Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục

26/02/2017 07:40
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng tình thương yêu con người mãi mãi không hề đổi thay. Tình yêu thương và chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được con người.

LTS: Gần đây, nhiều câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục bị phát giác khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Là một nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương phân tích cốt lõi của những tiêu cực trong nền giáo dục của Việt Nam hiện nay.

Theo tác giả, nghề giáo cần coi trọng hơn nữa tính “nhân ái”.

Không chỉ giáo viên cần “nhân ái” với học sinh mà xã hội cũng cần những chính sách hợp lý hơn với giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong tháng vừa qua, câu chuyện của cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đi xe taxi đâm phải học sinh của mình, nhưng không dám nhận lỗi và còn tạo thêm những khảo sát “rởm” để báo cáo cấp trên, đang gây phẫn nộ trên các kênh báo chí ở Việt Nam. 

Đi theo trào lưu của vụ việc, có bài viết đã so sánh cô Hiệu trưởng này với một thầy Hiệu trưởng ở Mỹ đóng vai con lừa trong một hoạt động của trường với một ý so sánh và than rằng không biết khi nào ở Việt Nam chúng ta sẽ có những Hiệu trưởng dám đóng vai “lừa” với học sinh của mình [1]. 

Cá nhân tôi rất thích hình ảnh các thầy cô giáo cùng chơi với học sinh của mình.  

Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục ảnh 1

Nghệ thuật sư phạm phải xuất phát từ tình thương học trò

Con tôi, hơn 10 năm đi học ở trường, thật đã vô cùng may mắn khi được học cùng với những cô giáo, thầy giáo luôn coi học sinh như con cái mình, có yêu thương, có giận, có nghiêm khắc và có vui đùa. 

Tôi nhớ mãi ngôi trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), nơi con tôi có ngày đầu đi học.

Cô giáo và cô trợ giảng đến bên con và nói: “Con vào lớp đi, đã có các cô và bạn đây rồi”.  

Cô giáo con tôi mấy năm cấp 1 là cô Sương, một cô giáo đi từ miền Tây vào Sài gòn đã nhiều năm. Cô luôn nhỏ nhẹ với lũ học trò nghịch ngợm, dẫu cho rất nhiều em, dù học lên lớp 3, vẫn “ị đùn” hay “tè dầm” trong lớp.  

Những cô giáo như cô Sương, hay dũng cảm hơn, những cô giáo đã quên thân mình để cứu học sinh trong dòng lũ xiết của miền Trung năm rồi [2], con tôi và gia đình tôi vẫn luôn nhớ đến, vẫn luôn yêu thương hình ảnh tốt đẹp của những người làm nghề giáo.  

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng tình thương yêu con người mãi mãi không hề đổi thay. Tình yêu thương và chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được con người”.

Bốn cô giáo đã nỗ lực cứu 20 em học sinh mầm non. (Ảnh: Thiên Lý/ VnExpress.net)
Bốn cô giáo đã nỗ lực cứu 20 em học sinh mầm non. (Ảnh: Thiên Lý/ VnExpress.net)

Một số câu chuyện đau lòng gần đây xảy ra trong nhà trường như nổ trong phòng thí nghiệm gây bỏng học sinh, xe đâm gãy chân học sinh, thầy trò đánh nhau… thực tế, ở đâu cũng có thể xảy ra, thời nào cũng có.

Chỉ có điều, trong thời đại thông tin qua internet này, mọi chuyện sẽ được chuyển tải nhanh và có độ phủ rộng khắp, bởi ai cũng có thể đọc tin ngay sau khi được đưa lên báo mạng.  

Việc nhìn nhận những việc gian dối của người lớn và trong môi trường giáo dục như thế nào, liệu những tình yêu thương học sinh có đủ để ngăn chặn những hành vi này không còn tiếp diễn nữa trong tương lai không?  

Tôi rất mong báo chí và những nhà giáo, những nhà nghiên cứu, những cơ quan quản lý giáo dục nên đưa ra những giải pháp cho những tình huống này.

Chúng ta, đúng, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong những câu chuyện đau lòng xảy ra trong nền giáo dục Việt Nam.  

Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục ảnh 3

Danh dự của nhà giáo đâu phải trò đùa!

Nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho cô Hiệu trưởng, cô giáo quản lý lớp không thôi, chúng ta lại quên đi mất một nguyên lý cơ bản mà ông cha ta dạy từ rất lâu, “nhân chi sơ, tính bản thiện” (là con người, tính thiện là cơ bản) hay như Bác Hồ cũng từng viết về vấn đề này “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Vậy, điều cốt yếu chúng ta cần nhìn vào qua các câu chuyện xấu gần đây trong môi trường giáo dục có lẽ nằm ở việc tuyển dụng và đào tạo giáo viên, mức lương và cuộc sống của giáo viên, vai trò của giáo dục và giáo viên trong xã hội.

Ngoài ra, còn là ở phương pháp quản lý và phát triển năng lực sáng tạo trong giáo dục của giáo viên, những ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với giáo dục (xã hội lựa chọn phát triển kinh tế, trong khi những nhu cầu phát triển về nhân bản, về giáo dục cộng đồng, về lợi ích xã hội, về đạo đức con người đã không được coi trọng).

Và đặc biệt là những khung văn bản và quy định quản lý nhà trường, giáo viên và học sinh vốn chưa bao gồm những quy trình quản lý các tình huống tai nạn và rủi ro trong trường học.

Trong 8 phẩm chất, 8 năng lực gần đây được nêu ra làm trọng tâm giáo dục của cải cách giáo dục phổ thông, nhân ái là phẩm chất được nêu lên đầu tiên [3].  

Là một người đi học cùng con trong suốt hơn 10 năm qua, tôi ngẫm nghĩ mãi về phẩm chất nhân ái mà chúng ta dự kiến sẽ đưa vào giáo dục cho con trẻ. 

Trước khi nói đến dạy trẻ nhân ái, tử tế, khoan dung, tôi suy nghĩ về việc ai sẽ đối xử nhân ái, tử tế, khoan dung với giáo viên của chúng ta? 

Chúng ta liệu có công bằng với các giáo viên khi chúng ta đòi hỏi họ rất nhiều phẩm chất và năng lực “siêu việt”, trong khi mức lương họ nhận được rất thấp và thường, nếu không dạy thêm, thì không đủ sống?  

Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục ảnh 4

Cách chức Hiệu trưởng và Hiệu Phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên

Bản thân chúng ta, khi dạy dỗ con cái, chúng ta có khoan dung và nhân ái, với một sự chân thành thật sự chưa? 

Làm sao chúng ta yêu cầu giáo viên, những người cũng bình thường như mọi người trong chúng ta, phải nỗ lực nhân ái, nỗ lực yêu thương học sinh khi bản thân họ cũng chưa được nhận yêu thương, được đối xử nhân ái và khoan dung, từ phụ huynh, từ đồng nghiệp và từ xã hội? 

Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ đến việc các cô giáo ở Hà Tĩnh, ngoài việc đi dạy, phải tham gia vào những cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các cơ quan quản lý như một “nhiệm vụ chính trị” [4]. 

Thực ra, có ai tự hỏi chúng ta có thực sự coi trọng nghề giáo hay không? Hay giờ này, họ cũng chỉ là đối tượng để “trút giận” trong sự xuống cấp chung của nền giáo dục? 

Sự méo mó về nghề “nhà giáo”, theo tôi, có lẽ nên được đánh giá trong tổng quan của cả xã hội “méo và vẹo” [5] của chúng ta. 

Chúng ta có lẽ không nên và cũng không thể “thần tượng” các giáo viên, khi chúng ta chưa tạo ra được quy chế tuyển dụng những con người có năng lực và đạo đức cho giáo dục, chưa có những cơ chế lương và chính sách ưu đãi nghề nghiệp thích hợp, khích lệ sự tự do sáng tạo cho những nhà giáo, những con người đáng được hưởng sự tự do sáng tạo và khích lệ nhất từ xã hội và cộng đồng.

Tôi viết bài này, không phải để ngụy biện cho những người đã làm những việc rất sai trái trong môi trường giáo dục Việt Nam gần đây.  

Tôi chỉ mong, thầm mong rằng, để tránh xảy ra những việc như vậy, vấn đề không nên chỉ dừng ở việc xã hội lên án cái xấu, mà cần phải hiểu rõ hơn mầm mống của cái xấu đó ở đâu, cơ chế nào đã cho nó phát triển và làm sao có thể hạn chế nó lại.  

Tôi mong rằng yêu thương và nhân bản là một nguyên lý trong triết lý giáo dục Việt Nam, nhưng yêu thương không chưa đủ, pháp luật trong giáo dục phải đủ tốt sẽ quản trị các quan hệ xảy ra trong giáo dục. 

Và để có pháp luật tốt, chúng ta cần có người làm chính sách và pháp luật có năng lực và đạo đức tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/vi-hieu-truong-dong-vai-con-lua-va-hieu-truong-gian-doi-357280.html

[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/2-gio-vat-lon-trong-lu-de-cuu-nhom-hoc-sinh-cua-bon-co-giao-3514835.html

[3] http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/8-pham-chat-chinh-va-8-nang-luc-cot-loi-cua-hoc-sinh-pho-thong-post174143.gd

[4] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ngay-20-11-ha-tinh-giai-thich-chuyen-dieu-giao-vien-tiep-ruou-cho-khach-339320.html

[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/The-gioi-meo-va-Tao-veo-post174240.gd

Nguyễn Thị Lan Hương