LTS: Trước thực trạng dư thừa giáo viên như hiện nay, thầy giáo Nguyễn Cao kiến nghị các trường sư phạm nên dừng tổ chức tuyển sinh một số ngành thừa giáo viên trong một vài năm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những bất cập về công tác tuyển dụng nhân lực của ngành giáo dục.
Hiện giáo viên đang dư thừa rất nhiều, các trường sư phạm đang đào tạo hàng chục nghìn sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.
Như vậy, cùng với việc các địa phương đang cắt hợp đồng hàng loạt và tiến tới việc tinh giản từ nay đến năm 2021 là 10% thì vài năm tới đây bức tranh nhân lực ngành sư phạm còn thê thảm hơn rất nhiều.
Bởi, thực tế hàng trăm trường, cơ sở đào tạo sư phạm vẫn tiếp tục tuyển sinh để đào tạo nhân lực cho ngành.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những bất cập về công tác tuyển dụng nhân lực của ngành giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân) |
Theo chúng tôi, ngành giáo dục nên có chủ trương dừng tuyển sinh đào tạo sinh viên sư phạm ở những chuyên ngành đang thừa trong vài năm bởi càng đào tạo lại càng thừa và càng thêm tốn kém tiền bạc, công sức của cả nhà nước và nhân dân.
Đào tạo ra không sử dụng thì đào tạo để làm gì và sẽ nảy sinh ra những tiêu cực trong tuyển dụng mà chất lượng nhân lực ngày một thấp hơn.
Có thể đề xuất này sẽ có nhiều người xem là tiêu cực nhưng chúng tôi vẫn mong muốn điều này xảy ra.
Bởi, càng đào tạo càng tốn ngân sách nhà nước khi phải bù học phí, chi trả tiền đào tạo, trả lương cho hàng ngàn giảng viên mà sinh viên ra trường phải lao đao đi tìm việc ở khắp nơi.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có tới 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).
Như vậy, nếu tính bình quân thì mỗi tỉnh (thành) có 2,4 trường, cơ sở đào tạo nhân lực ngành sư phạm.
Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục |
Với số lượng trường nhiều như vậy nên việc “cung” thừa “cầu” cũng là một điều dễ hiểu.
Nhiều năm qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên đại học sư phạm nên đã khiến cho nguồn cung ngày càng thừa nhiều, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu.
Một khi cung đã vượt cầu cũng đồng nghĩa nhu cầu việc làm của sinh viên sư phạm nhiều hơn, trong khi chúng ta đã định mức số lượng giáo viên.
Vì thế, những nhũng nhiễu về tiêu cực trong tuyển dụng xảy ra ở nhiều nơi.
Việc giáo sinh bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “mua suất” dạy hợp đồng xảy ra từ nhiều năm nay nhưng có lẽ người ta biết đến nhiều hơn qua sự việc tuyển dụng ở Đắk Lắk trong những ngày gần đây.
Khi những người đứng đầu địa phương, đứng đầu trường học cũng đứng ra kí tuyển vô tội vạ để chỉ một huyện mà thừa đến 5-600 giáo viên hợp đồng thì thật là bất nhẫn.
Ngay cả hiệu trưởng nhà trường cũng đứng ra môi giới chạy việc thì thì nói gì đến chuyện đạo lí, nhân cách ở chốn học đường.
Vì thế, mới có tình trạng hiệu trưởng bớt xén lương của giáo viên hợp đồng.
Mỗi tháng trên dưới 1 triệu đồng tiền lương mà nhiều giáo viên vẫn phải cắn răng để dạy, để tồn tại với nghề.
Có người nói lương 1 triệu giáo viên vẫn dạy vì có nguồn tiền dạy thêm.
Theo chúng tôi thì ý kiến này có thể đúng ở đâu đó chứ không đúng với trường hợp ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) mà báo chí đang nói trong những ngày qua.
Nếu đến với vùng đất này sẽ hiểu hơn những khó khăn của nhiều gia đình học sinh.
Phần lớn học sinh nơi đây là con em của những người di dân từ các nơi đến đây lập nghiệp và con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ có trường thị trấn thì may ra có chuyện dạy thêm nhưng nên nhớ có dạy thêm thì cũng không đến lượt giáo viên hợp đồng có thời hạn dạy.
Những giáo viên biên chế, những giáo viên lâu năm trong trường người ta không để cho giáo viên hợp đồng dạy đâu.
Người làm trong ngành giáo dục thừa hiểu những lớp nào “xương xẩu” thì mới đến lượt giáo viên hợp đồng.
Vậy vì sao mà nhiều người lương trên dưới 1 triệu đồng mà vẫn bám theo trường lớp.
Bởi vì họ hy vọng, vì những lời hứa của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương đã “giúp họ” kí hợp đồng.
Bao giờ khi hợp đồng ngắn hạn được kí kết thì những người “bắc cầu” cũng thòng thêm câu là lo tiếp hợp đồng không thời hạn.
Rồi họ lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái nên phải bám víu vào vài đồng lương hợp đồng chứ đi đâu bây giờ khi mà gia đình họ đã và đang ở đó. Đâm lao thì theo lao.
Hơn nữa, những người học sư phạm ra trường mà không có quen biết rộng thì rất khó xin vào các ngành nghề khác.
Vì thế, không xin được đi dạy học thì chỉ có thể đi làm công nhân hoặc các việc lao động phổ thông ở địa phương.
Trong khi đó, những người như giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thì họ biết làm gì ngoài việc đi dạy và một số công việc phổ thông như hái cà phê, hái tiêu hay làm phụ hồ…
Bức tranh tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm đang như vậy thì việc tuyển sinh ngành sư phạm kể từ năm nay Bộ yêu cầu tuyển những học sinh lớp 12 có học lực khá giỏi mới tuyển thì thật là viển vông.
Học sinh nào dám nộp đơn xét tuyển vào sư phạm đây?
Khi mà ra trường không có việc làm hoặc có cũng là dạy lay lắt tuần vài tiết hợp đồng chỉ đủ tiền xăng xe và uống cà phê?
Chính vì thế, việc ngưng đào tạo sư phạm trong những năm tới đây là điều cần thiết mà Bộ giáo dục và các địa phương cần nghĩ tới.
Nên chăng, chúng ta chỉ đào tạo một số ngành học thiếu như giáo viên cấp Mầm non, Tiểu học và một số ngành học được đưa vào sách giáo khoa trong chương trình mới như Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông…
Đối với giảng viên trong các trường sư phạm tới đây cũng có rất nhiều việc, đó là làm nhiệm vụ bồi dưỡng cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì cũng không lo thất nghiệp…
Cùng với việc ngưng đào tạo một số chuyên ngành thì các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm cần nhanh chóng giải thể.
Bởi theo lộ trình thì tới đây ngành giáo dục không tuyển dụng những những giáo viên học hệ cao đẳng và trung cấp sư phạm clàm giáo viên dạy lớp.
Vì thế, việc đào tạo cao đẳng và trung cấp sư phạm đã hết nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.
Các trường này Bộ và các địa phương cũng nên tránh cấp phép để nâng lên đại học như những năm qua.
Kẻo không, hàng loạt trường cao đẳng sẽ được nâng cấp lên đại học sư phạm trong những năm tới.
Việc ngưng tuyển dụng vài năm đối với những ngành học đã thừa nhân lực sẽ giúp cán cân nhân lực ngành ổn định, số lượng giáo viên về hưu sẽ được bổ sung từ nguồn sinh viên đang thất nghiệp hiện nay.
Làm được như vậy, không chỉ ổn định được xã hội mà còn tận dụng được nguồn kinh phí nhà nước đã bỏ ra trước đây.
Khi ổn định được nhân lực thì hãy tiếp tục tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các Sở, Phòng giáo dục.
Chỉ có thế, chất lượng nhân lực ngành giáo dục mới có thể thay đổi.
Còn không, các trường sư phạm đừng mơ tuyển được học sinh khá giỏi vào học sư phạm.