơ hội được nghe trực tiếp các chuyên gia, các nhà biên soạn chương trình triển khai những nội dung chương trình mới.
Đây là hiện thực ở lớp tập huấn giáo viên, các lãnh đạo có biết không? |
Các thầy cô chỉ được nghe lại thông qua những chuyên viên phụ trách, Ban Giám hiệu các trường (những người đã xa rời bục giảng từ khá lâu) truyền đạt.
Vì thế, chuyện họ tiếp thu tinh thần mới rồi về truyền thụ lại cũng bị “hao hụt” ít nhiều.
Chưa nói đến việc tất cả các lớp tập huấn đều tổ chức dạy thử nghiệm nhưng không dạy trên chính học sinh khối lớp cần thử nghiệm mà thầy cô đóng giả học sinh để học giờ thực nghiệm ấy.
Tiết dạy nào cũng “xuôi chèo mát mái”, cũng “thành công tốt đẹp”
Bao giờ cũng thế, ở buổi tập huấn người ta thường tổ chức dạy lý thuyết trước, sau đó sẽ vận dụng những kiến thức đã học để triển khai cụ thể một tiết dạy trên lớp.
Thầy cô cử một giáo viên lên lớp giảng, giáo án được các tổ nhóm chung nhau xây dựng.
Tiết dạy phải đi đầy đủ các bước mà giáo viên quen gọi là quy trình, từ ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, nhận xét, tuyên dương, đặt câu hỏi, trả lời, nhận xét, bổ sung…Có điều, học sinh lại chính là những giáo viên đang đi học tập huấn.
Giáo viên được cử đứng lớp hôm ấy vẫn phải xem giáo viên ngồi dưới là học sinh nên mọi câu trả lời, mọi lời xưng hô chẳng khác gì mình đang đứng dạy trên lớp thật.
Có lúc thầy cô đóng vai học sinh lớp 1, lớp 2, khi lại đóng vai học sinh lớp 3, lớp 4 rồi lớp 5. Với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng tương tự như thế.
Một tiết dạy thực nghiệm (Ảnh minh họa: thpt-hailang-quangtri.edu.vn). |
Xong tiết học, các thầy cô sẽ nhận xét nội dung kiến thức có phù hợp với trình độ nhận thức của các em.
Việc vận dụng phương pháp dạy học thế nào?
Hình thức tổ chức tiết học phù hợp chưa?
Học sinh tiếp thu bài ra sao?
Thầy cô có lưu ý học sinh yếu?
Có bồi dưỡng nâng cao học sinh giỏi?
Có sửa sai cho các em?...
Thế là, tiết dạy nào cũng được đánh giá bằng những ưu điểm như đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, giáo viên đã vận dụng phương pháp tích cực, phù hợp với học sinh, tổ chức tiết học phong phú, học sinh tiếp thu bài tốt…
Thế là, sau tất cả những nhận xét thì tiết học nào cũng thành công, cũng hiệu quả và cơn mưa lời khen cứ thế được dịp bung ra. Với kiểu dạy thực nghiệm như thế, làm sao tiết học hiệu quả cho được.
Mặc dù trước đó, khi ngồi xem đồng nghiệp dạy, khá nhiều thầy cô nói với nhau “về dạy cho học sinh đúng thế này chắc chẳng có nhiều em hiểu được”.
Hay “một tiết học chỉ có 35-40 phút (bậc tiểu học) hay 45 phút (bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông) chắc chắn dạy sẽ không thể nào kịp thời gian…
Cần những tiết dạy thực tế hơn
Dùng giáo viên đóng giả học sinh để thực nghiệm tiết dạy trong các đợt tập huấn thay sách và dùng chính tiết dạy như thế để kết luận về việc cung cấp kiến thức phù hợp, việc sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức lớp học hiệu quả… là một chuyện vô lý và nực cười.
Thế nhưng trong giáo dục, người ta mặc nhiên xem đây là chuyện bình thường, là điều tất yếu.
Theo chúng tôi, muốn biết những kiến thức ấy có phù hợp với học sinh ấy hay không, chỉ có thể dạy thật với chính các em trên lớp.
Thông qua tiết dạy thật như thế, sẽ dễ dàng thấy được nội kiến thức cần cung cấp có phù hợp với thời lượng 40 – 45 phút/tiết học? Học sinh có hiểu và làm được bài không?
Thế nhưng, lý giải chuyện giáo viên đóng vai là học sinh trong các tiết dạy thực nghiệm ở các đợt tập huấn, một số Ban Giám hiệu cho rằng:
“Tập huấn thường vào hè lấy học sinh đâu mà học? Chẳng lẽ lại bắt các em hè cũng phải đến trường hay sao?”.
Thời gian tập huấn cho giáo viên về chương trình mới đang cận kề. Hy vọng chuyện dạy thực nghiệm trên giáo viên như những lần thay sách trước đây sẽ không được lập lại nữa.
Có thế chúng ta mới có thể đánh giá thực chất về nội dung chương trình mới như thế nào?