LTS: Sau khi nghe tin cô Đoàn Thị Lệ Minh giáo viên Trường mẫu giáo Tân Hà chuyển trường - một tấm gương nhà giáo mẫu mực, hết lòng yêu thương học sinh, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Qua đó, tác giả mong muốn bày tỏ tình cảm cũng như suy nghĩ của mình về cô Minh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nghe tin cô Đoàn Thị Lệ Minh giáo viên Trường mẫu giáo Tân Hà chuyển trường khiến nhiều phụ huynh người dân tộc Rai buồn rầu, tiếc nuối.
Vì, từ nay con cái họ đã không còn được học với cô, người giáo viên, người mẹ hiền đúng nghĩa của đám học trò nghèo khổ nơi đây.
Cô Đoàn Thị Lệ Minh bên các em học sinh mẫu giáo (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Gia cảnh bất hạnh
Cô nói trước đây mình nghèo lắm. Đồng lương giáo viên mẫu giáo quá thấp, chồng cô không có việc làm ổn định, con cái lại đau yếu liên miên. Gia đình cô thật sự đã lâm vào tình cảnh khốn khó.
Cô nói mình làm quần quật suốt ngày, tối về vừa soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, vừa lo bằm rau nuôi heo, nấu rượu để cho chồng bỏ mối…
Ngoài giờ dạy, cô phải bưng cái mẹt đứng ngay cổng trường cấp 3 bán từng bị bánh, từng bịch sinh tố cho học sinh.
Cô Đoàn Thị Bạch Mai nguyên Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Hà nói: “Ngành giáo dục tổ chức hội thi nào cô Minh cũng tham gia rất nhiệt tình. Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Cô còn đạt giải trong hội thi giáo viên duyên dáng mẫu mực, tuyên truyền viên giỏi về giáo dục các bậc cha mẹ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Bất hạnh chưa buông tha và liên tục ập xuống gia đình bé nhỏ của cô. Người anh trai ở quê bỗng dưng phát bệnh tâm thần mà không có người chăm sóc. Cô đã bàn với chồng đưa anh về nhà mình để chăm lo cho anh.
Thế rồi, để nuôi hai con học đại học, nuôi người anh bệnh tật, hai vợ chồng cô vay vốn chăn nuôi gà, heo.
Bao vốn liếng, công sức dồn vào đấy nhưng gần đến ngày thu hoạch gà bị H5N1 còn heo bị dịch tai xanh. Heo gà bị tiêu hủy, tiền nợ ngân hàng ngày một nhiều thêm.
Có lẽ, do làm lụng quá vất vả để chèo chống gia đình, sức khỏe của cô cũng xuống trầm trọng. Căn bệnh tiểu đường cứ hành hạ bao năm.
Một cánh tay có nguy cơ liệt, đôi mắt có triệu chứng mờ dần vì biến chứng, các khớp chân tay sưng phồng mỗi khi trở trời…
Dạy học bằng cả yêu thương
Vượt qua tất cả, cô vẫn dồn sức để dạy dỗ, chăm lo cho những em học sinh mà cô gọi là những đứa con thân yêu của mình.
Có mặt ở lớp mẫu giáo 5 tuổi với 30 học sinh dân tộc Rai ở thôn Suối Máu vào một buổi sáng. Khá nhiều học sinh nơi đây đi bộ đến trường với đôi chân dính đầy bùn đất. Đón các em ngoài cửa, cô Lệ Minh nở nụ cười thật tươi và hướng dẫn các em đến bên thau nước đã chuẩn bị sẵn.
Cô giúp các em rửa tay chân, mặt mũi. Có em còn được thay đồ vì quần áo nhìn không được sạch.
Cô Minh tiết lộ “Các cô giáo nơi đây thường xuyên xin đồ cũ để ở lớp lúc cần thay cho các em”.
Gần giờ vào lớp, có vài học sinh chạy lại xin cho con đi vệ sinh. Bỏ dở câu chuyện, cô Minh chạy theo các bé.
Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục |
Khi vào, cô nói như phân bua “dạy trẻ dân tộc cực nhất là tập cho các em đi vệ sinh trong bồn cầu. Ở nhà hầu như các em chỉ quen đi ở bãi cát, rồi bờ sông, bờ suối.
Những ngày đầu, có em nhất định không chịu ngồi trong nhà vệ sinh. Các cô phải hướng dẫn, phải dỗ từng tí một”.
Rồi cô Minh chia sẻ: “Học sinh của mình còn quá nhỏ, điều kiện sống ở gia đình còn khó khăn, vất vả. Thương các em nên phải bù đắp bằng tình thương yêu của một người mẹ”.
Rồi cô kể “Trước khi các con đi ngủ, cô thường nằm giữa hai dãy học sinh để hát cho các con nghe những câu vọng cổ, đọc những bài ca dao hay, kể những câu chuyện cổ tích bổ ích để các con dễ ngủ.
Mỗi buổi trưa, cô đều tập trung những em nữ lại để tắm, lau chùi và hướng dẫn các em cách giữ gìn vệ sinh.
Cô Minh còn nổi tiếng bởi tài chăm sóc, giáo dục học sinh đặc biệt là những em học sinh cá biệt, tự kỉ.
Chia sẻ bí quyết, cô cười và nói: “Khi nhận lớp, tôi gặp gỡ phụ huynh và tìm hiểu từng em để biết được điểm mạnh, điểm yếu từ đó có biện pháp giáo dục các em phù hợp”.
Cảm động nhất là sự san sẻ từng đồng tiền trợ cấp của mình nhận được khi dạy trẻ dân tộc.
Một ít cho đồng nghiệp khó khăn. Một ít góp vào bữa ăn cho học sinh bán trú để các em có bữa ăn ngon hơn.
Cô nói “Mình dù khó cũng còn hơn nhiều người, cũng đã trải qua những tháng ngày không có đồng bạc trong nhà. Bởi thế, san sẻ những gì mình có cho mọi người cũng là một hạnh phúc”.
Chia tay cô cũng là lúc cơn mưa chiều ập xuống trước trận bão về. Những giọt mưa lạnh buốt quất vào người nhưng tôi vẫn thấy lòng ấm mãi.
Bởi cái nghèo, cái khổ, những đớn đau bệnh tật vẫn không đủ sức quật ngã cô một nhà giáo mà suốt đời chỉ biết vui với niềm vui con trẻ, chỉ biết buồn khi các em gặp khó khăn.
Tôi cứ nhớ mãi lời của vị phụ huynh nói về cô: “Nếu con đến trường không được học cô Minh là một thiệt thòi lớn”.