Giáo viên phải làm quen với mất việc và thất nghiệp

18/03/2018 07:34
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Hiện nay, giáo viên phải là đối tượng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi, có kỹ năng mềm nhất, có vậy mới giúp đỡ, đào tạo được học sinh.

LTS: Cho rằng, các thầy cô giáo phải là người biết làm quen với việc bị mất việc, cũng như trang bị những kĩ năng mềm cần thiết cho bản thân, thầy giáo Sơn Quang Huyến đã có chia sẻ và quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mất việc không phải là điều gì đó gê gớm với công nhân, người làm trong các công ty, xí nghiệp. Họ có muôn vàn lý do để bị mất việc, nhảy việc.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, người ta lại xin nơi này, nơi khác để kiếm việc làm là quy luật cuộc sống.

Giáo viên phải làm quen với mất việc và thất nghiệp ảnh 1Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với!

Với tình hình hiện nay, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị với tốc độ chóng mặt.

Kèm theo đó là sự dịch chuyển của con cái phụ thuộc. Vì vậy việc giảm lớp, co trường là điều tất yếu phải xảy ra.

Ở các địa phương nguồn ngân sách dồi dào thì họ giãn lớp, số lượng học sinh trên một lớp giảm xuống mức… vừa đủ lượng giáo viên hiện hữu.

Khi giảm lớp, giảm học sinh thì phải giảm giáo viên. Một số địa phương luân chuyển giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu để đảm bảo cho giáo viên có việc làm.

Một số nơi khác buộc phải xếp giáo viên dạy chéo ban đào tạo để giải quyết tình thế, hoặc liên tục nhiều năm không tuyển giáo viên mới.

Số lượng giáo viên về hưu ít hơn số lượng dôi dư, lúc này sức ép làm giáo viên mất việc càng tăng, càng hiện hữu.

Thế nhưng khi bị mất việc, giáo viên thường là đối tượng hoang mang nhất, lo lắng nhất, cùng đường nhất và… kêu gào nhiều nhất trên truyền thông.

Khi được phân công làm việc khác không phải chuyên môn của mình họ thường phản ứng và khó thích ứng.

Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc. (Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn).
Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc. (Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn).

Trong xã hội hiện nay, giáo viên càng phải là đối tượng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi nhất, có kỹ năng mềm nhất, có vậy mới truyền tải giúp đỡ, đào tạo học sinh được.

Phần lớn sinh viên mới ra trường đều làm trái ngành nghề đào tạo hiện nay hoặc phaỉ đào tạo lại, riêng sinh viên ngành sư phạm thường rất thụ động trong việc kiếm việc làm, kể cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng chỉ ở nhà phụ mẹ nuôi lợn… chờ biên chế, hoặc mất rất nhiều “tiêu cực phí” để kiếm một chân hợp đồng.

Vì vậy trường sư phạm cũng phải trang bị kỹ năng sống cho giáo viên tương lai khi mất việc, có kỹ năng học chuyển đổi nghề nghiệp.

Đặc biệt, giáo viên nông thôn phải làm quen dần với … thất nghiệp.

Tài liệu tham khảo:                                                                                                     

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/sinh-vien-su-pham-that-nghiep-do-di-khong-het-137838.html

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hang-chuc-nghin-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-3627745.html

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-cau-hoi-phia-sau-chuyen-thu-khoa-su-pham-ve-nuoi-lon-683596.vov

Sơn Quang Huyến