Kể ra, Bộ Giáo dục cũng khổ thật!

27/03/2018 06:42
HỮU SƠN
(GDVN) - Thầy giáo Hữu Sơn cho rằng, biết vài điều trong bài này, thì mọi người cũng phần nào thông cảm với Bộ, đôi khi quyền rơm vạ đá!

LTS: Để giúp cho bạn đọc cả nước có cái nhìn sâu hơn về Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực cũng như một số Thông tư, văn bản quan trọng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong thời gian qua, với góc nhìn của “người trong cuộc”, tác giả Hữu Sơn đã đưa ra thêm những phân tích về một số khía cạnh, vấn đề đang được dư luận xã hội rất quan tâm. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, tác giả Thiên Ấn có bài viết: “Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu?” trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 19/3. 

Bài viết phản ánh một cách tổng quát, khách quan về các mặt được và những mặt chưa được của Phong trào nói trên (Chỉ thị 40) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm 2008 đến nay. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đưa ra mục tiêu: “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Nhưng sau 10 năm thực hiện, nội dung, mục tiêu đó vẫn còn dang dở, nhiều địa phương, cấp học, trường vẫn chưa ra trường, lớp vẫn chưa ra lớp.

Có nhà quản lý giáo dục từng phát biểu: “Bộ Giáo dục và Đào tạo của ta cái gì cũng quản cả nhưng có một thứ quan trọng nhất mà không quản, chẳng quyết được, đấy là tiền (kinh phí)”.

Kể ra, Bộ Giáo dục cũng khổ thật! ảnh 1Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu?

Quả thực đúng vậy, cung cấp nguồn kinh phí cho cả hệ thống, bộ máy của ngành giáo dục này (trừ trường ngoài công lập) là quyền của Bộ Tài chính, của cấp chính quyền địa phương.

Quy định của nhà nước là phải đảm bảo chi 20% tổng GDP cho mọi hoạt động của giáo dục. 

Nhưng, thực tế thì mỗi địa phương có một kiểu chi chẳng giống ai, nơi lãnh đạo quan tâm thì kinh phí được nhiều, nơi lãnh đạo ít quan tâm thì kinh phí được vừa vừa hoặc ít ít. 

Thậm chí có địa phương còn cắt giảm bớt kinh phí dành cho giáo dục để đầu tư, chi cho các lĩnh vực, ngành, công trình khác. 

Theo lập luận của lãnh đạo tỉnh, thành phố thì các lĩnh vực, ngành nghề, công trình ấy “khát” nguồn kinh phí hơn giáo dục. 

Với cơ chế nặng về xin - cho, đợi cho xuống cấp, hư hỏng thật nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn mới quan tâm, cấp kinh phí nhỏ giọt thì còn lâu nữa cơ sở vật chất, phòng ốc, thiết bị… ở các địa phương, trường học mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, cơ bản. 

Đối xử với giáo dục như thế, các vị đừng trách thầy và trò sao lại cứ “dạy chay - học chay”, chất lượng giáo dục ỳ ạch, giậm chân tại chỗ.  

Vấn đề tăng lương cho đội ngũ nhà giáo được dư luận xã hội rất quan tâm và mong đợi nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Trung ương đã chỉ rõ: 

“Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. 

Thế nhưng, hai Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ lại “bác” ra đề xuất nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” tại dự thảo Luật Giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3.

Tăng lương cho đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).
Tăng lương cho đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, từ trước đến nay các công việc của Bộ, ngành đều luôn bám sát và tuân thủ theo các Nghị quyết của Đảng. 

Do đó, các Bộ cần có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29. 

Việc hai Bộ không đồng thuận với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến tất cả thầy cô giáo cả nước thêm một lần thất vọng, buồn tủi với cái nghề nghiệp của mình. 

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm rất có lý khi nhận định: “Chúng ta đang đối xử với nhà giáo theo kiểu tư duy vừa tiểu nông vừa địa chủ”. 

Kể ra cũng thật tội Bộ Giáo dục và Đào tạo của ta, chỉ có chức năng quản lý nhà nước, ngành giáo dục, chứ không thể có quyền và quyết được việc chế độ lương bổng - đời sống vật chất cho hơn 1,2 triệu cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và nhân viên do mình đứng đầu - quản lý. 

Về điều kiện nâng hạng nhà giáo ở 4 cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành Thông tư số 20. 

Nhưng ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo hướng gọn nhẹ, phù hợp hơn cho nhà giáo, chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng và theo kèm nội dung phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật.

Kể ra, Bộ Giáo dục cũng khổ thật! ảnh 3Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là vậy nhưng một số địa phương (Phòng Nội vụ, Sở Nội vụ) đã và đang tiến hành tổ chức thực hiện theo Thông tư số 20 và các quy định riêng của địa phương.

Tức là bắt giáo viên tham gia nâng hạng phải trải qua 4 bài thi “trần ai”: Ngoại ngữ, tin học, kiến thức chung và chuyên môn nghiệp vụ. 

“Phép vua, thua lệ làng” là đây. 

Đời giáo viên vốn đã khổ ải đến nâng hạng lại càng thêm khổ ải, cơ cực. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo ở xa, có thể thấy được, song các địa phương ở gần lại chẳng thấu hiểu cho. 

Sự yếu kém, sa sút trong văn hóa ứng xử học đường, tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động đỏ được báo chí phản ánh, phân tích qua nhiều sự vụ nghiêm trọng xảy ra  trong thời gian gần đây.

Có người cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản, nơi ban hành các quy định, văn bản như Chỉ thị số 40, Điều lệ trường phổ thông, Thông tư 17 về dạy học thêm, sắp tới đây là Bộ quy tắc ứng xử trong trường học… phải nghiêm túc nhận trách nhiệm về mình. 

Đúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không được né tránh trước những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục hiện nay, nhất là vấn nạn bạo lực, dạy học thêm trái phép, văn hóa ứng xử học đường xuống cấp…

Song chúng ta cũng cần  lắng đọng, bình tĩnh một chút mà để nhìn nhận, đánh giá vấn đề cho thấu đáo, khách quan. 

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là dạng “thần thông, quảng đại” hoặc “ba đầu, sáu tay” mà quản lý, bao cân cho xuể tình hình, diễn biến giáo dục của 63 tỉnh, thành ở bên dưới.

Hai Bộ không muốn “lương nhà giáo cao nhất” là thể hiện thái độ gì?

Trách nhiệm, lỗi lầm lớn còn thuộc về các địa phương, các nhà trường, thầy cô giáo, các lực lượng, bộ phận có liên quan nữa. 

Một quy định, thông tư, chỉ thị với mục tiêu, nội dung, yêu cầu có hay ho đến mấy đi nữa nhưng ở cấp cơ sở, những người trực tiếp thực hiện lại yếu kém, lỏng lẻo, buông xuôi, bất lực…cũng đành bó tay chấm com thôi. 

Tính đồng bộ, quyết tâm cao từ trên xuống dưới mới là yếu tố then chốt nhất để sớm đẩy lùi các vấn nạn, tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục hiện nay. 

HỮU SƠN